SSI Research: Mảng CNTT của FPT có thể tăng hai chữ số trong nửa cuối năm
Mảng CNTT trong nước tăng 7% nửa đầu năm nhưng có thể tăng 20% trong nửa cuối năm nhờ backlog đạt 5.000 tỷ đồng. FPT tiếp tục phát huy lợi thế chi phí nhân công rẻ trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Theo SSI Research, tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vào ngày 9/8, ban lãnh đạo Công ty cổ phần FPT ( HoSE: FPT ) cho biết có thể vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 đã đặt ra trước đó là 7.6000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.
Nửa đầu năm, doanh nghiệp báo cáo doanh thu thuần đạt 19.826 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau trước thuế 3.637 tỷ đồng, tăng 24% và lãi ròng 2.490 tỷ đồng, tăng 31%. Công ty thực hiện được 47% mục tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận năm.
Ở mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài, trong 6 tháng, giá trị đơn đặt hàng mới tăng 20% so với cùng kỳ tại thị trường Nhật Bản, tăng 50% tại Mỹ và tăng 10% châu Âu. Đến tháng 7, thị trường Nhật Bản cho thấy mức tăng trưởng lớn hơn với giá trị đơn đặt hàng mới tăng 50% so với cùng kỳ, trong khi đó, tăng trưởng của thị trường Mỹ giảm xuống mức tăng 20%. Lãnh đạo FPT kỳ vọng các hợp đồng mới sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong nửa cuối năm 2022.
Đồng thời, FPT đã chủ động tham gia hợp đồng phái sinh để phòng ngừa rủi ro sụt giá của đồng Yên Nhật, điều này đã giúp tỷ suất lợi nhuận trước thuế của mảng CNTT nước ngoài không bị giảm 2% trong nửa đầu năm 2022. (Doanh thu mảng CNTT nước ngoài liên quan đến thị trường Nhật chiếm khoảng 40% tổng doanh thu CNTT nước ngoài trong nửa đầu năm 2022). Mảng CNTT nước ngoài ghi nhận tỷ suất lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm là 15,8%, so với mức 15,9% của cùng kỳ. Việc biên lợi nhuận trước thuế của mảng này giảm nhẹ nửa đầu năm một phần do công ty điều chỉnh lương, và triển khai chương trình giữ chân nhân tài dành cho cán bộ nhân viên.
Dựa trên thống kê của FPT và SSI Research, chi phí kỹ sư CNTT của Việt Nam và FPT thấp hơn khoảng 25% so với các đối thủ cạnh tranh tại Ấn Độ và các nước châu Á khác. Trong bối cảnh lạm phát, kiểm soát chi phí là yếu tố cần được ưu tiên. Năm 2020, khi bùng nổ đại dịch Covid, nhờ lợi thế chi phí thấp và sự cộng hưởng từ thương vụ M&A Intellinet, FPT đã thành công giành được hợp đồng CNTT khổng lồ có trị giá 100 triệu USD từ một doanh nghiệp ôtô ở Mỹ. SSI Research kỳ vọng lợi thế về chi phí thấp của FPT sẽ tiếp tục được phát huy trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu. Ban lãnh đạo FPT cũng tự tin giữ nguyên mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD (ước tính tăng 25% so với cùng kỳ) cho mảng CNTT nước ngoài vào năm 2023.
Mảng dịch vụ CNTT trong nước giảm tốc do tăng trưởng tín dụng ngân hàng bị hạn chế và thị trường bất động sản bị thắt chặt hơn. Tăng trưởng doanh thu 6 tháng và lợi nhuận trước thuế đều duy trì ở mức một con số là 7% so với cùng kỳ năm trước. Song, ban lãnh đạo dự kiến tăng trưởng sẽ tăng lên mức 20% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm nhờ backlog đạt 5.000 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông trong nửa đầu năm được cải thiện lên mức 19,1% do sự tăng trưởng tích cực của dịch vụ truyền hình trả tiền. Số lượng thuê bao mới của dịch vụ truyền hình trả tiền tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, tỷ suất lợi nhuận trước thuế đạt 13%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của Pay-TV có thể đạt 15% -17% nhờ việc bổ sung thêm nhiều nội dung phát sóng. SSI Research đánh giá trong trường hợp nền kinh tế có những biến động không lường trước, dòng tiền ổn định từ dịch vụ viễn thông có thể là một điểm cộng cho FPT.
Mảng giáo dục có thể trở thành một động lực tăng trưởng khác của FPT khi ban lãnh đạo nhận định mảng hoạt động này có thể đạt mức tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ trong 3 năm tới.