Sự kiện Apple tại Cupertino: Chuyến đi đầy sự trải nghiệm
Đây là lần đầu tiên Apple gửi lời mời đến các phóng viên và những người sáng tạo nội dung (content creator) của Việt Nam đến tham dự, cũng là một chuyến đi đem lại trải nghiệm và mở mang tầm mắt rất nhiều cho cá nhân tôi.
Bảo mật
Apple được nổi tiếng là rất khắt khe và bảo mật thông tin. Khoảng 3 tuần trước sự kiện ra mắt, tôi không hề biết họ có ý định mời sang Mỹ tham dự và bất ngờ một ngày lại nhận được email từ họ. Với thời gian sát sao như vậy, những ai đang có VISA Mỹ thì mới có thể kịp tham dự. Thậm chí ngay trong thư mời, họ cũng không nhắc tới là ra mắt sản phẩm mới, chỉ "rất hân hạnh mời bạn đến Steve Jobs Theater để tham dự sự kiện đặc biệt của Apple" và mọi thông tin khác về sản phẩm đều là dấu chấm hỏi.
Mọi thứ diễn ra rất nhanh sau khi Apple gửi thư mời cũng như sau khi tôi xác nhận tham dự, họ bắt đầu gửi chiếc email thứ hai, cẩn thận dặn dò trước sự kiện như cần chuẩn bị gì cho chuyến bay quốc tế, khi đáp đến sân bay thì làm gì tiếp theo, đến Apple Park bằng cách nào, check-in trước khi vào sự kiện ra sao và các thông tin về sức khỏe - y tế.
Nói một chút về vấn để sức khỏe - y tế, phía Apple yêu cầu người tham dự cần kiểm tra âm tính với COVID-19 trước khi bước vào sự kiện ngày 7/9. Bạn phải đồng ý với các điều khoản, tuân theo quy trình y tế cũng như cho phép chia sẻ data (ở đây là kết quả test COVID-19) cho bên thứ 3 là CTEH (Center for Toxicology and Environment Health, tạm dịch Trung tâm độc tố học và sức khỏe môi trường), tất nhiên dữ liệu của bạn cũng sẽ được bảo mật và chỉ phía Apple với CTEH này mới được truy cập.
Cũng trong phần này, Apple khuyến cáo rằng đeo khẩu trang hay không tại sự kiện là do cá nhân tự lựa chọn, tuy nhiên nếu vừa phục hồi sau COVID-19 hay vừa mới tiếp xúc gần với người nhiễm thì yêu cầu phải đeo.
Việc test COVID-19 có lẽ chẳng quá xa lạ với chúng ta, tuy nhiên trong lần tham dự sự kiện của một hãng công nghệ khác tại New York vào tháng 8 vừa qua, tôi chưa hề được yêu cầu kiểm tra COVID-19 cũng như không có các yêu cầu về các thông tin y tế hay sức khỏe này.
Có thể thấy Apple rất cẩn thận và quan tâm đến sức khỏe chung của tất cả người tham dự, thậm chí ban đầu bản thân cũng có chút nghi ngại và thấy hơi "phiền" nhưng đến khi bước vào bên trong sự kiện, tôi mới hiểu vì sao họ lại yêu cầu như vậy và tôi sẽ giải thích ở phần khác trong bài này.
Trải nghiệm, trải nghiệm và trải nghiệm
Cái gì quan trọng thì phải nói lại 3 lần. Apple luôn muốn người dùng có trải nghiệm xuyên suốt khi dùng hệ sinh thái của họ, và khi tổ chức sự kiện cũng vậy, mọi khách tham dự đều có được những trải nghiệm thoải mái nhất.
Gần đến ngày tham dự, Apple bắt đầu gửi email chuyến bay và tôi khá bất ngờ khi họ chọn mua vé hạng thương gia. Là một người từng tham dự rất nhiều sự kiện công nghệ quốc tế trong nhiều năm, tôi chưa bao giờ được bay ở ghế hạng này và rõ ràng đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với bản thân tôi. Trên dưới 10 lần công tác sang Mỹ, tôi đã khá "thấm đòn" và thậm chí ngán ngẩm với việc phải ngồi ngủ suốt gần 20 giờ đồng hồ, nhưng với lần công tác do Apple mời này, mọi thứ trở nên khác hẳn.
Với hạng ghế thương gia, bạn có được một không gian riêng để nghỉ ngơi đúng nghĩa, màn hình hiển thị to, góc bàn có thể ăn uống hoặc làm việc và tuyệt vời nhất chính là chỉ với một nút bấm là ghế có thể ngả thẳng ra thành giường để nằm ngủ suốt chuyến bay dài.
Đáp xuống sân bay, bước ra cửa là có một nhân viên mặc suit đen sang trọng cầm tấm bảng tên tôi và đón về khách sạn bằng xe dịch vụ limousine. Anh tài xế này cũng chia sẻ những ngày này công ty anh đưa rước rất nhiều phóng viên từ khắp các quốc gia khi về đây, "Tôi đón chuyến này là chuyến thứ 3 trong ngày rồi và tất nhiên sự kiện này sẽ rất là hoành tráng đây" , anh nói thêm.
Theo như tôi được biết, toàn bộ khách sạn này được thuê để cho phóng viên và khách tham dự khác như content creator hay đối tác nghỉ ngơi. Apple còn làm hẳn 1 router wifi riêng mang tên "Apple Wifi" với băng thông lớn hơn so với Wifi khách sạn, cũng cho thấy được họ tâm lý đến mức nào và hiểu rõ các content creator cần một đường truyền tốt để làm việc, đăng tải lượng nội dung khổng lồ lên các nền tảng social vào ngày diễn ra sự kiện.
Sau một đêm nghỉ ngơi, tôi tham dự một buổi tập Yoga chào bình minh do Apple tổ chức ngay tại khu vực sân vườn của khách sạn. Nói thêm về buổi tập này, nó được thiết kế dành riêng cho người tham dự sự kiện Apple và nhà Táo đã ngỏ ý mời từ lúc trước chuyến bay.
Tất nhiên chương trình này không hề bắt buộc nhưng tất nhiên tôi không thể bỏ lỡ được, một là vì tò mò cách Apple sẽ tổ chức các "hoạt động ngoại khóa" này thế nào và hai là để tốt cho sức khỏe bản thân. Yoga sẽ giúp tôi cân bằng lại được mọi thứ, giãn cơ sau một chuyến bay dài gần 24 giờ (bao gồm cả transit). Nếu ai từng bay chuyến bay dài thì sẽ hiểu cảm giác mệt mỏi, nhất là phần lưng, cổ và đầu gối, vậy nên việc đưa vào phần tập Yoga này là một điểm mà tôi rất thích, cho thấy sự tâm lý của Apple cũng như tạo sự thoải mái, tinh thần khỏe khắn nhất có thể cho mọi người trước buổi event quan trọng vào ngày hôm sau.
Buổi tập cũng khá nhẹ nhàng và đa phần để bạn khởi động các nhóm cơ vào buổi sáng và giãn các phần xương khớp, cột sống. Giáo viên trước khi vào buổi tập cũng không quên nhắc bạn chọn tính năng tập Yoga trên Apple Watch để đo và có thể xem lại các thông số của bản thân sau đó. Có thể nói đây là một chương trình tuy nhỏ nhưng lại cho thấy sự khéo léo của Apple khi vừa tỏ ra quan tâm đến sức khỏe của tất cả mọi người nhưng mặt khác cũng tạo nên sự kết nối chặt chẽ hơn với họ, âm thầm quảng cáo mà không quá kệch cỡm, ép buộc.
Thường với các sự kiện quốc tế mà tôi tham dự, các hãng có xu hướng đưa rất nhiều hoạt động hoặc các buổi họp, điều này dễ gây thêm áp lực và cũng chiếm khá nhiều thời gian của phóng viên. Cá nhân tôi nếu cố gắng theo lịch trình cả ngày, khi tối về lại phòng sẽ cảm giác khá mệt và không đủ tỉnh táo để có thể làm việc (ban đêm của Mỹ là ban ngày tại Việt Nam và tất nhiên tôi vẫn phải kiểm tra email công việc cũng như làm một số việc cần thiết của tòa soạn).
Sau buổi "giãn gân cốt" với Yoga buổi sáng, tôi lại tiếp tục được… tự do trải nghiệm. Điều này có nghĩa tôi có thể đi khám phá bất kỳ đâu theo ý muốn của mình mà không bị bó buộc theo giờ giấc hay lịch trình của nhà Táo. Do vậy, tôi cùng các anh em khách mời của đoàn Việt Nam rủ nhau ghé thăm Apple Park để tự chiêm ngưỡng bằng mắt thật của mình.
Điều khá buồn là Apple sẽ không cho bạn tham quan tòa nhà Ring Building bên trong Apple Park mà chỉ có thể đến khu vực Apple Visitor Center (nằm đối diện Apple Park) và nơi đây đặt một cửa hàng khá hoành tráng, bao bọc hoàn toàn bằng cửa kính cùng đội ngũ nhân viên trẻ trung năng động.
Quay lại với Apple Visitor Center, ở đây họ có tổng cộng 3 khu vực chính: ở giữa là cửa hàng, bên trái là khu trải nghiệm AR mà tôi sẽ đề cập sau và bên phải là quán cafe của… Apple! Tất cả được ốp hoàn toàn bằng kính nên chúng ta có thể nhìn rõ từ bên ngoài vào.
Để chống lại cơn buồn ngủ do lệch múi giờ, tôi chọn Caffè Macs là địa điểm đầu tiên để bước vào. Đây đúng là lần đầu tiên tôi nghe đến việc Apple có hẳn một quán cafe riêng tại đây, với menu và mọi bước lựa chọn, tùy chỉnh đồ uống và thanh toán đều được thực hiện trên một chiếc iPad. Không gian rất đẹp, mang xu hướng tối giản và đặc biệt là tận dụng giếng trời lẫn các tấm kính để lấy nguồn ánh sáng tự nhiên vào.
Bước sang không gian chính, đây là nơi trưng bày đầy đủ tất cả sản phẩm thuộc hệ sinh thái của nhà Táo, nhưng điều đặc biệt bạn nên biết đây cũng là một trong hai nơi duy nhất (store còn lại nằm ở One Infinite Loop - đại bản doanh đầu tiên của Apple tại Cupertino) bán đồ lưu niệm của Apple, từ túi tote, áo thun cho đến cả áo cho trẻ sơ sinh. Phải chăng nhà Táo cũng muốn định hướng cho các cháu sau này lớn lên hãy làm iFan?
Và đây là không gian cuối cùng, cũng là nơi thú vị nhất tại Apple Visitor Center: khu vực trưng bày mô hình Apple Park.
Nếu đã từng đến các bảo tàng hoặc triển lãm, ngắm nhìn các mô hình công trình thì chắc các bạn đã quá quen với kiểu này. Nhưng không, Apple đã đưa nó lên một tầm cao mới trong việc trải nghiệm của khách tham quan. Với thế mạnh là một ông lớn trong ngành công nghệ, Táo tất nhiên không bỏ qua cơ hội để ứng dụng và quảng cáo những gì mình đang có được: LiDAR.
Họ sử dụng công nghệ cảm biến này (vốn đang được tích hợp trên iPad và iPhone) để quét mô hình vô tri vô giác và biến nó thành thú vị hơn trên màn hình của một chiếc tablet. Công nghệ của cảm biến LiDAR cùng thực tế ảo tăng cường (AR) là thứ giúp khách tham quan có cái nhìn sinh động và chi tiết hơn về công trình mà Apple đã dày công xây dựng.
Ngay trên màn hình iPad, bạn có thể biết được Apple Park trông ra sao với các mốc thời gian trong ngày, hay ngắm nhìn cách họ mô phỏng tận dụng năng lượng tự nhiên như gió và Mặt Trời để vận hành toàn bộ khu vực, thậm chí là "bật tung nóc" để biết được bên trong các tòa nhà đấy có gì.
Hoành tráng nhưng gần gũi
Vào ngày diễn ra sự kiện, người tham dự được mời lên những chuyến xe bus để di chuyển từ khách sạn sang Apple Park. Đây mới chính thức là lúc tôi được bước qua cánh cổng Apple Park và "thâm nhập" vào bên trong.
Một lần nữa chúng ta lại thấy Apple sử dụng những tấm kính lớn uốn cong cho toàn bộ kiến trúc của họ. Bản thân tôi rất thích kiểu thiết kế này vì đưa lượng ánh sáng tự nhiên vào bên trong rất nhiều, vừa không phải tốn điện để thắp sáng tòa nhà, lại vừa tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn.
Một vòng Steve Jobs Theater.
Vì Ring Building là khu vực làm việc của nhân viên Apple nên người tham dự không được đến gần mà chỉ hướng mắt nhìn sang mà thôi. Hy vọng một ngày nào đó trong tương lai Apple sẽ làm một tour tham quan để tôi có thể được mở tầm mắt nhiều hơn và biết được cận cảnh điều kiện cũng như cơ sở vật chất của một công ty công nghệ tầm cỡ thế giới trông ra sao.
Quay trở lại với rạp hát Steve Jobs, lạ thay sự kiện sẽ không diễn ra ngay tại tầng này, mà nó nằm ở… lòng đất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng khu vực này sẽ u tối mà ngược lại được phủ đầy ánh sáng một cách bất ngờ.
Thật lòng mà nói, tôi rất thích ánh sáng tại khu vực trải nghiệm sản phẩm sau khi sự kiện ra mắt kết thúc. Trước đây tôi từng thắc mắc tại sao các trang tin và báo chí nước ngoài chụp iPhone ngày ra mắt quá đẹp, đến khi bản thân đi dự các sự kiện nước ngoài của các hãng khác tôi cũng thấy đa phần họ dùng tông tối, hoặc tắt đèn rồi dùng đèn chiếu spotlight tạo cảm giác như ở các nơi sang trọng, nhà hàng cao cấp… Nhưng không, nó khiến trải nghiệm của người tham dự lẫn tác nghiệp vô cùng khó khăn.
Lúc đó tôi lại nghĩ: "Có lẽ họ được mượn cầm về nhà chụp?". Và rồi ngày hôm nay, tôi thật sự được mở mang tầm mắt khi biết rằng mọi người đều như nhau, tức đều xuất hiện tại buổi trải nghiệm này để tác nghiệp chứ không hề được "ưu ái", từ các trang tin lớn cho đến các YouTuber nổi tiếng như MKBHD hay SuperSaf đều ở đây cả.
Bí kíp của Apple lại nằm ở chỗ sử dụng tường ốp màu sáng, có các giếng trời để đưa ánh sáng tự nhiên vào nhiều nhất có thể, vậy nên dù là ở dưới tầng B1 nhưng mọi thứ vẫn "sáng như ban ngày". Cũng nhờ đó, người tham dự như tôi có thể nhìn ngắm màu tím của iPhone 14 Pro được rõ ràng và chân thực nhất, không bị các ánh đèn màu phản chiếu vào làm đổi màu. Một lần nữa, Apple cho thấy họ có thể làm được những thứ khác hoàn toàn với đối thủ và mang lại trải nghiệm tốt nhất dù là người dùng khi nhận về sản phẩm hay khách tham dự với một chiếc máy trên tay tại bàn trải nghiệm. Đó là một trải nghiệm xuyên suốt mà không phải ai cũng có thể làm được.
Tuy nhiên, không có gì hoàn hảo cả và ngay tại sự kiện này, tôi cũng nhận thấy được rõ điều đó. Apple gói gọn khu vực trải nghiệm trong tòa nhà hình tròn này, vậy nên họ sử dụng 3 chiếc bàn dài và mỗi bàn đặt 1 series sản phẩm vừa ra mắt, cụ thể là 1 bàn cho iPhone, 1 bàn cho Apple Watch và 1 bàn cho tai nghe Airpods. Với số lượng phóng viên và content creator lên đến hơn 200 người, kèm với nhân viên Apple đứng demo cho sản phẩm, bạn có thể hiểu được cảm giác đông nghẹt và tắc nghẽn tại đây là thế nào. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao Apple yêu cầu khách tham dự phải kiểm tra COVID-19 trước sự kiện 1 ngày để bảo đảm sức khỏe chung của mọi người.
Sau khi trải nghiệm sản phẩm xong, khách tham dự có thể trở về khách sạn bằng xe bus hoặc dùng bữa trưa tại Caffè Macs bên Visitor Center. Nhà Táo không bó buộc và để mọi người có sự lựa chọn thích hợp nhất, nhờ vậy ai cũng có thời gian thoải mái và tự do trải nghiệm theo ý thích của cá nhân.
Trái ngược với các hãng điện thoại khác có xu hướng gửi sản phẩm cho phóng viên trải nghiệm sớm sau sự kiện, Apple lại không có chủ trương này. Cũng vì vậy tôi dành thời gian còn lại để trải nghiệm các địa điểm lân cận. Nhìn chung, đây là một chuyến đi tuy gọi là công tác nhưng lại rất thoải mái, không hề áp lực, điều mà tôi chưa từng thấy ở tất cả những chuyến công tác khác. Có lẽ đó là nhờ cách Apple đưa tính trải nghiệm lên hàng đầu và quan tâm đến mọi người, "thiết kế" một cái trip tốt nhất trong khả năng của họ. Hy vọng tôi sẽ có dịp được trải nghiệm những chuyến đi sự kiện sắp tới và được mở rộng tầm mắt hơn nữa trong tương lai.
Theo Tuấn Lê