Sự nghiệp biến động của người Việt làm game viral toàn cầu
Tạo ra game nổi tiếng toàn cầu một thời nhưng nam lập trình viên vẫn chọn từ bỏ hào quang danh tiếng, tiền tài để theo đuổi cuộc sống giản đơn.
Thế hệ 8X, 9X hay 10X đời đầu có lẽ không ai không biết đến Flappy Bird - trò chơi bùng nổ và càn quét toàn cầu hồi năm 2013. Khi biết danh tính cha đẻ của "hiện tượng" này, nhiều người vô cùng trầm trồ vì đó là Nguyễn Hà Đông - một chàng trai Việt Nam vốn không quá nổi trội trong lĩnh vực game hay kinh doanh. Song chính vì nổi tiếng quá nhanh, Hà Đông dù trở nên giàu có một cách chóng mặt nhưng đã không chịu được áp lực và phải bấm nút xóa game vĩnh viễn.
Trí Thức Trẻ viết, Nguyễn Hà Đông sinh năm 1985 tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), là con trong một gia đình không quá khá giả khi có bố sở hữu một cửa hàng chuyên bán thiết bị, mẹ làm việc trong cơ quan nhà nước. Từ nhỏ, anh đã hứng thú với công nghệ, 15 tuổi bắt đầu học lập trình, 17 tuổi tự làm game nhưng chưa từng nghĩ đến một ngày trở nên nổi tiếng thế giới.
Anh Hà Đông học ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi lên năm 2, 8X vừa đi học vừa đi làm cho công ty game, đến năm 2011 thì chuyển sang làm việc độc lập với tư cách là một lập trình viên.
Những tưởng sẽ sống và làm việc yên ổn qua ngày, năm 2013, với suy nghĩ tạo ra một trò chơi "vui vui, đơn giản", chàng 8X đã cho ra đời Flappy Bird và tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Chơi game này, người dùng chỉ cần nhấn liên tục vào màn hình để điều khiển chú chim bay len lỏi giữa những ống cống màu xanh, mỗi lần vượt qua sẽ tính 1 điểm.
Khi chú chim va vào chướng ngại vậy, trò chơi kết thúc. Dù cách chơi rất đơn giản, hiệu ứng hay kỹ xảo cũng "đơn sơ" nhưng thứ kích thích người chơi đắm chìm trong Flappy Bird là tinh thần ganh đua để được điểm cao.
Bấy giờ, trước dịp 30/4/2013, Hà Đông giới thiệu "đứa con tinh thần" này trên Twitter và không hề quảng cáo, marketing gì. Thời gian đầu, trò chơi này đã ở trên các ứng dụng cửa hàng trên điện thoại một cách âm thầm, lặng lẽ, gần như vô danh.
Thế nhưng sau đó, một streamer nổi tiếng đã chơi Flappy Bird trước sự chứng kiến của nhiều người theo dõi, đây là bước đệm để game nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thế giới. Tháng 1/2014, Flappy Bird là game đứng top đầu về số lượt tải về trên toàn hệ thống App Store trong 20 ngày. Đến tháng 2/2014, game đạt mốc hơn 50 triệu lượt tải về cũng như được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia.
Đó cũng là lý do để Flappy Bird được xem như một hiện tượng, đã có khoảng 200.000 video nói về trò chơi này trên YouTube và 16 triệu tin nhắn liên quan trên Twitter.
Nhờ đó, Hà Đông từng có khoảng thời gian kiếm được khoảng 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) mỗi ngày (số liệu từ trang công nghệ The Verge) từ tiền quảng cáo trong game dù đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí. Đây là một con số không tưởng, thậm chí CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng không giàu lên nhanh như vậy.
Tờ The Richest từng thống kê và ghi nhận Nguyễn Hà Đông góp mặt trong danh sách "10 triệu phú Internet đi lên từ con số 0". Còn "đứa con tinh thần" - Flappy Bird nằm trong danh sách 25 ứng dụng được trang công nghệ CNET đánh giá là có tầm ảnh hưởng cao nhất trong tầm 1 thập kỷ qua (tính từ năm 2014 trở lại).
Dĩ nhiên, đây là điều mà cha đẻ của game không thể lường trước được, anh từng thừa nhận "phần nhiều là do may mắn". Thậm chí, khi được hỏi mục đích phát triển game là để kiếm tiền hay tạo ra giá trị "để đời", Hà Đông trả lời: " Trong trường hợp của tôi ạ? Thực ra thì… Tôi không rõ mục đích của mình là gì nữa ".
Mặt khác, sự thành công của Flappy Bird cũng có 2 mặt, dù mang lại danh tiếng, tiền bạc cho 8X nhưng cũng khiến cuộc sống của anh bị đảo lộn.
Anh từng bị nghi vấn gian lận để đạt thứ 2 trên App Store. Hay khi phỏng vấn cùng tờ Rolling Stone, 8X cho hay bản thân thường xuyên nhận rất nhiều email từ người thất nghiệp hay những bà mẹ để than phiền, trách móc vì do Flappy Bird nên họ không thể trò chuyện cùng con cái. Những chỉ trích, cáo buộc khiến Hà Đông thu mình lại, mệt mỏi, mất ngủ, không muốn đi ra ngoài.
Hà Đông từng khẳng định trên Twitter rằng bản thân rất áp lực vì sự nổi tiếng bất ngờ này. “ Đó là điều tôi không bao giờ muốn. Xin hãy để tôi yên ", anh viết. Anh cũng thừa nhận: " Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công của tôi. Nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống đơn giản của tôi. Vì thế giờ tôi ghét nó ”. Đó là lý do chàng trai 28 tuổi lúc đó đã quyết định xóa game này vĩnh viễn. Anh cũng không bán đứa con tinh thần này và tiếp tục sự nghiệp làm game của mình.
Được biết, trước Flappy Bird, anh Đông đã viết hơn 100 tựa game khác nhau trước khi bán 2 game ra thị trường. Là "cha đẻ" của một trò chơi bùng nổ thế giới nhưng anh không hề nhận mình là người thành công. Nói về quyết định bỏ game mà mình đã chọn, 8X chia sẻ: “Đối với tôi 17 năm qua chỉ có màn hình máy tính, nên không có nhiều chuyện để kể. Tôi nghĩ rằng mình phải đánh đổi thứ gì đó để có được thành công. Cái mà tôi đánh đổi đó là sự trưởng thành của mình ”.
Hiện tại, dù Hà Đông vẫn triển khai phát hành game trên di động nhưng không quá thành công. Trong lần xuất hiện trước công chúng hồi năm 2019 ở trường Đại học Bách Khoa, 8X vẫn rất giản dị, khiêm tốn và có phần kiệm lời. Anh đang phối hợp cùng một bạn học để vận hành một công ty 2 thành viên chuyên về game. Tại sự kiện, triệu phú sinh năm 1985 thẳng thắn bày tỏ xác suất để tạo nên một Flappy Bird thứ 2 là 0,1%.
Bên cạnh làm game, Hà Đông cũng tại trợ vốn để các sinh viên nghiên cứu những dự án riêng nếu thấy hợp lý. Với tính cách đơn giản, hơi hướng nội, 8X hài lòng với cuộc sống không ồn ào hiện tại. Nếu có ai hỏi về gia đình hay đời tư, anh sẽ không ngần ngại mà trả lời: " Xin đừng làm phiền không gian riêng tư của tôi ”.
Để đạt được đỉnh cao trong công việc như anh Hà Đông từng thành công với Flappy Bird là điều không dễ, từ bỏ ánh hào quang của tiền tài, danh vọng lại càng khó khăn và cần nhiều quyết tâm hơn. Bạn nghĩ sao về câu chuyện của "cha đẻ" trò chơi lừng danh một thời này? Chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi nhé!
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !
Có thể thấy, mỗi người sẽ mang một tính cách, mục đích sống và làm việc khác nhau, có người chấp nhận “sóng to bão lớn” để có thể xây dựng sự nghiệp vững chắc hơn thì cũng sẽ có một số người chuộng cuộc sống đơn giản thường ngày, họ theo đuổi đam mê với một tâm thế thoải mái và không quen chịu áp lực cao.
Theo đuổi lý tưởng sống như thế nào là quyết định riêng của mỗi người, ai cũng có quyền lựa chọn hướng đi cho mình, miễn bản thân họ thấy thích với công việc của mình thì đó đã là bước đệm cho thành công ở tương lai.
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY