Sri Lanka cực kỳ căng thẳng, tổng thống, thủ tướng đồng loạt chịu từ chức
Người phát ngôn Quốc hội Sri Lanka cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đồng ý từ chức vào tuần tới trước áp lực từ các cuộc biểu tình bạo lực tại nước này.
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình ngày 9/7: "Để đảm bảo quá trình chuyển đổi hòa bình, tổng thống cho biết ông sẽ từ chức vào ngày 13/7. Tôi yêu cầu công chúng tôn trọng luật pháp và giữ gìn trật tự an ninh".
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka nói thêm quốc hội sẽ nhóm họp trong vòng 7 ngày để chọn quyền tổng thống. Ông nói: "Quốc hội có thể chỉ định thủ tướng mới và thiết lập chính phủ lâm thời. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức một cuộc bầu cử để người dân bầu ra quốc hội mới".
Người dân tại một số nơi ở thủ đô Colombo đã đốt pháo hoa ăn mừng sau khi nghe tin Tổng thống Rajapaksa sắp từ chức.
Trước đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng đã đồng ý từ chức. Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka nói ông này sẵn sàng từ chức để mở đường thành lập chính phủ mới có đại diện mọi bên, đảm bảo sự hoạt động liên tục của chính phủ cũng như sự an toàn của người dân.
Thông báo được đưa ra sau sự leo thang các vụ biểu tình bạo lực chống đối chính phủ do chịu những áp lực kinh tế nghiêm trọng.
Video được phát trên truyền hình Sri Lanka và trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình xông vào phủ tổng thống, thậm chí phóng hỏa nhà riêng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tại thủ đô Colombo.
Hơn 100.000 người tập trung bên ngoài tư dinh của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, kêu gọi ông từ chức. Nhiều hình ảnh cho thấy những người biểu tình ở bên trong tòa nhà, treo các biểu ngữ trên ban công, cũng như bơi trong hồ bơi.
Đụng độ xảy ra khiến ít nhất 39 người bị thương, trong đó có một số cảnh sát. Hai trong số những người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch, trong khi những người khác bị thương nhẹ, theo một quan chức tại Bệnh viện Quốc gia Colombo.
Theo hãng tin Reuters , cả hai lãnh đạo đều đã được sơ tán. Một nguồn tin quốc phòng cho biết Tổng thống Rajapaksa lên tàu hải quân tại cảng Colombo và di chuyển đến vùng biển phía Nam.
Sau khi người biểu tình xông vào tư dinh của tổng thống, lãnh đạo các đảng phái ở Nghị viện Sri Lanka đã nhóm họp và ra quyết định yêu cầu cả Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe từ chức, nhà lập pháp đảng đối lập Rauff Hakeem viết trên Twitter.
Sri Lanka đang phải vật lộn với từ trạng thiếu nguồn nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men nghiêm trọng, đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948.
Nước này thiếu ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc bị hạn chế. Lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến lên 70% trong những tháng tới.
Theo Huệ Bình