Sự đổ bộ của các chuỗi khách sạn lớn đang “khoác áo mới” hấp dẫn cho du lịch Việt Nam

Chia sẻ Facebook
23/09/2022 14:31:30

Hậu Covid, ngành Du lịch Việt Nam đang ở ngưỡng cửa bùng nổ, kéo theo đó là sự phát triển nhanh chóng của những chuỗi khách sạn trẻ, phong cách và đậm chất công nghệ bên cạnh những thương hiệu quốc tế truyền thống đang khoác áo mới cho ngành khách sạn Việt Nam.


Được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế và sự ra đời của các hãng hàng không mới, du lịch nội địa tại Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 22% hằng năm từ 2014 đến 2019, với 85 triệu khách du lịch nội địa vào năm ngoái. Và ngay cả bây giờ, khi các biện pháp ngăn chặn COVID-19 đang làm gián đoạn ngành du lịch quốc tế, Việt Nam đã kiểm soát thành công Covid-19 và việc sớm mở cửa trở lại nền kinh tế đã thúc đẩy ngành du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Sự phát triển của du lịch đã thúc đẩy số lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, chỉ khoảng 5 năm nhưng số lượng cơ sở lưu trú đã tăng hơn gấp đôi, từ hơn 17.422 cơ sở với khoảng 370.907 buồng (năm 2017) lên khoảng 38.000 cơ sở với 780.000 buồng (năm 2021). Số lượng dự án tại Việt Nam mang thương hiệu khách sạn của nhà điều hành quốc tế và khu vực dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025.

Ông John Gardner - Giám đốc điều hành Tập đoàn Archipelago Indochina cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ của khách sạn, tương tự như Thái Lan khoảng 20 hay 30 năm về trước. Các nhà đầu tư phát triển khách sạn đã nhìn ra điều này, vì vậy mà hình thành hàng loạt khách sạn, resort khắp đất nước. Điều này đã thu hút các thương hiệu khách sạn quốc tế tới Việt Nam, với việc kí kết những hợp đồng hợp tác quản lý mới.


Đồng quan điểm này, ông Gabriel Escarrer Jaume – Giám đốc điều hành Tập đoàn Melia Hotels International cho rằng Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn có thể so sánh với Australia, Nhật Bản hay Hong Kong (Trung Quốc).

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành khách sạn không chỉ chứng kiến cuộc mở rộng của những thương hiệu quen thuộc trên thế giới như InterContinental Hotels Group, Marriott International, Hyatt Hotels, Accor Hotels, Wyndham Hotel Group, Best Western International...mà còn là cơ hội để hàng loạt thương hiệu khách sạn trẻ, năng động ra đời.

Trong đó, chuỗi khạch sạn trẻ SOJO Hotels đã phát triển nhanh chóng, mở rộng quy mô gần 10 khách sạn chỉ trong vòng chưa đầy một năm ra mắt. Điều đặc biệt của SOJO Hotels chính là "khách sạn không điểm chạm" với những trải nghiệm từ nhận và trả phòng, nhận khóa và mở phòng, khởi động hệ thống trang thiết bị trong phòng…hoàn toàn tự động thông qua hệ thống SOJO app. Được biết, chuỗi khách sạn này được World Travel Awards (WTA) 2022 công nhận là "Thương hiệu khách sạn phong cách nhất châu Á".

Ông Nguyễn Bá Luân - Tổng Giám đốc SOJO Hotels khẳng định chuỗi khách sạn SOJO Hotels sẽ không ngừng tăng tốc để trở thành điểm đến hàng đầu cho khách lưu trú bản địa và quốc tế khi tới Việt Nam. Phủ rộng hiện diện với mục tiêu 100 khách sạn SOJO khắp cả nước trong 5 năm tới, nâng tầm trải nghiệm trên nền tảng công nghệ sẽ là chìa khóa chinh phục khách hàng.

Ngoài OJO Hotels, một chuỗi khách sạn trẻ khác là Wink cũng liên tục khởi công khách sạn thứ 6 tại Việt Nam. Ông Peter Ryder, Chủ tịch Wink Hotels kiêm Giám đốc điều hành Indochina Capital cho biết: "Khi xây dựng chiến lược thương hiệu cho khách sạn Wink, chúng tôi có tham vọng tạo nên một thương hiệu thể hiện đúng tinh thần Việt Nam và tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành du lịch – khách sạn. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch phát triển và đưa vào hoạt động 20 khách sạn trong vòng 5 đến 7 năm tới".

Đánh giá về triển vọng thị trường khách sạn Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong tương lai, ngành Khách sạn ở Việt Nam sẽ là một thị trường sôi động của các khách sạn. "Thị trường du lịch đang phục hồi. Nhiều dự án trong thành phố có công suất thuê cao với sự trở lại của khách công tác và khách trong nước. Các thị trường nguồn mới đối với khách tham quan du lịch và khách công tác như Ấn Độ đang bắt đầu hiện diện. Các dự án nghỉ dưỡng đạt công suất cao, tập trung vào phân khúc hạng sang. Thời gian tới, thị trường sẽ có sự phân chia rõ rệt, với sự tập trung vào sản phẩm chất lượng hơn số lượng”.

Chia sẻ Facebook