Sốt xuất huyết: Đừng chủ quan để trẻ chuyển nặng
Phụ huynh không nên chủ quan khi thấy trẻ giảm sốt trong ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 5 của bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) hiện đang điều trị tích cực cho nhiều ca bệnh sốt xuất huyết , trong đó có 2 ca chuyển nặng đang sử dụng máy lọc máu.
ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Nhiễm cho biết: "Thông thường, để nhận diện trẻ bị sốt xuất huyết, phụ huynh có thể quan sát nếu trẻ bị sốt cao liên tục từ 3 đến 4 ngày. Nếu thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu, nhằm có kết quả và kế hoạch điều trị".
Đối với các trường hợp chưa có chỉ định nhập viện, trẻ sẽ được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu và dùng các loại thuốc nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng.
Sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng sốt trong những ngày đầu dễ khiến phụ huynh nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi hay mắc COVID-19.
Đang theo dõi các bệnh nhi nặng tại Khoa Hồi sức Nhiễm - COVID-19, BSCK2. Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa chia sẻ: "Bên cạnh 90% các ca sốt xuất huyết thường đơn giản, khoảng một tuần là khỏi thì 10% còn lại là các ca chuyển nặng. Chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì hay mắc các bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, thậm chí là trường hợp hậu COVID-19".
Vì vậy, phụ huynh cần kịp thời đưa con vào bệnh viện và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh để quá muộn sẽ diễn tiến nặng và tổn thương các cơ quan.
Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường đốt lúc chạng vạng tối, tức tầm 4 giờ chiều trở đi. Để phòng bệnh, phụ huynh phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, ngừa muỗi đốt tại nơi con ngủ. Báo ngay cho địa phương khi có ca bệnh xuất hiện trong khu vực mình sinh sống.