Startup được nhà đầu tư Tesla hậu thuẫn hứa hẹn về một chiếc xe bay 300.000 USD vào năm 2025

Chia sẻ Facebook
05/12/2022 15:35:35

Một startup xe bay có trụ sở tại Santa Clara, California, vừa thông báo có thể bắt đầu giao xe vào cuối năm 2025, tức sớm ngoài sức tưởng tượng.

Lời hứa về một viễn cảnh hiện hữu ô tô bay không còn mới. Nhiều thập kỷ qua, những chuyên gia đi theo chủ nghĩa tương lai đã liên tục nhắc đến giấc mơ này: ngày các phương tiện có thể cất cánh và thoát khỏi làn khói tắc đường.

Chính vì vậy, phần thú vị nhất trong thông báo mới đây của Alef Aeronautics - một startup xe bay có trụ sở tại Santa Clara, California, không nằm ở bản thân chiếc xe, mà ở thời điểm ra mắt thị trường: Công ty cho biết họ đang lên kế hoạch bắt đầu giao xe vào cuối năm 2025, tức sớm ngoài sức tưởng tượng.

Chiếc Model A của Alef Aeronautics có giá 300.000 USD và hiện đang mở bán trước. Khách hàng quan tâm chỉ cần đặt cọc 150 USD để có tên trong danh sách chờ hoặc 1.500 USD cho một vị trí “ưu tiên”. Công ty đã lái thử nguyên mẫu của Model A từ năm 2019, đồng thời cho biết phiên bản hãng dự định cung cấp cho khách hàng sẽ có thể đi trong phạm vi hơn 300km.

Theo đại diện Alef, Model A chủ yếu được thiết kế để chạy trên đường, lý tưởng nhất là chỉ bay ở độ cao và khoảng cách rất ngắn để tránh các chướng ngại vật cụ thể. “Khách hàng chủ yếu sử dụng phương tiện như một chiếc ô tô thông thường và chỉ bay khi cần thiết.”, Alef cho biết.

Điều kiện đường xá, thời tiết và cơ sở hạ tầng được cho là 3 lý do chính khiến việc cất cánh trong thời gian ngắn trở nên phù hợp. Dẫu vậy, theo đa số các chuyên gia, việc một chiếc ô tô có thể bay bất cứ lúc nào trên đường cao tốc cần rất nhiều yếu tố.

Phần thân Model A được thiết kế bằng sợi carbon. Phần trên dạng lưới mở với 4 cánh quạt. Khi cất cánh, toàn bộ chiếc xe sẽ quay nghiêng cùng buồng lái 2 chỗ ngồi, cho phép cánh quạt điều khiển nó như một chiếc máy bay không người lái quá khổ.

Theo Alef, Model A được thiết kế để tuân thủ các luật và quy định về ô tô, vậy nên rất “hợp pháp trên đường”. Alef thậm chí còn có sự hậu thuẫn của Tim Draper, một nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng của Tesla và SpaceX. Draper Associates Fund V mang tên ông đầu tư 3 triệu USD cho Alef vào tháng 10.

Theo Mike Ramsey, chuyên gia phân tích ô tô và di động thông minh tại Gartner, kế hoạch của Alef rất “gọn gàng”, song tương lai sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Với ông, sản xuất hàng loạt là thách thức đối với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào. Việc nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý để lái xe hợp pháp trên đường đã là rất khó, chứ chưa nói gì đến việc “bay”.

Ramsey lưu ý rằng Cục Hàng không Liên bang mới đây đã cung cấp bản hướng dẫn cập nhật đối với các phương tiện bay hợp pháp, song ngay cả khi có sự công nhận rõ ràng hơn từ FAA, các công ty mong muốn đạt chứng nhận ô tô bay vẫn còn phải đối mặt với một “thách thức lớn”.

“Các yêu cầu an toàn tối thiểu hoặc cách hợp pháp hóa các phương tiện bay là vô cùng quan trọng”, Ramsey nói.

Theo đại diện Alef, Model A chủ yếu được thiết kế để chạy trên đường, lý tưởng nhất là chỉ bay ở độ cao và khoảng cách rất ngắn để tránh các chướng ngại vật cụ thể.

Dẫu vậy, Alef vẫn hy vọng sẽ sớm có thể đẩy nhanh quy trình tìm kiếm chứng nhận hàng không bên ngoài nước Mỹ, cụ thể là ở Châu Á và Châu Âu.

“Điều đó không chỉ giúp chúng tôi xây dựng hồ sơ an toàn mà còn dễ dàng đạt chứng nhận FAA tại Mỹ”, đại diện Alef cho biết. Công ty cũng đang lên kế hoạch xin giấy phép chứng nhận Xe tốc độ thấp (LSV).

Theo CNBC, Model A không phải là kế hoạch táo bạo duy nhất của Alef. Trước đó, nguyên mẫu Model Z cũng được thông báo cho ra mắt với giá chỉ 35.000 USD vào năm 2030.

“Cá nhân tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có một phương tiện bay sẵn sàng sản xuất trong hai năm tới. Đó sẽ là một thành tựu đáng kinh ngạc”, Giám đốc điều hành Alef, Jim Dukhovny nói.

Theo Hugh Martin, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp hậu cần vận tải Lacuna Technologies, những chiếc ô tô bay thương mại có thể bắt đầu sẵn có ngay sau năm 2024, trong bối cảnh nhiều công ty lớn đang chạy đua ra mắt thị trường.

Fiat Chrysler và Xpeng của Trung Quốc là 2 ví dụ điển hình, trong đó Xpeng Aeroht đã thử nghiệm thành công mẫu xe bay thế hệ thứ 5 X2, qua đó đánh dấu bước phát triển lớn của công nghệ.

"Buổi triển lãm chiếc X2 tại Dubai là cột mốc đánh dấu bước phát triển lớn của việc nghiên cứu ôtô bay trên toàn thế giới", Brian Gu, Chủ tịch của XPeng, tuyên bố trong buổi phát biểu vào ngày 10/10.

Thiết kế ghế của Model A.

Hyundai và Uber cũng nghiên cứu taxi bay từ năm 2020, trong khi công ty con Supernal của Hyundai công bố kế hoạch tung ra thị trường xe bay vào năm 2028.

“Chúng tôi có những tham vọng táo bạo tại Supernal nhưng tiếp thị không phải là việc đầu tiên cần làm. Chúng tôi đang làm việc để tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu, đồng thời tận dụng chuyên môn sản xuất quy mô của Tập đoàn Hyundai Motor để đảm bảo AAM (Advanced Air Mobility) đạt mức giá phù hợp và có thể tiếp cận công chúng”, Jaiwon Shin, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Tập đoàn ô tô Hyundai cho biết.

Mới đây nhất, Hiệp hội Nghiên cứu công nghiệp hàng không và vũ trụ Mizushima (Nhật Bản) cũng đã thử nghiệm thành công ô tô bay với quãng đường 520 m. Chiếc ô tô có chiều dài khoảng 5,6 m và cao 1,7 m, bay được nhờ 16 cánh quạt quay bằng điện. Xe bay lên theo phương thẳng đứng dưới sự điều khiển tự động và bay qua lại giữa hai điểm trong công viên.

Tuy nhiên, ngay cả khi những chiếc xe đã sẵn sàng vào thời điểm đó, việc phê duyệt theo quy định được cho là sẽ mất rất nhiều thời gian. “Những thách thức về quy định sẽ khá lớn”, Ramsey nhận định.


Theo: CNBC, Bloomberg


Vũ Anh

Chia sẻ Facebook