Sự "bất khả kháng" trong tuyên bố của Elon Musk và Gazprom

Chia sẻ Facebook
23/07/2022 12:00:11

Elon Musk nhắc đến tình trạng bất khả kháng khi báo cáo thu nhập Tesla quý II, trong khi Gazprom cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây đã dẫn tới sự bất khả kháng.


Tỷ phú Elon Musk và tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga dường như rất ít điểm chung, nhưng trong tháng này cả hai đều trích dẫn "sự bất khả kháng" để giải thích cho hoạt động kinh doanh bị gián đoạn.


Trong hợp đồng, bất khả kháng đề cập đến sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được, ngăn cản khả năng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của các bên. Những sự kiện bất thường này có thể kể đến như cháy rừng, lũ lụt, đại dịch, chiến tranh, bạo loạn.


Hôm 20/7, tỷ phú Elon Musk đã đề cập đến tình trạng bất khả kháng trong cuộc trao đổi với các nhà đầu tư về báo cáo thu nhập quý II/2022 của Tesla. Vị giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla chia sẻ rằng năm qua đã chứng kiến ​​"khá nhiều trường hợp bất khả kháng" đối với hãng sản xuất ô tô trong bối cảnh xung đột tại Ukraine, các vấn đề xảy trong chuỗi cung cung ứng và tình hình phong tỏa Covid-19 vẫn phức tạp.


Tỷ phú Elon Musk đã nhắc đến "bất khả kháng" như từ đồng nghĩa với "sự kiện thiên nga đen" thay vì ông ám chỉ đến một điều khoản hợp đồng cụ thể. "Thiên nga đen" là sự kiện cực kỳ hiếm xảy ra mà các công ty không lường trước được, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động kinh tế. Thuật ngữ này đã trở nên phổ biến bởi được cựu giáo sư tài chính Nassim Nicholas Taleb tại Đại học New York nhắc đến trong cuốn sách The Black Swan xuất bản năm 2007 của ông.


Tỷ phú Elon Musk cho biết trong cuộc trao đổi hôm 20/7 rằng “Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này rõ ràng là bất khả kháng, nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”. Ông bày tỏ tin tưởng về “một nửa cuối năm phá kỷ lục” của Tesla.

Hình ảnh đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 từ Nga sang Đức. Ảnh: AFP.


Trong một bức thư gửi đến các công ty năng lượng châu Âu được tiết lộ vào tuần này, tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga cũng nhắc đến trường hợp "bất khả kháng".  Gazprom cho biết trong bức thư đề ngày gửi 14/7 nhưng mới được hãng tin Reuters tiết lộ trong tuần này rằng hãng không thể đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên theo hợp đồng với các công ty tiện ích châu Âu do các trường hợp "bất thường".


Gazprom cho biết việc tuabin bị mắc kẹt ở Canada do vướng lệnh trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất khả kháng. Các công ty tiện ích của Đức là Uniper và RWE nằm trong số các nhận được thư báo bất khả kháng của Gazprom. Uniper đã đáp lại vào tuần này: "Chúng tôi cho rằng điều này bất hợp lý. Chúng tôi chính thức bác bỏ tuyên bố bất khả kháng này".


Hôm 21/7, Nga đã nối lại nguồn cung khí đốt qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 nhưng chỉ ở mức 30% so với công suất tối đa.


Trong một nỗ lực nhằm đảm bảo lượng khí đốt cho mùa đông sắp tới và ứng phó với khả năng Nga sẽ hạn chế nguồn cung hơn nữa, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt từ tháng 8 năm nay tới tháng 3 năm sau so với mức tiêu thụ trung bình trong cùng kỳ của giai đoạn 2016-2021 .


Phạm Hà Thanh (theo Fortune, CNBC)

Chia sẻ Facebook