Sự chuyển mình trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam
Chia sẻ của bà Trần Tuệ Tri, Tổng Giám đốc Chuỗi nhà thuốc Pharmacity.
Thời gian gần đây, đã có khá nhiều bài viết chia sẻ về sự tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam nhưng những thay đổi đang thực sự diễn ra bên trong nó chưa được khai thác nhiều. Những biến chuyển này mới chính là điều thực sự thúc đẩy sự phát triển của thị trường và để các nhà bán lẻ tận dụng được hết những tiềm năng to lớn hiện có và điều quan trọng là phải xem xét kỹ hơn mấu chốt của những thay đổi này ở đâu.
Tôi nhận thấy những thay đổi đang diễn ra trong ngành bán lẻ Việt Nam thể hiện ở 4 yếu tố. Đầu tiên, đó chính là hành vi của người tiêu dùng đã bị thay đổi bởi đại dịch COVID-19. Một ví dụ điển hình cho điều này là mô hình bán hàng trực tuyến đã trở nên cực kỳ phổ biến trong giãn đoạn giãn cách xã hội và hiện nay nó vẫn là một phương thức mua sắm được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Tuy chỉ chiếm một phân khúc nhỏ nhưng thị trường nhà thuốc trực tuyến dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô trong vòng bốn năm tới và sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với hình thức bán hàng trực tiếp tại nhà thuốc.
Thứ hai, sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ cũng đang dần nóng lên. Đặc biệt, ngày càng có nhiều hơn các thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam. Điều này có lẽ thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực thời trang, trong những năm gần đây các thương hiệu như Uniqlo, Zara và H&M đã mở nhiều cửa hàng tại các thành phố lớn của nước ta và họ vẫn đang tiếp tục mở rộng hơn nữa thị trường của mình. Và không chỉ trong lĩnh vực thời trang mà đây sẽ là một xu hướng trong các ngành nghề khác. Vì vậy các thương hiệu nội địa ở tất cả các ngành cần nhận thức sâu sắc hơn về những gì mà các đồng nghiệp quốc tế của mình đang làm để đảm bảo vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh của mình trong giai đoạn tới.
Áp lực chi phí cũng đang thay đổi dần cách các nhà bán lẻ vận hành doanh nghiệp của mình. Đây là yếu tố thứ ba mà tôi muốn nói đến. Và có lẽ điều này được minh họa rõ nhất trong lĩnh vực vận tải. Theo một số ước tính, chi phí vận chuyển, lưu kho và xếp dỡ hàng hóa ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới và cao hơn khoảng ba lần so với chi phí ở Singapore.
Nhiều nhà bán lẻ cũng đang giải quyết áp lực chi phí bằng cách tối ưu hóa danh mục các cửa hàng, đóng cửa các chi nhánh hoạt động kém hiệu quả và mở mới các cửa hàng ở những vị trí chiến lược hơn. Việc tái cơ cấu hệ thống như vậy đảm bảo giúp cho các nhà bán lẻ có thể tập trung nguồn lực của mình vào những vị trí; khu vực mà khách hàng cần họ hơn và tiếp tục phục vụ người tiêu dùng với khả năng tốt nhất của mình.
Yếu tố thứ tư mà tôi muốn nói đến giống như yếu tố thứ nhất và có liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng. Nội dung này nói về sự đang dạng và linh hoạt trong tiếp cận thông tin của người tiêu dùng ở Việt Nam. Đã qua lâu rồi thời kỳ của những chiến dịch quảng cáo đơn giản. Sự tương tác của khách hàng với các nhà bán lẻ hiện nay được thể hiện trên nhiều kênh và theo nhiều cách cũng như vào những thời điểm khác nhau. Đây chính là yếu tố quan trọng cho sự kết nối với khách hàng và kết quả có được là hiểu người tiêu dùng muốn gì.
Sự thay đổi là điều thường xuyên xảy ra trong phần lớn sự nghiệp của tôi tại Việt Nam và tôi dự đoán được các trải nghiệm của những thay đổi này thú vị ra sao. Những cơ hội mà nó mang lại là vô cùng lớn nhưng chúng ta chỉ có thể thực sự tận dụng những cơ hội này nếu chúng ta hiểu đầy đủ về tầm quan trọng của sự thay đổi và nó liên quan như thế nào đến các ngành của chúng ta.
Bằng cách tận dụng sự thay đổi, tôi tin rằng các nhà bán lẻ Việt Nam có thể làm được những điều tuyệt vời cho doanh nghiệp của mình.
Ánh Dương