Sự khắt khe trong khoa cử thời xưa (P1)
Trải qua 845 năm, qua nhiều triều đại với các hình thức thi cử khác nhau, khoa cử thời xưa cũng có những quy chế khắt khe đến mức ngặt nghèo.
Lịch sử khoa bảng nước ta bắt đầu từ năm 1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông và kết thúc vào năm 1919 dưới thời vua Khải Định, trải qua 845 năm, qua nhiều triều đại với các hình thức thi cử khác nhau. Để thi đỗ sĩ tử phải qua “thiên kinh vạn quyển”. Ngay ở kỳ thi đầu tiên là kỳ thi kiểm tra sát hạch, sĩ tử đã phải chép lại “Tứ thư” và “Ngũ kinh” không sai một chữ. Các kỳ thi sau sĩ tử còn phải thuộc lòng văn thơ, kinh sách, viết văn, làm thơ, vế đối. Tuy nhiên khoa cử thời xưa còn có những quy chế hết sức khắt khe đến mức có phần ngặt nghèo.
Quy chế khoa cử khắt khe
Trước kỳ thi 4 tháng sĩ tử phải đăng ký với địa phương. Vì là kỳ thi Nho học trọng Đạo nên những ai bất hiếu hay tàn bạo địa phương sẽ loại ra từ đầu mà không chi phép dự thi.
Việc cố ý phạm lỗi khi đi thi bị xử lý rất nặng, nhất là dưới thời nhà Nguyễn. Sĩ tử nếu mang theo tài liệu vào trường thi sẽ bị đóng gông 1 tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Sĩ tử nào nói chuyện ồn ào thì không chỉ bị phạt tội, mà quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương cũng bị vạ lây.
Trống điểm canh tư (tầm 1 giờ sáng) thí sinh phải có mặt ở trường thi để nghe gọi tên. Đến canh năm 8 khắc (5 giờ sáng) thí sinh có tên phải vào hết trong trường thi và ngồi đúng chỗ. Thí sinh làm bài cho đến giờ Thân (3 – 5 giờ chiều) thì bắt đầu nộp bài, hạn cuối là hết canh một (tức 19 giờ).
Do đó sĩ tử đi thì đều phải có lều chõng, chiếu, bút, nghiên mực, lại cả đồ dùng ăn uống trong ngày.
Ngày xưa đi thi dùng bút lông chấm nghiên mực, viết chữ Hán tượng hình nên rất lâu. Sĩ tử làm bài thi phải tránh viết những chữ phạm húy, cụ thể là không được viết tên thật của vua, hoàng hậu, cả những đời vua trước của Triều đại đó. Đây là lỗi mà rất nhiều sĩ tử phạm phải, đặc biệt là vào thời nhà Nguyễn. Quan giám khảo vì không muốn mất người tài mà giúp đỡ cũng bị vạ lây.
Một kiểu phạm húy nữa mà sĩ tử hay mắc phải là khi viết các chữ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu… thì phải sang hàng và viết cao lên, nếu không sẽ bị phạm lỗi.
Bài thi sĩ tử phải viết chữ chân phương, tức thể chữ “khải thư” , do chữ tượng hình có nội hàm sâu xa, nên nếu viết chữ thiếu một nét hay một chấm sẽ bị xem là mắc lỗi.
Quyển thi nếu để lại dấu vết như vết tì, ố bẩn đều được xem là có ý đánh dấu bài và bị trượt. Lệ cũng quy định mỗi bài thi không được đồ (xóa bỏ), di (sót), câu (móc), cải (sửa) quá 10 chữ. Cuối quyển thi phải ghi rõ số lượng chữ đã đồ, di, câu, cải.
Nếu như đồ (xóa bỏ), di (sót), câu (móc), cải (sửa) quá 10 chữ, hay quyển thi có dấu bẩn, tì vết, sĩ tử phải xin đổi quyển thi khác và viết lại từ đầu.
Khi chấm thi, nếu giám khảo cho sĩ tử nào bị trượt vì lý do vi phạm, thì cần phải nêu rõ trên bảng để sĩ tử biết lý do mình bị đánh trượt.
Do quy chế thi cử quá khắt khe nên xảy ra rất nhiều việc đáng tiếc trong các kỳ thi.
Cao Bá Quát suýt bị tội chết
Thời vua Thiệu Trị vào khoa thi năm 1841, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi ở Thừa Thiên. Khi chấm thi ông thấy có một số bài văn hay nhưng phạm húy, ông vẫn phê đậu, nhưng nghĩ bụng khi bài đến tay người khác cũng sẽ bị phê rớt vì phạm húy. Không muốn chỉ vì lỗi nhỏ mà đánh trượt mất người có tài, Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực (vì quy định quan giám khảo không được mang mực vào trường thi) chữa cho 24 bài phạm húy.
Tuy nhiên việc thi cử được tổ chức trước sau rất tốt nên vụ việc bị bại lộ. Án được dâng lên Vua. Sau khi xem xét Vua đồng ý xử tử. Thế nhưng sau đó nhận thấy Cao Bá Quát làm việc này không có ý đồ làm lợi gì cho riêng mình hay giúp đỡ riêng tư cho ai, mà là vì không muốn đất nước mất đi nhân tài. Chính vì thế Vua quyết định xóa án tử, xử Cao Bá Quát làm phục dịch 3 năm cho các tàu đi công cán nước ngoài.
Đặng Huy Trứ bị đánh rớt vì vô tình phạm húy
Theo ghi chép từ “Đại Nam thực lục” vào khoa thi năm 1847, ông Đặng Huy Trứ người làng Thanh Lương (xã Hương Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) vượt qua được thi Hương. Đến trường nhất thi Hội đặc biệt do vua Thiệu Trị ra đề, nhiều sĩ tử làm không hết, riêng Huy Trứ làm hết nên được đánh giá cao.
Vào đến trường tứ, bài thi của Đặng Huy Trứ bị giám khảo cho rằng phạm húy, dùng từ khiếm nhã nên đánh trượt. Khi quyển thi dâng lên, vua Thiệu Trị thấy bài làm tốt nên không nỡ đánh trượt, liền cho đỗ và được vào tiếp kỳ thi Đình.
Vào đến thi Đình, đầu tiên là làm bài thi Kinh nghĩa, Đăng Huy Trừ làm bài đến phần ca ngợi đức Vua thì có dùng từ “phong đô” , nhưng “phong đô” là có trong cụm từ “phong đô địa ngục” , giám khảo nghi ngờ sĩ tử này có ý xấu nên chấm rớt. Giám khảo sau chấm lại thì rộng lượng bỏ qua, nhờ đó mà Huy Trứ được vào làm bài thi cuối cùng là Văn sách.
Làm bài Văn sách, Huy Trứ dùng từ “Gia Miêu chi hại” với ý nghĩa cỏ năn làm hại lúa tốt, mà không để ý rằng “Gia Miêu” cũng là từ đồng âm với “Gia Miêu” là nơi phát tích nhà Nguyễn ở Thanh Hóa. Quan giám khảo cho rằng Huy Trứ dùng văn ngông cuồng, không chỉ đánh rớt mà còn xin Vua phạt 100 trượng, bắt đi đày 3 năm và cấm thi suốt đời.
Vua xem xét thì phê chuẩn hủy tất cả kết quả thi trước đó, phạt 100 trượng, nhưng không bắt đi đày, và vẫn cho dự thi các kỳ thi sau đó.
Sau đó Đặng Duy Trứ không nản chí, ông tiếp tục dự thi sau đó và thi đỗ, trở thành vị quan tốt. Ông là người đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam thông qua hiệu ảnh “Cảm hiếu đường” , khai trương năm 1869 ở Thanh Hà, Hà Nội. (Xem bài: Câu chuyện về hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam )
(Còn nữa)
Trần Hưng
Mời xem video :