Sử dụng phương tiện công cộng: Đột phá gỡ điểm nghẽn ùn tắc giao thông
Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của Quốc gia, đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng Thủ đô. Tuy nhiên, trong sự phát triển chung, hệ thống giao thông của Hà Nội vẫn bộc lộ nhiều bất cập, trong đó vấn nạn ùn tắc giao thông khu vực nội đô là nan giải hơn cả. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, để gỡ rối cho tình trạng trên thì phát triển giao thông công cộng chính là 'chìa khóa', trong đó vai trò 'xương sống' của đường sắt đô thị cần được đặt ở vị trí cao hơn.
Bất cập của giao thông Thủ đô
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hệ thống hạ tầng của Thủ đô có xu hướng quá tải. Theo đó, Hà Nội có khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó, 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy.
Việc quá tải về giao thông tại Hà Nội ngoài số lượng phương tiện tăng cao còn được thể hiện qua các con số như: Cầu Thanh Trì hiện có 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm…
Đáng chú ý, hiện tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị chỉ đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của quy hoạch thì con số này phải đạt từ 20 - 26%), tỉ lệ tăng bình quân hàng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 2,48%/năm.
Ùn tắc giao thông tại Thủ đô nếu không sớm có thêm các giải pháp sẽ ngày càng trở nên nan giải. Ảnh: Đinh Luyện
Tại các quận “lõi” của Thủ đô, việc hạ tầng quá tải còn kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó nghiêm trọng hơn cả là những bất cập khi thiếu điểm trông giữ phương tiện. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) quận Thanh Xuân cho biết, quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, toàn quận có 108 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Trên địa bàn quận có 68 tuyến phố có tên, hơn 900 tuyến ngõ, ngách đường giao thông đã cơ bản được nhựa hoá và bê tông hoá; quận cũng có các tuyến đường trục chính xuyên tâm, như: Nguyễn Trãi (có tuyến đường sắt đô thị trên cao); Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, Trường Chinh (có đường cầu vượt trên cao), Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn (tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của Thành phố), Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Vũ Trọng Phụng; 2 hầm chui Nguyễn Trãi và Tố Hữu - Lê Văn Lương…
Theo bà Trần Thị Thu Hà, tốc độ đô thị hóa nhanh, tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng thấp, chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố nói chung và địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng. Dễ thấy, trên địa bàn quận, đa phần các tuyến phố vỉa hè còn nhỏ hẹp (dưới 3m) và đặc biệt 17 tuyến phố hầu như không có vỉa hè nên khó khăn cho việc sắp xếp nơi để phương tiện.
Trên góc độ quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, hiện mạng lưới giao thông tại Hà Nội chưa phát triển tương ứng với phát triển đô thị. Với gia tăng dân số, với vai trò Thủ đô, động lực phát triển vùng… thì hiện tỉ lệ đất dành cho giao thông, đặc biệt là với hệ thống đường bộ và giao thông tĩnh còn thấp. Cùng đó, vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân và đòi hỏi phải có nhiều mô hình đa dạng, liên kết đồng bộ và cơ chế chính sách thuận lợi hơn mới có thể tăng số lượng hành khách sử dụng, từ đó kéo giảm việc người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Đẩy mạnh giao thông công cộng
Thực tế, thời gian qua, với lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội đặc biệt coi trọng và xem đây là điều kiện tiên quyết để mở rộng không gian phát triển Thủ đô. Cụ thể, Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại”. Trong đó, có mục tiêu rõ ràng, quyết liệt đối với lĩnh vực giao thông vận tải và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Kế thừa nội dung về phát triển đô thị của Chương trình số 06-CTr/TU, tại kỳ họp khóa XVII, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.
HĐND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành các Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.
Riêng trong năm 2023, Ban Đô thị HĐND Thành phố cũng đã thẩm tra, trình HĐND Thành phố chấp thuận và điều chỉnh chủ trương 54 dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, chỉnh trang các tuyến đường, hạ tầng kỹ thuật đô thị, dự án đường sắt đô thị, dự kiến kỳ họp thứ 13 HĐND Thành phố vào cuối tháng 9 này là 18 dự án… Có thể thấy Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và các sở ngành, các cấp chính quyền đang dành nhiều nỗ lực cho việc phát triển hệ thống giao thông đô thị, công tác tổ chức giao thông, công tác quản lý giao thông trên địa bàn Thành phố, từng bước giải quyết những tồn tại, bức xúc về giao thông trên địa bàn Thành phố.
Trở lại với câu chuyện ùn tắc giao thông của Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu ùn tắc, ngoài đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng thì không có cách nào khác ngoài phát triển giao thông công cộng. Trong đó, đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị. Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm 3, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chia sẻ, đô thị trung tâm Hà Nội có đặc thù là dạng lưới, đường cấp đô thị gồm các tuyến đường hướng tâm và vành đai. Bởi vậy, hệ thống đường sắt đô thị phải là “xương sống” của giao thông công cộng Hà Nội với yêu cầu đáp ứng trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. Đây cũng là cơ sở để tổ chức giao thông.
Ông Đỗ Xuân Trường cũng hiến kế, để giao thông Thủ đô lưu thoát thì cần tổ chức đô thị theo hướng đa cực, đa trung tâm, tránh dồn dòng giao thông lưu lượng lớn về một phía và phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo hướng hành lang có lưu lượng giao thông lớn.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để “gỡ khó” cho giao thông Thủ đô, bên cạnh việc xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản pháp quy thì cần có các cơ chế để phát triển giao thông đi trước, sau đó là kịp thời ban hành các văn bản dưới Luật. Riêng với Thủ đô Hà Nội đang sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065, lập quy hoạch Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050 là thời điểm thích hợp để tập trung nguồn lực, trí tuệ, xác định các định hướng, cơ chế tạo đột phá cho giao thông.
Ngoài ra, Hà Nội cần đẩy mạnh nghiên cứu, thể chế hóa các mô hình phát triển giao thông như khai thác không gian ngầm, phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng. Ưu tiên, tạo nguồn lực để phát triển các mô hình giao thông hiện đại từ ngân sách, từ xã hội hóa…
Trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, cần rà soát đánh giá quy hoạch chung của Thủ đô trong thời gian tới để tạo tiền đề cho các dự án chiến lược, căn cơ trong phát triển giao thông đô thị. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng xác định, muốn giải quyết bài toán phát triển giao thông đô thị cần căn cứ trên sự phát triển kinh tế - xã hội; Đặc biệt quan tâm phát triển đường sắt đô thị, đặt mục tiêu phát triển đồng bộ về công nghệ.