Sri Lanka áp đặt lệnh giới nghiêm sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 23:08:38

Sri Lanka đã áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc bắt đầu từ tối 2/4 cho đến sáng 4/4 (theo giờ địa phương), bên cạnh tình trạng khẩn cấp do Tổng thống nước này tuyên bố.


Việc áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhằm ngăn chặn nhiều cuộc biểu tình phản đối tình hình khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng tại Sri Lanka .

Người phụ trách thông tin của Chính phủ Sri Lanka, Mohan Samaranayake nói rằng, lệnh giới nghiêm đang được áp dụng theo quyền hạn được trao cho Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Trước đó, vào tối 31/3, những người biểu tình phẫn nộ đã cố gắng xâm nhập vào dinh thự riêng của Tổng thống, kêu gọi ông Rajapaksa từ chức, khiến cảnh sát phải bắn hơi cay và bắt giữ nhiều người quá khích.

Tổng thống Rajapaksa đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp vào nửa đêm 1/4 trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng khắp cả nước từ ngày 27/3. Người biểu tình tức giận về tình trạng thiếu thực phẩm thiết yếu, nhiên liệu và cắt điện kéo dài trong tuần này.

Người dân Sri Lanka tập trung tại một trạm nhiên liệu để mua dầu diesel trước khi bắt đầu giới nghiêm ở Colombo, ngày 2/4/2022. (Ảnh: AP)

Sri Lanka phải đối mặt với nghĩa vụ trả những khoản nợ khổng lồ và dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt. Và nước này đang phải vật lộn để thanh toán hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cơ bản. Người dân phải xếp hàng dài chờ mua khí đốt, nhiên liệu và điện bị cắt trong nhiều giờ hàng ngày liên tục do không đủ nhiên liệu để vận hành các nhà máy điện và thời tiết khô hạn đã làm giảm công suất thủy điện.

Khủng hoảng kinh tế của quốc đảo này bắt nguồn từ việc các Chính phủ liên tiếp không đa dạng hóa xuất khẩu, thay vào đó dựa vào các nguồn tiền mặt truyền thống như chè, hàng may mặc và du lịch, cũng như văn hóa tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu.

Người biểu tình đốt xe bus. (Ảnh: AP)

Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế với việc Chính phủ Sri Lanka ước tính thiệt hại 14 tỷ USD trong hai năm qua. Những người biểu tình cũng chỉ ra thực trạng quản lý yếu kém, Sri Lanka có nợ nước ngoài lớn sau khi vay nặng lãi để phục vụ cho các dự án không hiệu quả. Các nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Sri Lanka là khoảng 7 tỷ USD cho riêng năm nay.

Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến tất cả người dân từ mọi tầng lớp xã hội. Các chuyên gia và doanh nhân thuộc tầng lớp trung lưu, những người thường không tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố, đã tổ chức các cuộc biểu tình hàng đêm với nến và biểu ngữ ở nhiều nơi trên toàn Sri Lanka.

Ngày 31/3, đám đông giận dữ đã biểu tình dọc các con đường dẫn đến tư dinh của Tổng thống Rajapaksa ở ngoại ô thủ đô Colombo và ném đá vào hai xe bus quân đội mà cảnh sát đang sử dụng để chặn đường người biểu tình. Những người biểu tình đã phóng hỏa một trong những chiếc xe bus.

Cảm sát phun vòi rống khống chế người biểu tình. (Ảnh: AP)

Cảnh sát đã bắn hơi cay, phun vòi rồng và bắt giữ 54 người. Hàng chục người khác bị thương và một số nhà báo bị cảnh sát khống chế.

Người phát ngôn cấp cao của cảnh sát Sri Lanka Ajith Rohana nói rằng, 24 nhân viên cảnh sát và một số dân thường khác đã bị thương. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 132.000 USD và các nghi phạm sẽ bị buộc tội làm hư hỏng tài sản công cộng.

Trước đó, lệnh giới nghiêm đã được áp đặt ở ngoại ô Colombo sau cuộc biểu tình hôm 31/3 nhưng đã được dỡ bỏ vào sáng 1/4.

Cửa hàng mở cửa sau lệnh tình trạng khẩn cấp, thủ đô Sri Lanka thắt chặt an ninh Các cửa hàng ở thủ đô Colombo của Sri Lanka đã mở cửa lại trong bối cảnh an ninh thắt chặt vào ngày 2/4.

Chia sẻ Facebook