Sri Lanka phá sản, Bộ Ngoại giao Đài Loan chỉ trích “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ

Chia sẻ Facebook
08/07/2022 13:42:06

Theo Liberty Times Đài Loan, vào ngày 5/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe của Sri Lanka tuyên bố tại Quốc hội rằng Sri Lanka đã phá sản và chìm trong suy thoái trầm trọng; tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng sẽ tiếp diễn và còn khó khăn đến năm 2023.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Ou Jiangan hôm 7/7 đã chỉ trích “Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một trong những nguyên nhân chính khiến Sri Lanka phá sản, cựu Thủ tướng Mahathir của Malaysia cũng có cùng quan điểm này.

Người dân Sri Lanka đang gặp khó khăn trong việc mua các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm. Nhiều cuộc biểu tình nỗ ra phản đối chính phủ của ông Gotabaya. (Ảnh minh họa: Cuộc biểu tình hôm 9/4 ở Sri Lanka/Shutterstock)


Hiện nay, Sri Lanka đã không thể nhập khẩu các nguồn cung cấp quan trọng vì hết ngoại tệ, trong vài tháng qua, nước này đã bị mất điện kéo dài, lạm phát trầm trọng, thiếu lương thực và nhiên liệu, người dân thậm chí buộc phải sử dụng củi để nấu ăn.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Ou Jiangan nói rằng an ninh của Sri Lanka đã bị sụp đổ, quân đội và cảnh sát được trang bị súng để duy trì trật tự, cảnh bạo lực xã hội thường xuyên xảy ra, thủ đô Colombo cũng đã rơi vào tình trạng khẩn cấp. Bà cho biết hơn 60 người Đài Loan vẫn an toàn và văn phòng phụ trách sẽ giữ liên lạc với họ để cung cấp hỗ trợ khi cần thiết. Sri Lanka hiện được liệt vào danh sách cảnh báo đỏ trong “ Thang xếp hạng cảnh báo du lịch nước ngoài”.


Bà Ou Jiangan đề cập rằng từ năm 2012, Sri Lanka đã vay nặng lãi của ĐCSTQ thông qua kế hoạch “Vành đai và Con đường” và đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhưng không mang tính kinh tế, dẫn đến gánh nặng nợ nước ngoài; thêm nữa là bùng nổ của dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) và chiến tranh Nga xâm lược Ukraine khiến giảm mạnh nguồn ngoại hối, trong khi doanh thu du lịch không còn cùng nạn thiếu lương thực và giá năng lượng tăng cao… nên tình trạng vỡ nợ nước ngoài là rất nghiêm trọng. Sri Lanka đã không thể mua các nhu yếu phẩm của cuộc sống như thực phẩm, dầu diesel, khí đốt tự nhiên…


Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Sankei của Nhật Bản, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia cho biết thập kỷ qua, ĐCSTQ đã cung cấp các khoản vay hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng của Sri Lanka như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, nhà máy phát điện và các thành phố cảng gây gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka, cộng thêm những cú sốc dây chuyền gần đây làm trầm trọng thêm tình trạng suy sụp kinh tế của nước này.


Ngoài ra cũng phải kể tình trạng chính trị trong nước khi cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa của Sri Lanka và các thành viên trong gia đình giữ các chức vụ chính thức quan trọng (ví dụ như người em trai Bashir Rajapaksa của ông ta giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính và sau đó là thành viên quốc hội), bị người dân cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.


Nguồn tin từ doanh nhân Đài Loan ở Sri Lanka cho biết, do kinh tế Sri Lanka suy sụp, nguồn cung cấp điện bị gián đoạn trong một thời gian dài nên người dân phải dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel. Tuy nhiên, từ cuối tháng Sáu không có nhiên liệu diesel khiến tình hình càng khó khăn hơn, ngoài ra giao thông về cơ bản bị đình trệ hoặc tê liệt gây khó cho người lao động đi làm cũng như sinh viên đi học.


Trạch Húc, Vision Times

Báo cáo: 165 quốc gia nợ Trung Quốc 385 tỷ đô thông qua Vành đai và Con đường

165 quốc gia trên thế giới đang nợ Trung Quốc tổng cộng ít nhất 385 tỷ đô la thông qua các dự án thuộc “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” (BRI).

Chia sẻ Facebook