Sotheby’s lần đầu ở Việt Nam: Để ngắm tranh với niềm rung động
các họa sĩ thời kỳ đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) được nhà đấu giá tranh nổi tiếng thế giới Sotheby’s lần đầu mang về Việt Nam với 4 ngày triển lãm tại khách sạn Park Hyatt Saigon (TP.HCM) đầu tuần này.
Một số bức trong đó có giá trị khủng qua những phiên đấu giá quốc tế, một số chưa bao giờ lộ diện. Điều đặc biệt còn ở chỗ tất cả các bức tranh này đều được các nhà đấu giá người Việt đấu giá thành công.
* Cái tên triển lãm "Hồn xưa bến lạ" có ý nghĩa gì?
- Bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm đã lần lượt di cư sang Pháp trong các thập niên 1930-1940, và thường xuyên lồng ghép tâm tư hoài cố hương của mình trong các tác phẩm được sáng tác ở phương trời ngoại.
Họ mượn những gì còn đau đáu trong ký ức để thể hiện các lát cắt khác nhau về đời sống và văn hóa Việt trong tranh, thông qua các chủ đề quen thuộc.
Dù vẽ hoa cỏ hay cảnh quan, gia đình hay phong tục, văn hóa hay kiến trúc, bộ tứ này đã tạo dựng được những biểu quan thị giác bắt nguồn từ cội rễ Việt, thu hút đông đảo khán giả quốc tế.
Chữ "Hồn" trong tiếng Việt vừa để chỉ phần sâu thẳm nhất của mỗi người, một tiếng nói chung của một dân tộc và nền văn hiến của họ, và cả cốt cách của một tác phẩm nghệ thuật.
Tựa đề cho triển lãm hy vọng biểu trưng được những giá trị vĩnh cửu gửi gắm bản sắc Việt trong suốt quãng đời viễn xứ của bốn danh họa. Kết tinh trong thực hành của họ là một hòa âm giữa truyền thống và văn hiến phương Đông với những kỹ thuật mỹ học mới mẻ trong phong trào hậu ấn tượng phương Tây.
* Vì sao chọn 4 danh họa thời Đông Dương đó mà không thêm hay bớt ai?
- Vì xét cả về mặt lịch sử và lịch sử mỹ thuật, hành trình các tác phẩm của bộ tứ này mang tính đại diện lớn cho quá trình trở về nguồn cội của tranh Đông Dương nói chung.
Phong cách sáng tác của họ cũng thể hiện sự kết hợp Đông - Tây nhuần nhuyễn: mặc dù sử dụng nhiều kỹ thuật sáng tác du nhập từ Tây phương, nhưng chất cá nhân và bản sắc Việt vẫn được biểu đạt mạnh mẽ.
Về mặt thị trường, các tác phẩm của bộ tứ này đã liên tục phá kỷ lục gõ búa, đứng đầu thị trường Việt Nam, vượt qua sức với của đại đa số công chúng và cả các bảo tàng công. Tại Việt Nam, hầu hết khán giả chưa có cơ hội ngắm một bức tranh nào của họ ở ngoài đời.
Các tác phẩm hồi hương đều nằm trong tư gia của các nhà sưu tập và bảo trợ nghệ thuật tư nhân, nên việc lựa chọn các tác phẩm này giới thiệu tới công chúng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc lan tỏa sự tiếp cận với mỹ thuật Đông Dương.
* Triển lãm này quy tụ 50/200 tác phẩm nghệ thuật Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam cả về giá trị lẫn số lượng, anh có thể chia sẻ về giá trị của những bức tranh này?
- Do hợp đồng bảo mật với nhà sưu tập và Sotheby’s, tôi không được phép công bố giá trị của từng tranh, nhưng tổng số tiền bảo hiểm cho triển lãm là rất lớn.
Là giám tuyển triển lãm, và người bắc cầu giữa nhà sưu tập và Sotheby’s, một trong những vai trò của tôi là đứng giữa làm người thương thuyết, đưa ra một con số bảo hiểm hài lòng với cả hai bên.
Với nhà sưu tập, đó có thể là giá họ mua vào (nhiều khi rất cao) hoặc giá họ tự định. Với phía dịch vụ bảo hiểm và Sotheby’s, con số lớn hơn rất nhiều, tính theo công thức tham khảo giá gõ búa của các tác phẩm tương tự (cùng tác giả, giai đoạn, chất liệu, kích cỡ...) trong khoảng chục phiên đổ lại.
Hai mức định giá của hai bên có chênh lệch lớn và quá trình điều đình không dễ chút nào. Nhưng rất nhiều tranh trong triển lãm được bảo hiểm ở mức triệu đô.
* Bao nhiêu tác phẩm thuộc sở hữu của người ở nước ngoài? Bao nhiêu tác phẩm thuộc sở hữu người Việt tại đây?
- Tất cả các tác phẩm đều được sở hữu bởi nhà sưu tập Việt, đó là một trong những mục tiêu lựa chọn của tôi. Nhiều nhà sưu tập vẫn muốn giấu tên, nhưng chủ nhân các bộ sưu tập được mời tham gia đều có uy tín nhất định trong thị trường, ví dụ bộ sưu tập Quang San hay bộ sưu tập Hàn Ngọc Vũ.
* Việc quy tập những tác phẩm như vậy có những thuận lợi, khó khăn gì?
- Thuận lợi lớn nhất là các tác phẩm đều đã có mặt ở Việt Nam. Khó khăn lớn nhất là đảm bảo an toàn cho tranh trong suốt quá trình đóng gói, vận chuyển, kho vận, lắp đặt, triển lãm, tháo dỡ và hoàn trả lại cho nhà sưu tập.
Do chưa từng có tiền lệ, tôi và đội ngũ tổ chức đã phải mất rất nhiều thời gian để tuyển lựa các nhà cung cấp dịch vụ đạt chuẩn quốc tế và chuẩn của Sotheby’s.
Ví dụ, trong không gian triển lãm lúc nào cũng phải có ít nhất 5 vệ sĩ, và 16 chiếc CCTV kết nối trực tiếp với cơ sở ở Hong Kong 24/7 để đảm bảo an toàn cho các tác phẩm.
Việc vận chuyển tất cả các tranh đến triển lãm chỉ trong 1 ngày để lắp đặt cũng là một thách thức lớn, vì liên quan chi phí thuê địa điểm.
Tôi thực sự muốn triển lãm kéo dài càng lâu càng tốt để phục vụ được công chúng tốt nhất, nhưng lần này kinh phí chỉ cho phép mở được trong 4 ngày.
* Sotheby’s từng va phải những cáo buộc rằng đã đấu giá các tác phẩm giả của các danh họa Đông Dương (2019 với 4 bức), anh đánh giá sao về điều này?
- Tất cả các nhà đấu giá quốc tế đều từng dính lùm xùm thật - giả, nhưng tôi đánh giá cao cách Sotheby’s phản hồi một cách cầu thị với những cáo buộc gần đây.
Trường hợp bức Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ là điển hình - họ rút lô đấu ngay sau khi gia đình họa sĩ và tôi đưa thông tin khiếu nại.
Quan trọng nhất là phải giải quyết được vấn đề gốc rễ - muốn bán tranh Việt thì họ cần có chuyên gia Việt, bởi chuyên gia Trung Quốc đâu có đọc được chữ Nôm.
Vậy nên triển lãm lần này là một bước đi quan trọng, khi họ đã viện tới sự hỗ trợ của cộng đồng nghiên cứu trong nước, bằng sự tôn trọng văn hóa lịch sử bản địa, tinh thần làm việc nghiêm túc với tác phẩm, và không chỉ coi chúng là món hàng hóa làm ra lợi nhuận.
* Còn với tư cách người xem, anh có thể chia sẻ cảm xúc riêng về triển lãm này?
- Khi bạn ngắm tranh đẹp, những cảm xúc gợn lên cũng sẽ đẹp. Bỏ ngoài tai những thông tin về giá cả, về danh tiếng tác giả, về hiệu ứng truyền thông, đến triển lãm và ngắm tranh với đôi mắt, rung động của chính bạn. Nếu một bức tranh có khả năng "nói" với bạn theo cách nào đó thì đó sẽ là một tác phẩm đẹp.
Nội dung: CODET HANOI Thiết kế: VÕ TÂN