Stockton Rush: nhà sáng lập công ty tàu lặn ngắm xác Titanic và tầm nhìn du lịch đáy biển sâu
VietTimes – "Tôi có cảm giác như đang làm việc cùng Henry Ford", một trong số những khách hàng của OceanGate kể về Stockton Rush.
Mô hình kinh doanh từ đáy đại dương
Niềm đam mê khám phá biển sâu của Stockton Rush đã biến thành một mô hình kinh doanh ngay khi ông bắt đầu nhận thấy rằng các đại dương là một thị trường ít cạnh tranh hơn không gian.
OceanGate, công ty do ông sáng lập, đã tổ chức các chuyến thám hiểm nhằm khám phá các khu vực đại dương sâu thẳm, tương tự như cách Jeff Bezos và Elon Musk thám hiểm không gian.
Năm 2021, Rush đã hoàn thành những sứ mệnh đầu tiên của công ty ông đối với tàu Titanic. “Giống như du lịch không gian, chúng tôi coi điều này như một cơ hội để người dân có thể thám hiểm xác con tàu huyền thoại này”, ông nói trên đài phát thanh Detroit trong năm ngoái.
Hai năm sau đó, người sáng lập kiêm CEO của OceanGate là 1 trong số 5 người bước lên Titan – chiếc tàu ngầm thử nghiệm có kích thước ngang bằng một chiếc minivan bị mất tích từ hôm Chủ nhật tuần trước trong lúc đang đi đến địa điểm tàu Titanic bị đắm, ở độ sâu 2 dặm thuộc vùng biển Đại Tây Dương.
Vị kỹ sư 61 tuổi đam mê phiêu lưu này trong suốt nhiều năm liền đã nỗ lực làm việc để khai mở kiến thức và sự quý trọng đại dương của người dân, đồng thời cũng tìm cách kiếm tiền từ những du khách giàu có, những người sẵn sàng bỏ ra 250.000 USD để xem xác tàu Titanic qua một ô cửa kính.
Rush nói rằng những nỗ lực của ông có đi kèm với mối nguy hiểm, nhưng chúng đã được hạn chế bởi cam kết an toàn.
“Chúng tôi có thể chịu rủi ro mất tiền, chứ không để mất người”, Rush nói trong một phiên thảo luận của Hội nghị GeekWire tổ chức trong năm ngoái. “Vậy nên nếu ai đó tìm đến tôi và nói “Này, đây là ý tưởng mới cho tàu ngầm”, nhưng nếu kết quả là ý tưởng đó thất bại, chúng tôi sẵn sàng hủy nhiệm vụ hoặc mất tiền, không có vấn đề gì”.
Ông đi du lịch khắp nước Mỹ bằng chiếc Titan của mình để khơi dậy sự hứng thú với những chuyến thám hiểm đáy đại dương của người dân.
“Stockton chắc hẳn rất tự hào về thiết kế tàu ngầm của ông”, Joseph Wortman, người từng tham gia vào một nhiệm vụ của Titan trong năm 2021, cho hay.
Rush từng nói rằng, cũng giống như việc du hành vũ trụ vốn mang đến nhiều thách thức, việc phát triển một chiếc tàu ngầm đủ sức chịu áp lực khổng lồ - hơn 140 triệu pound (63,5 triệu kg) trên toàn bộ thân tàu.
“Đó là một thách thức đầy khó khăn về mặt kỹ thuật”, Rush nói trong buổi phỏng vấn trên đài phát thanh Detroit. “Nhưng một khi được xây dựng vững chắc, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ giảm được nguy cơ đến mức tối thiểu khi lặn xuống nước. Ngày nay không có gì là không có rủi ro cả”.
Thảm kịch được báo trước
OceanGate từng đối mặt với nhiều phản đối từ một số bên trong ngành, bởi họ lựa chọn bỏ qua xác nhận an toàn độc lập đối với tàu Titan, và cả từ một nhân viên trong chính công ty. Ủy ban của Hiệp hội Công nghệ Hàng hải trong năm 2018 đã có thư gửi OceanGate trong đó nói rằng việc công ty này không đem Titan đi xác nhận an toàn độc lập có thể dẫn đến một thảm kịch.
Hầu hết các nhà sản xuất tàu ngầm đều lựa chọn một bên thứ ba xác nhận độ an toàn thiết bị của họ để đảm bảo về sự thống nhất về thiết kế và chế tạo, theo Will Kohnen, Chủ tịch của Ủy ban phương tiện dưới nước có người lái và là Giám đốc của nhà sản xuất thiết bị lặn Hydrospace Group.
Năm 2019, OceanGate viết trong một bài đăng trên blog rằng quá trình “phân loại” không đủ để đảm bảo sự an toàn, một phần là bởi nó không đảm bảo được rằng các hãng vận hành tàu ngầm sẽ tuân thủ các quy trình chuẩn.
Kohnen cho hay Rush nói với ông sau khi ủy ban gửi bức thư đó rằng, quy trình chỉ làm hạn chế sự đổi mới.
Khi được hỏi rằng liệu Rush có chịu rủi ro lớn hay không, Kohnen trả lời: “Tất cả con người chúng ta đều có cùng vấn đề là chịu thua lòng kiêu hãnh của bản thân. Nếu có thứ gì có thể dạy cho chúng ta về sự khiêm nhường, đó chính là đại dương”.
Một số hành khách từng tham gia vào các chuyến khám phá của OceanGate cho hay hướng tiếp cận thận trọng của Rush khiến họ cảm thấy an tâm, kể cả khi họ phải ký một dạng cam kết trong đó nói rằng họ có thể thiệt mạng trong lúc thực hiện hành trình.
“Tôi chưa từng gặp một người để ý đến từng chi tiết như vậy”, Mike Reiss, người từng tham gia một chuyến khám phá biển sâu trên chiếc Titan mùa Hè năm ngoái. Ông nhớ lại rằng Rush từng hết lời ngợi khen một cuốn sách nói về lịch sử của checklist (danh sách các công việc cần thực hiện). Reiss nói thêm: “Tôi có niềm tin vào ông ta”.
Sớm bén duyên với những hành trình thám hiểm
Stockton Rush sinh ra trong một gia đình giàu có ở San Francisco. Ông theo học chuyên ngành kỹ sư không gian tại Đại học Princeton và nhận bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học California.
Niềm đam mê thám hiểm của ông bắt đầu từ sớm. Ở tuổi 14, Rush đã nhận chứng chỉ thợ lặn, và đến khi 19 tuổi đã trở thành phi công phản lực vận tải trẻ nhất thế giới, theo thông tin đăng tải trên website chính thức của OceanGate. Ông đã bay khắp thế giới nhờ ký hợp đồng phụ của hãng hàng không Arab Saudi, sau đó chuyển sang làm kỹ sư bay thử nghiệm.
“Ông ấy đã sống một cuộc sống mà bất cứ một chàng trai trẻ nào cũng đều mơ ước”, Reiss nói. “Ông ấy giống như một người Mỹ mơ mộng cuối cùng. Tôi có cảm giác như đang làm việc với Henry Ford vậy”.
Sau khi thành lập OceanGate vào năm 2009, Stockton Rush cho biết công ty đã mua lại một tàu ngầm du lịch ở New Zealand. "Chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều người muốn tham gia vào những chuyến du lịch khám phá cao cấp. Có những người sẵn sàng chi hàng trăm nghìn đô la để leo núi Everest hoặc đến Bắc Cực, và chúng tôi đã kết hợp cả hai trong ý tưởng của mình," ông chia sẻ tại sự kiện GeekWire. Sau đó, OceanGate tổ chức các chuyến lặn ở các địa điểm như Vịnh Mexico và vùng biển ngoài khơi California.
Năm 2015, Rush thông báo rằng công ty đã giới thiệu mẫu tàu ngầm có khả năng lặn sâu tới 1.600 ft (487 m). Sau đó, tàu Titan được ra mắt, có khả năng lặn sâu tới 13.200 ft (4.023 m), đủ để đến gần xác tàu Titanic - con tàu huyền thoại đã chìm trong chuyến hành trình đầu tiên vào năm 1912. Tàu Titan được trang bị vỏ bọc thân dày 5 inch (12,7 cm) làm bằng sợi carbon và một cấu trúc mái vòm titanium ở phần đuôi.
“Nếu các bạn không phá vỡ nhiều thứ, các bạn sẽ không đổi mới được”, ông nói tại hội nghị hồi năm ngoái.
Rush tuyên bố rằng ông sẵn sàng hủy bỏ các mẫu thiết kế khiến ông quan ngại. Khi những tiếng kêu lách tách trên thân tàu không biến mất trong lần lặn thử nghiệm thứ hai, ông cho biết, “chúng tôi hủy nó luôn và chế tạo một chiếc khác”.
Tầm nhìn về du lịch đáy biển
Craig Sopin, một quan chức đến từ Hội Titanic Quốc tế chuyên săn tìm những đồ vật liên quan tới con tàu huyền thoại này, cho hay Rush không phải người đầu tiên nghĩ ra ngành du lịch ngắm xác tàu Titanic nhưng đã giúp mở rộng nó.
“Ông ta có tầm nhìn khai mở tàu Titanic cho phần còn lại của thế giới”, Sopin nói về Rush.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News vào năm ngoái, Rush nói rằng OceanGate đại diện cho một dạng du lịch mới không chỉ thu hút những nhà thám hiểm giàu có mà cả những nhóm người khác.
“Chúng tôi có nhiều khách hàng thế chấp ngôi nhà của họ để thực hiện hành trình khám phá. Và chúng tôi có cả những người không phải suy nghĩ nhiều về tiền nong khi tham gia”, ông nói với CBS, thêm rằng từng có một khách hàng trúng số tìm đến công ty của ông.
Rush cho hay công ty vẫn chưa có lãi, do giá nhiên liệu cao và nhiều chi phí khác. Mặc dù một số bộ phận cấu thành của tàu Titan đều là những thứ sẵn có – như tay cầm cửa mái được mua ở một cửa hàng vật dụng cắm trại và một tay cầm chơi game để điều khiển tàu – nhưng Rush khẳng định rằng nó là một sản phẩm kỹ thuật tiên tiến.
Nhà làm phim David Waud cho hay ông từng cùng Rush đi thăm xác tàu Titanic vào tháng 8/2021. Waud, 75 tuổi, mô tả Rush là người có tầm nhìn và luôn hứng thú khám phá đáy đại dương, chia sẻ trải nghiệm đó với nhiều người.
“Lúc đang nổi lên mặt nước, ông ta thường dựa lưng và nhắm mắt hoặc ngủ”, Waud kể lại. “Còn trong lúc lặn xuống, ông ta thường nói chuyện với tất cả chúng tôi, bởi lúc đó ai cũng phấn khích”./.
Theo Wall Street Journal