Sri Lanka tích cực tìm nguồn tài chính để tái cấu trúc nợ
Sri Lanka cần khôi phục tính bền vững của những khoản nợ trước khi có thể nhận bất kỳ khoản cho vay nào từ IMF.
Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry của Sri Lanka mới đây đã cho biết nước này đang ưu tiên tái cơ cấu nợ khi tìm kiếm hàng tỷ USD viện trợ từ cộng đồng quốc tế để giảm bớt cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry chia sẻ qua một cuộc phỏng vấn trên Truyền hình Bloomberg tại Washington vào cuối ngày 20/4: “Các cuộc đàm phán của chúng tôi chủ yếu xoay quanh vấn đề tái cấu trúc"; “Hiện các cuộc thảo luận vẫn đang ở giai đoạn đầu”.
Ông Sabry cho biết thêm đất nước dự kiến sẽ chỉ định các cố vấn pháp lý và tài chính để hỗ trợ việc tái cơ cấu trong 15 đến 20 ngày, họ đã liên hệ với một số chủ nợ.
IMF cho biết các cuộc thảo luận với Sri Lanka về một chương trình cho vay tiềm năng của Quỹ đang ở giai đoạn đầu và bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ yêu cầu “đảm bảo đầy đủ” rằng các khoản nợ của quốc đảo này được thực hiện theo cách bền vững.
Bộ trưởng Tài chính Sabry đang ở Washington cùng các quan chức khác để tìm kiếm viện trợ vào những tháng tới từ nhiều nguồn, bao gồm cả Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Thiếu thốn lương thực, thuốc men, nguyên vật liệu và tình trạng mất điện kéo dài khi nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt, hiện Sri Lanka đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế vào những tuần gần đây đã gây ra nhiều bất ổn trong nước, dẫn tới các cuộc biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka cho biết hôm 20/4 rằng đang tiếp cận với một số quốc gia để xin tín dụng song phương, gói viện trợ toàn diện từ IMF có thể cần tới khoảng sáu tháng.
Trong một tuyên bố được gửi qua email cho hãng tin Reuters, Trưởng phái đoàn IMF tại Sri Lanka Masahiro Nozaki cho biết Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã thảo luận về các phương án cho vay và kế hoạch chính sách với một phái đoàn Sri Lanka vào hôm 19/4.
Ông Nozaki chia sẻ: “IMF nên thiết kế một chương trình hỗ trợ nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về cán cân thanh toán của Sri Lanka và đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng bền vững càng sớm càng tốt”. Ông Nozaki cho hay thêm IMF “rất lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Sri Lanka và những khó khăn mà người dân phải gánh chịu, đặc biệt đối với người nghèo và dễ bị tổn thương”.
Nhưng ông Nozaki cũng lưu ý rằng trong đánh giá kinh tế hàng năm vào tháng trước các quan chức IMF đã xác định rằng nợ công của Sri Lanka là không bền vững và quốc gia này cần thực hiện những biện pháp để khôi phục tính bền vững của nợ trước bất kỳ khoản cho vay nào từ IMF, bao gồm cả Công cụ tài trợ nhanh (RFI).
Việc khôi phục tính bền vững của nợ như vậy thường đòi hỏi phải tái cấu trúc các khoản nợ công, trong trường hợp của Sri Lanka cần có sự hợp tác từ Trung Quốc với tư cách là một trong những chủ nợ song phương lớn nhất của nước này.
IMF đã sử dụng rộng rãi các khoản vay RFI có điều kiện thấp để hỗ trợ các nước trong đại dịch Covid-19. IMF cũng cung cấp các khoản vay như vậy để giảm bớt các vấn đề về cán cân thanh toán liên quan đến thiên tai, xung đột và các cú sốc giá hàng hóa.
Chuyến thăm của phái đoàn ông Sabry đến Washington diễn ra sau khi Ngân hàng trung ương Sri Lanka nâng lãi suất lên 700 điểm cơ bản. Vào đầu tuần này, Tập đoàn Dầu khí Ceylon do nhà nước Sri Lankan điều hành đã tăng giá xăng lần thứ hai trong tháng 4, nguyên nhân do hàng hóa nhập khẩu tăng cao.
Sàn giao dịch chứng khoán của Sri Lanka đóng cửa trong tuần này để các nhà đầu tư có thể đánh giá lại điều kiện kinh tế. Bộ trưởng Năng lượng và Điện Sri Lanka là Kanchana Wijesekera đã viết trên Twitter hôm 19/4 rằng đất nước đã nhận được nguồn cung cấp than và dầu diesel mới, hàm ý rằng cuộc khủng hoảng năng lượng và nhiên liệu sẽ giảm bớt .
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Aljazeera)