Startup ở châu Á hấp dẫn dòng vốn đầu tư mạo hiểm

Chia sẻ Facebook
08/04/2023 09:37:46

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tiếp tục gây rúng động. Cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu và Mỹ. Ở châu Á, bị ảnh hưởng nhiều nhất là những công ty nhỏ hơn đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn do tâm lý nhà đầu tư suy sụp.

Startup ở châu Á hấp dẫn dòng vốn đầu tư mạo hiểm

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tiếp tục gây rúng động. Cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu và Mỹ. Ở châu Á, bị ảnh hưởng nhiều nhất là những công ty nhỏ hơn đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn do tâm lý nhà đầu tư suy sụp.

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm lạc quan. Châu Á - Thái Bình Dương được coi là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay, được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc mở cửa trở lại gần đây và điều này sẽ giúp khu vực tránh được tình trạng suy giảm giống như dự báo ở các nền kinh tế lớn khác. Một số quốc gia trong khu vực, như Hàn Quốc, vẫn được các nhà đầu tư mạo hiểm ưa chuộng và đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về khối lượng giao dịch.

Song, tổng lợi nhuận của lĩnh vực đầu tư mạo hiểm trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vẻ sẽ vẫn yếu trong những tháng tới, trái ngược với mức lợi nhuận gần 25% được ghi nhận trong ba năm tính đến năm 2020. Nhiều công ty thua lỗ từng đạt mức tăng trưởng doanh thu ngoạn mục trong năm 2018, thời điểm mà chi tiêu của lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đạt mức cao nhất mọi thời đại, giờ đang thử lửa trong môi trường huy động vốn khắt khe.

Trên thị trường đại chúng, dòng vốn nước ngoài rút khỏi chứng khoán châu Á đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Các chỉ số chuẩn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, hiện giao dịch ở mức thấp hơn khoảng 1/3 so với chỉ số S&P 500. Ngoài ra, hoạt động IPO cũng hoạt động chậm chạp.

Ngay cả đối với những công ty công nghệ có doanh số bán hàng tăng vọt trong đại dịch COVID-19, như các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và mạng xã hội, tăng trưởng doanh thu cũng đang chậm lại và kéo theo nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ. Angela Lai, chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao tại Preqin, cho biết: “Các nhà đầu tư đang ngày càng ưa chuộng các thị trường mới nổi và công ty đang ở giai đoạn đầu. Các công ty đang ở giai đoạn đầu tại thị trường mới nổi châu Á, như ở Ấn Độ và Đông Nam Á, có xu hướng có quy mô nhỏ hơn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và định giá ban đầu thấp hơn so với tiềm năng của họ”.

Ở Đông Nam Á, Singapore nổi bật là trung tâm của các công ty tăng trưởng cao. Rex International Holding và NW Corporation, hai công ty lần lượt đứng đầu và thứ hai trong bảng xếp hạng hàng năm lần thứ 5 của FT/Statista về các công ty tăng trưởng cao ở châu Á-Thái Bình Dương, hoạt động trong ngành công nghiệp năng lượng đang bùng nổ của quốc đảo sư tử.

Trong đó, Rex ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gộp hàng năm là 630% trong ba năm đến năm 2022 nhờ mở rộng hoạt động từ mảng kinh doanh dầu khí cốt lõi sang kinh doanh phần mềm, bao gồm các chương trình lập bản đồ để thăm dò dầu khí.

Fintech (công nghệ tài chính) và telehealth (chăm sóc sức khoẻ từ xa) cũng là những ngành phát triển mạnh mẽ của Singapore. Nhà điều hành dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa Doctor Anywhere và công ty thương mại điện tử chăm sóc sức khỏe Maneuver Marketing nổi bật ở đầu danh sách. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao trên khắp châu Á và lượng lớn người tiêu dùng chưa có tài khoản ngân hàng là hai yếu tố giúp thúc đẩy các lĩnh vực này trong thời kỳ dịch COVID-19.

Sự phát triển của fintech đặc biệt đáng chú ý ở Indonesia, một quốc gia có hơn 270 triệu dân, nơi nhiều người chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Startup fintech AwanTunai, đứng thứ 35 trong bảng xếp hạng, đã phát triển nhanh chóng kể từ khi ra mắt vào năm 2017 bằng cách cung cấp các giải pháp cho vay và thanh toán số cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.


Trong tháng 04/2023, startup fintech Kredivo có trụ sở tại Singapore đã huy động được 270 triệu USD , một diễn biến cho thấy giới đầu tư mạo hiểm vẫn quan tâm nhiều đến lĩnh vực này bất chấp các điều kiện tài chính bị thắt chặt.

Việc các chuyến bay du lịch được nối lại cũng giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế. Indonesia, Philippines và Thái Lan nằm trong số những thị trường đã quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Khi các tuyến đường trở lại bình thường, doanh thu du lịch, đóng góp khoảng 10% vào GDP của các nền kinh tế này, sẽ thúc đẩy sự phục hồi. IMF dự kiến tăng trưởng ở châu Á sẽ tăng lên 4.7% trong năm nay, từ mức 3.8% trước đó.

Nhưng động lực lớn nhất của khu vực, cho đến nay, sẽ đến từ Trung Quốc. Sau khi mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 12/2022, đất nước này đã chứng kiến hoạt động sản xuất rầm rộ trở lại. Vào tháng 02/2023, một số chỉ số kinh tế của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Và cứ mỗi điểm phần trăm tăng trưởng ở Trung Quốc, sản lượng ở phần còn lại của châu Á sẽ tăng khoảng 0.3%, theo IMF. Khoảng một nửa thương mại ở châu Á diễn ra giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý đối với các tập đoàn Trung Quốc, cũng sẽ mang lại cơ hội phát triển cho các công ty ở bên ngoài, đặc biệt là khi các công ty đa quốc gia đang đổ xô đa dạng hóa nhà cung cấp và hoạt động của họ.

Những công ty có công nghệ độc quyền và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của họ lớn có khả năng đứng vững rất tốt. Ví dụ, công ty robot lái xe tự hành Twinny của Hàn Quốc, xếp thứ 50 trong danh sách, đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm là 128%, với phần lớn doanh số bán hàng đến từ thị trường trong nước.

Người sáng lập và giám đốc điều hành Cheon Youngseok nói rằng robot phụ trách nhặt đơn hàng trong kho của Twinny có thể giúp giảm chi phí lao động và khắc phục tình trạng thiếu nhân công.

Ông nói: “COVID-19 đã khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ tự động hóa kho hàng và logistics thương mại điện tử của chúng tôi bùng nổ”. Ông cho biết thêm rằng môi trường pháp lý thuận lợi cũng là một phần động lực.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng các công ty tăng trưởng đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn. Khi lãi suất thấp và lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ, các nhà đầu tư có thể bỏ qua tình hình tài chính yếu kém của các startup đầy triển vọng. Giờ đây, khi cạnh tranh về vốn gia tăng và các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, các công ty cần phải đạt được sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận để thu hút vốn, ông Cheon nói.

Kim Dung (Theo FT)

Chia sẻ Facebook