Sri Lanka chính thức vỡ nợ, lạm phát có thể vọt lên 40%
Sri Lanka vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử trong bối cảnh Chính phủ nước này đang hải vật lộn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế - vốn cũng là yếu tố châm ngòi cho làn sóng biểu tình và khủng hoảng chính trị trước đó.
Sri Lanka chính thức vỡ nợ, lạm phát có thể vọt lên 40%
Các nhà hoạch định chính sách Sri Lanka đã cảnh báo các chủ nợ rằng Sri Lanka sẽ không thể thanh toán cho đến khi khoản nợ được tái cơ cấu và do đó sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ trước hạn, Thống đốc NHTW Nandalal Weerasinghe cho biết tại cuộc họp hôm 19/05.
Các khoản thanh toán tiền lãi trị giá 78 triệu USD của các trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2028 đã đến hạn vào ngày 18/05 sau khi được thêm 30 ngày ân hạn.
Sri Lanka chìm trong hỗn loạn giữa lúc lạm phát tăng cao. Thống đốc Weerasinghe cảnh báo rằng lạm phát có thể sẽ tăng lên 40% trong những tháng tới. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đất nước này thiếu ngoại tệ mạnh để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu.
Sự tức giận của công chúng đã bùng lên thành các cuộc biểu tình và buộc Chính phủ vào tháng trước tuyên bố sẽ ngừng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 12.6 tỷ USD để bảo toàn tiền mặt cho các mặt hàng thiết yếu.
Đây là đợt vỡ nợ đầu tiên của Sri Lanka kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Nhiều trái phiếu của Sri Lanka đã kích hoạt điều khoản vỡ nợ chéo. Với trái phiếu đến hạn vào năm 2023 và 2028, điều khoản vỡ nợ chéo được kích hoạt nếu Sri Lanka không thể trả khoản nợ trên 25 triệu USD . Quốc gia này đã được S&P Global gắn nhãn vỡ nợ chọn lọc vào cuối tháng 4/2022.
Nước này đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để xin một gói cứu trợ và cần đàm phán tái cấu trúc nợ với các chủ nợ. Trước đó, nước này cho biết họ cần khoảng 3-4 tỷ USD trong năm nay để thoát khỏi khủng hoảng.
“Điều này chẳng có gì bất ngờ vì đã được cảnh báo từ trước và phần lớn đã phản ánh vào giá trái phiếu”, Guido Chamorro, đồng trưởng bộ phận trái phiếu tại Pictet Asset Management, cho hay.
Việc tái cấu trúc có thể kéo dài 6 tháng. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khiến việc dự báo chính xác mốc thời gian là rất khó, Weerasinghe cho biết. Ông cũng nói thêm rằng họ sẽ sớm trình lên nội các danh sách cố vấn được đề xuất cho việc tái cấu trúc. IMF cũng có thể ra thông báo về việc đàm phán trong ngày 20/05.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)