Sự nghiệp lẫy lừng của Sheryl Sandberg, nữ tướng Facebook vừa từ chức

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 14:44:07

Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành (COO) Meta vừa từ chức. Bà chính là nhân vật quyền lực thứ hai tại công ty mẹ Facebook, chỉ sau CEO Mark Zuckerberg.

Sheryl Sandberg sinh ngày 28/8/1969 tại Washington D.C (Mỹ). Bà có bố là bác sĩ nhãn khoa và mẹ là giáo viên tiếng Pháp tại trường cao đẳng địa phương. Bà có hai người em là David và Michelle.

Gia đình bà Sandberg chuyển tới Miami khi bà mới 2 tuổi. Bố mẹ bà đã biến ngôi nhà của mình thành nơi trú ẩn an toàn cho những người đang muốn thoát khỏi chủ nghĩa bài Do Thái.

Khi còn đi học, bà Sandberg luôn là ngôi sao sáng của trường. Dù vậy, mẹ của bà cho rằng, tại các trường công lập, một cô bé thông minh không phải điều tốt. Bà Sandberg tiếp nối thành tích học tập xuất sắc khi theo học Đại học Harvard, chuyên ngành kinh tế học. Tại đây, bà thành lập một tổ chức mang tên Phụ nữ trong Kinh tế học và Chính phủ. Năm 1991, bà tốt nghiệp.

COO Facebook Sheryl Sandberg. (Ảnh: Shutterstock)

Tại Harvard, bà thực hiện nghiên cứu với người sau này là Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Larry Summers. Ông chính là “cố vấn” cho bà ở giai đoạn đầu sự nghiệp, tuyển bà về làm tại World Bank ngay khi ra trường. Sheryl Sandberg làm việc cho World Bank 1 năm, trong suốt thời gian này, bà bay đến Ấn Độ giúp ngăn chặn bệnh phong. Sau đó, bà quay lại Harvard học MBA và làm việc 1 năm tại công ty tư vấn McKinsey.

Năm 24 tuổi, bà kết hôn với Brian Kraff nhưng ly hôn chỉ 1 năm sau đó. Bà từng lo rằng vụ li dị sẽ khiến bà không gặp được ai khác. Không lâu sau, bà hoàn thành chương trình MBA vào năm 1995. Người thầy của bà, Summers, tham gia vào chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Bà cũng đi theo thầy đến thủ đô và cuối cùng trở thành Giám đốc nhân sự cho ông khi Summer được xướng tên Bộ trưởng Ngân khố năm 1999.

Dù vậy, khi Đảng Dân chủ thua trong cuộc bầu cử năm 2000, bà Sandberg quyết định chuyển tới Silicon Valley và tham gia vào ngành công nghệ đang bùng nổ. Thời điểm đó, Google chỉ là một công ty nhỏ với chưa tới 300 nhân viên, không có lợi nhuận. Song bà cảm thấy sứ mệnh của Google rất hấp dẫn, đó là “làm cho thông tin của thế giới hoàn toàn miễn phí”.

Trong quá trình “mời gọi” bà về với Google, CEO Google lúc đó là Eric Schmidt được cho là đã gọi điện mỗi tuần và bảo bà: “Đừng ngốc nữa, đây là một quả tên lửa. Hãy lên tàu đi”. Sau cùng, bà gia nhập Google năm 2001 và tiếp quản chương trình quảng cáo của công ty với 4 nhân viên.

Năm 2004, bà kết hôn với người bạn thân lâu năm, Dave Goldberg. Cả hai sinh con trai đầu lòng năm 2005 và con gái 2 năm sau đó. Tại một hội thảo năm 2011, bà nói “lựa chọn sự nghiệp quan trọng nhất là kết hôn với ai”. Gia đình bà Sandberg sống trong một biệt thự rộng lớn tại Menlo Park từ năm 2013, cách trụ sở Facebook chỉ 20 phút lái xe.

Google tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian Sandberg làm tại đây. Bà chính là “nhạc trưởng” trong thương vụ với AOL để biến Google làm công cụ tìm kiếm của AOL. Bà được thăng chức Phó Chủ tịch Bán hàng và vận hành trực tuyến toàn cầu của Google.

Dù vậy, sau gần 7 năm tại Google, Sandberg đã sẵn sàng đón nhận thử thách mới. Ông Schmidt đề nghị bà làm Giám đốc tài chính song bà từ chối. Bà muốn giữ chức COO nhưng Ban lãnh đạo Google không muốn gây xáo trộn. Khi đó, 3 người đàn ông đang phụ trách việc ra quyết định tại Google là ông Schmidt cùng hai đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin.

Đó là lúc bà được một công ty khác “theo đuổi”. Facebook của Mark Zuckerberg vẫn còn tương đối mới mẻ. Ông làm quen với bà Sandberg trong một bữa tiệc Giáng sinh năm 2007 và mời bà về Facebook. Bà bắt đầu ăn tối cùng Zuckerberg 1 hoặc 2 lần/tuần. Sau khoảng 6 tuần, Zuckerberg đề nghị bà làm COO Facebook.

Trả lời The New Yorker, Zuckerberg nói rằng bà Sandberg giúp ông xử lý những thứ mình không muốn. “Có những người là quản lý thực sự giỏi, có những người có thể quản lý một tổ chức lớn. Và có những người muốn tập trung vào chiến lược. Hai loại này thường không thể là một người”, ông nói vào năm 2011.

Bà Sandberg nổi tiếng là một người đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ tại nơi làm việc. Bà hợp tác với Getty Images để chụp những tấm ảnh tư liệu, thay đổi nhận thức về phụ nữ trong công việc. Tháng 3/2013, bà xuất bản cuốn sách “Lean In”, kể lại trải nghiệm công việc của bản thân, cũng như khuyên phụ nữ theo đuổi các vị trí cấp cao trong lĩnh vực của mình. “Một thế giới thực sự công bằng sẽ là thế giới mà phụ nữ điều hành một nửa đất nước và doanh nghiệp, còn đàn ông làm chủ một nửa gia đình”, bà viết.

Năm 2014, bà thông báo hai vợ chồng đã ký tên vào Giving Pledge, cam kết quyên góp ít nhất một nửa tài sản trong suốt cuộc đời. Đây là sáng kiến của các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và Melinda French Gates. Thảm kịch xảy ra năm 2015 khi Goldberg, chồng của bà, qua đời đột ngột do đột quỵ trong chuyến nghỉ mát cùng gia đình tại Mexico. Hai năm sau đó, bà chia sẻ bài học của mình khi gặp phải những bi kịch trong cuốn sách mới.

Năm 2016, bà công khai ủng hộ Hillary Clinton tranh cử Tổng thống. Đổi lại, bà có tên trong danh sách rút gọn của một trong hai vị trí trong nội các nếu bà Clinton thắng cử: Bộ trưởng Ngân khố và Bộ trưởng Thương mại. Bà Sandberg chỉ trích các chính sách về phá thai và nhập cư của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà Sandberg cùng “bộ sậu” Facebook bị chỉ trích nặng nề vì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Facebook tiết lộ Nga đã trả tiền cho hàng ngàn quảng cáo trên nền tảng để can thiệp và thao túng người bầu cử. Tháng 3/2018, chi tiết về bê bối Cambridge Analytica bị phanh phui. Công ty này đã khai thác dữ liệu từ 87 triệu người dùng Facebook và dùng nó nhằm vào cử tri năm 2016. Bà Sandberg thừa nhận Facebook beiets về việc sử dụng dữ liệu trái phép từ năm 2015 nhưng không công bố.

Zuckerberg được cho là đã đổ lỗi cho Sandberg vì bê bối và nói lẽ ra bà nên quyết liệt hơn khi xử lý nội dung rắc rối. Sau cuộc họp với Zuckerberg, bà bày tỏ lo lắng với bạn bè về vị trí của mình tại Facebook, theo Wall Street Journal. Một bài báo bom tấn trên New York Times tiết lộ Facebook đã thuê một công ty PR thực hiện chiến dịch đổ lỗi cho tỷ phú George Soros truyền bá tư tưởng chống đối Facebook.

Bài báo của New York Times tiếp tục đổ dồn sự chú ý vào vai trò của bà Sandberg tại Facebook. Nhà đầu tư lo ngại bà Sandberg có thể rời công ty. Dù vậy, bà vẫn ở lại. Năm 2018, bà bị gọi đến làm chứng trước Quốc hội cùng với cựu CEO Twitter Jack Dorsey vì vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ.

Sau tất cả, tài sản của bà Sandberg tiếp tục tăng. Hiện nay, tài sản ròng của bà vào khoảng 1,6 tỷ USD, là một trong 20 nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ. Ngày 2/6, bà thông báo từ chức COO Facebook vào cuối năm nay vì “đã đến lúc tôi viết chương tiếp theo của cuộc đời”. Trong khi đó, Zuckerberg ca ngợi bà là “siêu sao, đã định nghĩa lại vai trò COO theo cách riêng”.


Theo Du Lam

ICTNews

Chia sẻ Facebook