Sử quan Ngô Sĩ Liên và Đại Việt Sử ký Toàn thư

Chia sẻ Facebook
14/02/2023 07:53:10

Đại Việt Sử ký Toàn thư là bộ sử lớn và đầy đủ nhất từ trước đến nay, trở thành cẩm nang cho người yêu sử, gắn liền với tên tuổi Ngô Sĩ Liên.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Đại Việt sử ký toàn thư là cuốn quốc sử đầy đủ nhất xuyên suốt từ thuở Kinh Dương Vương dựng nước đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Nhiều nhà nghiên cứu đều phải dựa vào cuốn sử này. Sách được viết bằng chữ Hán theo thể biên niên. Bộ quốc sử này gắn liền với tên tuổi của sử quan Ngô Sĩ Liên.

Bìa sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản. (Public Domain)

Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Lớn lên trong cảnh nhà Hồ không giữ được nước, dân chúng bị quân Minh cai trị tàn bạo, ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ rất sớm. Là người hay chữ, ông được chủ tướng Lê Lợi giao cho đàm phán với quân Minh khi hai bên tạm hòa hoãn với nhau.

Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh và lên ngôi vua năm 1428, lập ra nhà Lê. Các năm sau đó nhà Lê có tổ chức khoa thi để tìm người hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc, nhưng đây chỉ là các kỳ thi nhỏ. Đến năm 1442 dưới thời vua Lê Thái Tông, khoa thi quy mô lớn đầu tiên thời Hậu Lê được tổ chức với rất nhiều sĩ tử tham gia, chấm thi cũng đều là những nhân tài bậc nhất lúc đó như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, v.v…


Ngô Sĩ Liên đăng ký dự thi và đỗ tiến sĩ. Đây là khoa thi lớn đầu tiên của nhà Lê nên các vị tiến sĩ tân khoa được vua ban mũ áo, vào cung dự yến, được ban ngựa quý để đi dạo chơi thăm phố xá kinh kỳ, được “ân tứ vinh quy” với lễ đón rước rất trọng thể. Đến thời vua Lê Thánh Tông thì họ được dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu.

Sau khi thi đỗ, Ngô Sĩ Liên được làm Đô Ngự Sử dưới Triều vua Lê Nhân Tông và Lê Nghi Dân. Đến thời vua Lê Thánh Tông, ông làm Lễ bộ Thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiêm Sử quán tu soạn.

Đóng góp lớn nhất của Ngô Sĩ Liên là biên soạn cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư. Đây là bộ sử lớn nhất và chính thống của Việt Nam vẫn còn đến ngày nay.


Trước khi có Đại Việt Sử ký Toàn thư đã có nhiều bộ sử khác như “Sử ký” của Đỗ Thiện thời Lý; “Việt chí” của Trần Chu Phổ thời nhà Trần; “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu và “Đại Việt sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên thời nhà Lê.

Sau này, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần nhưng lại không thể chống nổi sự xâm lược của quân Minh. Năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho đốt nhiều nguồn sử liệu, các sách quý bị lấy hết chở về thành Nam Kinh bên Trung Quốc.

Đến thời vua Lê Thánh Tông, Vua quan tâm đến giáo dục và phát triển văn hóa, mong muốn khôi phục lại các sách sử đã bị mất. Ngô Sỉ Liên đang đảm nhận chức Hữu Thị lang bộ Lễ, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, được Vua cho kiêm thêm chức Tu soạn ở Sử quán để biên soạn quốc sử cho Triều đình từ tháng 1/1479.


Vì nhiều nguồn sử đã bị mất do quân Minh lấy đưa về nước, Ngô Sĩ Liên phải tìm tòi lại các sách sử còn giữ được, phải lấy cả nguồn theo dân gian, có nhiều lúc phải dựa thêm cả sử sách của Trung Quốc. Ngô Sĩ Liên dựa vào nhiều nhất là 2 cuốn “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu và “Đại Việt sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên. Chính vì thế mà sau khi hoàn tất việc soạn bộ quốc sử, tên tác giả chính là Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên.


Cuốn “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển ghi chép từ thời Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Cuốn “Đại Việt sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên là tiếp theo cuốn của Lê Văn Hưu bị thất lạc, viết từ thời vua Trần Thái Tông cho đến khi đánh thắng quân Minh.


Giải thích cho việc mình chọn 2 cuốn sách này để soạn thành bộ quốc sử, Ngô Sĩ Liên nói chúng “rõ ràng, có thể xem được” nhưng “ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc không khỏi có chỗ còn chưa vừa ý” vì thế mà “có việc nào sót quên thì bổ sung thêm vào, có lệ nào chưa đúng thì cải chính lại, văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi đi, gián hoặc có việc hay dở có thể khuyên răn được thì góp thêm ý kiến quê mùa ở sau”.


Cuốn quốc sử được hoàn thành vào tháng 12/1479 được gọi là “Đại Việt Sử ký Toàn thư” gồm 15 quyển ghi chép từ năm 2.879 TCN khi Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ đến năm 1427 khi nhà Hậu Lê thành lập. So với cuốn “Đại Việt Sử ký” thì có thêm phần từ thời Kinh Dương Vương năm 2.879 TCN đến khi Triệu Đà lập nước Nam Việt. Chính vì phần này không xuất hiện trong chính sử trước đó, mà có nguồn gốc từ những tư liệu dân gian, nên đại đa số phần này được coi là huyền sử.


Sau khi hoàn thành cuốn sách, Ngô Sĩ Liên tiếp tục làm quan và soạn cuốn “Tam triều bản kỷ” ghi lại sự kiện lịch sử ba triều vua Lê Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông của nhà Hậu Lê.


Sau này đến đời chúa Trịnh Tạc, Chúa tập hợp nhóm quan văn đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ sửa chữa bộ “Đại Việt Sư ký Toàn thư” , đồng thời bổ sung tiếp vào phần lịch sử thời Hậu Lê từ năm 1428 thời Lê Thái Tổ đến năm 1662 đời vua Lê Thần Tông. Phần bổ sung thêm có sử dụng tài liệu từ cuốn “Tam triều bản kỷ” của Ngô Sĩ Liên.

Đến thời chúa Trịnh Căn, Chúa lại lệnh cho nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy khảo đính bộ sử của Phạm Công Trứ, đồng thời bổ sung tiếp vào phần sử từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông.


Đến nay cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư” là bộ sử cổ xưa nhất còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay, là tài liệu vô giá cho những nhà nguyên cứu lịch sử. Các bộ sử sau này như “Đại Việt sử ký tiền biên”, “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” cũng được biên soạn dựa theo cở sở là cuốn “Đại Việt Sử ký Toàn thư”.


Lịch sử cần sự trung thực, và Ngô Sĩ Liên đã thể hiện được sự trung thực của mình trong việc chép sử. Thời đó có việc Lê Nghi Dân giết em đoạt ngôi, nhưng Ngô Sĩ Liên vẫn phục vụ Lê Nghi Dân. Nên sau này vua Lê Thánh Tông trách ông là “gian thần bán nước” . Là một sử quan, Ngô Sĩ Liên vẫn chính trực ghi lại lời chê trách của vua Lê Thánh Tông vào sách sử:

“Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông nên mới tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng theo! Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu (Lê Nghi Dân) cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ không vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!”.

Có thể thấy Ngô Sĩ Liên đã thể hiện được tinh thần của một sử quan chân chính.


Trần Hưng

Mời xem video “Sự khác biệt giữa đóng góp ý kiến và chỉ trích”

Chia sẻ Facebook