Sri Lanka có quyền tổng thống, bầu lãnh đạo mới vào tuần sau

Chia sẻ Facebook
15/07/2022 16:32:09

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức quyền tổng thống Sri Lanka cho đến khi quốc hội nước này, dự kiến họp vào ngày 16-7, bầu ra tổng thống mới vào giữa tuần sau.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe sẽ làm quyền tổng thống Sri Lanka trong ít nhất 7 ngày tới - Ảnh: AFP

Văn phòng ông Wickremesinghe xác nhận ông đã tuyên thệ nhậm chức trước chánh án Jayantha Jayasuriya vào ngày 15-7. Thực tế ông Wickremesinghe đã làm thay vai trò của cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa kể từ khi ông Rajapaksa chạy ra nước ngoài để tránh biểu tình.

Phát biểu sau khi nhậm chức, ông Wickremesinghe cho biết sẽ thiết lập luật lệ, trật tự và tuân theo tiến trình của hiến pháp. Ông cũng kêu gọi quốc hội đồng thuận việc thiết lập chính phủ với sự tham gia của tất cả các bên và cam kết củng cố quyền lực của quốc hội, theo Hãng tin Reuters.

Như vậy ông Wickremesinghe sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí quyền tổng thống cho đến khi Sri Lanka có lãnh đạo mới.

Trong khi đó, Văn phòng Quốc hội Sri Lanka thông báo các nhà làm luật của nước này sẽ nhóm họp từ ngày 16-7 để bắt đầu quá trình chọn một nghị sĩ làm tổng thống mới và dự kiến sẽ có kết quả trong vòng 7 ngày. Hiện chưa có ứng viên tiềm năng nào được cân nhắc vào vị trí này.

Tổng thống mới sẽ lãnh đạo đất nước cho đến hết nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, tức vào cuối năm 2024. Tân tổng thống cũng có quyền bổ nhiệm thủ tướng mới với sự chấp thuận của quốc hội.

Sau khi ông Rajapaksa từ chức, ông Wickremesinghe cũng đang đối mặt với sức ép rất lớn từ người biểu tình vì ông do chính cựu tổng thống bổ nhiệm.


Ngày 15-7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena cho biết đã xác thực và chấp nhận đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Theo đó, ông Rajapaksa đã "từ chức hợp pháp", và việc từ chức có hiệu lực từ ngày 14-7.

Trước đó, ông Rajapaksa cùng vợ rời khỏi Sri Lanka bằng máy bay không quân vào hôm 13-7 và tới Maldives trên đường đi lánh nạn để tránh làn sóng biểu tình trong nước. Sau khi đến Singapore tối 14-7, ông đã gửi đơn từ chức cho Văn phòng Quốc hội Sri Lanka.


Người dân Sri Lanka đổ lỗi cho chính quyền ông Rajapaksa đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại nước này. Dù ông Rajapaksa đã ra đi, việc tìm giải pháp cho tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng không phải là điều dễ dàng cho chính quyền mới.

Ngày 15-7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena cho biết ông đã xác thực và chấp nhận đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.

Chia sẻ Facebook