Sự kỳ vọng của ba mẹ với con cái thời nay: Kết hôn là việc phải làm

Chia sẻ Facebook
06/01/2023 21:55:24

Trách nhiệm của phận làm con đôi khi không phải chăm sóc cha mẹ khi về già. Với một số bậc phụ huynh, điều họ mong muốn chính là con cái kết hôn, thành gia lập thất.

Bên cạnh việc sống tốt, thành người có ích cho xã hội thì một điều cha mẹ mong muốn ở con cái chính là sẽ có được cuộc hôn nhân hạnh phúc. Song, chuyện kết hôn không phải là mục tiêu sống lý tưởng mà ai cũng phải theo đuổi. Quan điểm trái ngược này khiến cho mối quan hệ của bậc phụ huynh với con của mình ngày càng xa cách và nhiều người còn mặc định việc kết hôn là điều mà con cái phải hoàn thành.

Chuyện kết hôn dần trở thành nghĩa vụ mà con cái cần phải hoàn thành. Ảnh minh họa: Hoàng Đạt

Khi còn bé lo học, khi trưởng thành có một công việc ổn định rồi đến những năm giữa thanh xuân thì dựng vợ gả chồng. Đây chính là cuộc sống hoàn hảo trong mắt cha mẹ dành cho con cái của mình. Có những bậc phụ huynh không cần con phải chăm lo cho họ, đối với họ điều hạnh phúc nhất chính là nhìn con của mình tạo dựng gia đình nhỏ.

Song, với giới trẻ ngày nay việc thành gia lập thất đã không còn quá quan trọng, không ít người cho rằng đó là sự ràng buộc về thể xác lẫn tinh thần. Thứ họ theo đuổi chính là cuộc sống tự do tự tại, ăn những món mình thích, làm những điều mình muốn.

Nhiều bạn trẻ ngày nay mong muốn sống cuộc sống độc thân, tự do tự tại. Ảnh minh họa: YAN

Vấn đề này cũng là nguyên nhân chính gây chia rẽ tình cảm gia đình của nhiều người. Bởi cha mẹ muốn tốt cho con cái, muốn nửa đời sau con được hạnh phúc, nên buộc con phải nghe theo ý mình. Con cái thì lại cho rằng cha mẹ quá “độc tài” khi không cảm thông và thấu hiểu cho những suy nghĩ cũng như cuộc sống họ mong muốn.


Một trong số những người theo đuổi cuộc sống độc thân đã chia sẻ: “Tôi là nữ, năm nay 26 tuổi, có suy nghĩ muốn độc thân cả đời. Có lẽ đến một thời điểm nào đó trong tương lai tôi sẽ thấy hối hận, nhưng ít nhất là bây giờ tôi không hề cảm thấy hối hận với quyết định và lựa chọn của mình, cũng đã chuẩn bị hết những gì cần chuẩn bị cho lựa chọn đó của mình.

Suy nghĩ sống một mình trong mắt cha mẹ là suy nghĩ "lú lẫn". Ảnh minh họa: YAN


Hôm nay tôi nói chuyện với mẹ qua video call, tôi đã nói là mình không muốn kết hôn, mẹ liền ngồi phê bình và giáo dục tôi một cách rất nghiêm khắc tận 2 tiếng đồng hồ liền. Bố cũng xen vào, nói cho tôi ăn học mà học nhiều quá thành “lú lẫn” mất rồi, còn chẳng bằng những người không được đi học”.

Chồng hoảng loạn khi vợ ký nhầm tên lên giấy chứng nhận kết hôn: "Thế em có mất vợ không?".


Thật thế, đôi khi cuộc sống hôn nhân không mong đợi không mang lại hạnh phúc cho con cái. Nhưng vì sợ những câu nói mỉa mai hay ánh mắt khinh khi của người đời mà cha mẹ ép buộc con phải đi theo những hoạch định mà họ đã đặt ra. Điều này khiến cho phận làm con không tránh khỏi sự “nghẹt thở” như những dòng bộc bạch của người trong cuộc: “Tôi vừa nói không muốn kết hôn, mẹ tôi đã mắng tôi mày như vậy là sẽ bị người đời không coi ra gì. Nói trắng ra là, bố mẹ tôi không quan tâm chuyện tôi có hạnh phúc hay không, có muốn kết hôn hay không, thứ duy nhất họ quan tâm là thể diện và mặt mũi của mình”.

Câu chuyện so sánh với con nhà người ta ngày càng nhiều hơn. Ảnh minh họa: YAN

Không ít đấng sinh thành tỏ thái độ gay gắt, thậm chí là lên án hoặc phê bình những suy nghĩ cũng như mong muốn độc thân của con cái. Nhiều người còn cho rằng con đã “lú lẫn” mới có những suy nghĩ “lệch lạc” này. Đối với những người ở thế hệ trước việc kết hôn, dựng vợ gả chồng chính là điều quan trọng nhất của đời người, đặc biệt nó còn thể hiện sự hiếu thuận của con cái khi “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Chính vì thế mà chuyện kết hôn từ sự tình nguyện cho mối tình hưng phấn đã dần dần trở thành mong muốn của bậc phụ huynh với con cái.

Nhiều phụ huynh tỏ thái độ gay gắt trước những suy nghĩ sống độc thân của con cái. Ảnh minh họa: marrybaby

Hiện trạng “khẩu chiến” giữa cha mẹ với con cái về vấn đề này cũng dần gia tăng trong xã hội ngày nay. Câu chuyện so sánh con cái của mình với con nhà người ta cũng được bắt đầu. Không như thời còn bé, khi đã lớn cha mẹ thường so sánh con nhà mình với con nhà người ta về hôn nhân, chồng và con cái.

Nhiều người thậm chí còn “nhịn ăn, nhịn mặc” để tiết kiệm tiền làm của hồi môn cho con mình. Chính vì quá nhiều sự kỳ vọng và mong chờ vào hôn nhân của con nên khi nghe con bày tỏ muốn sống độc thân thì cha mẹ đã không tránh khỏi sự thất vọng và hụt hẫng.

Dần dần câu chuyện kết hôn trở thành nguyên nhân khẩu chiến trong gia đình. Ảnh minh họa: marrybaby

Thế nhưng nếu đứng ở góc độ của cha mẹ, của những người ở thế hệ trước có lẽ chúng ta sẽ có thể thông cảm được cho những suy nghĩ của họ. Không ai yêu thương và lo lắng cho con hơn cha mẹ, nỗi sợ khi con cái đã qua thời tuổi trẻ nhưng vẫn lẻ bóng một mình, không có ai bên cạnh đã khiến cho cha mẹ thúc giục việc kết hôn của con cái.

Việc muốn con có gia đình, nói trắng ra là gửi gắm con cho một người cùng con sẻ chia những buồn vui cuộc sống, để khi cha mẹ không còn bên cạnh con nữa thì vẫn có một bàn tay khác nắm chặt bàn tay con. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí không cần con sẽ chăm sóc mình sau này, mà chỉ mong con có bến đỗ để cùng nhau nương tựa mà thôi.

Chuyện kết hôn của con cái được cha mẹ quan tâm và kỳ vọng rất nhiều. Ảnh minh họa: Weibo Việt Nam

Song, ở thời buổi hiện nay, không phải cứ kết hôn là sẽ có hạnh phúc như thời của ông bà ta. Nhiều người yêu nhau, tìm hiểu nhau một khoảng thời gian lâu mà vẫn đường ai nấy đi sau khi về chung một nhà thì việc có được hôn nhân hạnh phúc nhờ mai mối hay cưới vội càng là việc hy hữu. Chính vì thế, thay vì phí thời gian với những chuyện tổn thương mình thì một bộ phận người trẻ lại muốn dùng thời gian đó để sống cuộc sống độc thân kiêu hãnh mà mình mong muốn.

Cuộc sống hôn nhân thời 4.0 không phải lúc nào cũng lý tưởng như thời ông bà ta. Ảnh minh họa: YAN

Suy cho cùng, việc kết hôn hay không kết hôn, đều là mong muốn có được sự vui vẻ và hạnh phúc. Thay vì liên tục “khẩu chiến” với nhau thì phận làm con có thể bày tỏ những quan điểm sống với cha mẹ để họ có thêm kiên nhẫn, chờ bạn gặp được đúng người, đúng thời điểm. Đối với bậc phụ huynh thay vì dùng quyền làm cha mẹ để ép buộc con cái thì cũng có thể nhẹ nhàng nói cho con hiểu những lo lắng của mình đối với con. Tin rằng những cuộc nói chuyện từ tốn sẽ khiến cho câu chuyện kết hôn được giải quyết một cách êm đẹp.

Gia đình bạn đã đề cập đến vấn đề hôn nhân của bạn như thế nào? Hãy chia sẽ câu chuyện ấy với Bestie nhé!

Xem thêm những thông tin hấp dẫn khác tại Bestie.


HÃY KẾT HÔN NẾU BẠN TÌM THẤY CHÀNG TRAI THẾ NÀY!


Kết hôn hay không, đối với giới trẻ ngày nay đã không còn là chuyện quan trọng. Với nhiều người kết hôn là việc hạnh phúc những một số còn lại thì cho rằng đây cuộc sống ràng buộc. Thêm vào đó, những câu chuyện ẩu đả hay tác động vật lý hoặc đường ai nấy đi trong tình yêu, hôn nhân càng khiến cho nhiều người bất mãn. Song, không phải mối tình nào cũng như thế. Bạn hãy kết hôn khi gặp được chàng trai thế này: Yêu bạn không vì ngoại hình, luôn nhường nhịn bạn,...

Chia sẻ Facebook