Sống nghèo giữa núi vàng

Chia sẻ Facebook
27/11/2022 20:56:07

Không có nguồn sinh kế để phát triển bền vững, nhiều người dân tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng vẫn phải hàng ngày kiếm sống bằng việc tận thu "vàng sa khoáng".


Mặc dù từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã nhiều lần ra quân truy quét vàng tặc, đốt phá lều lán, thu giữ máy móc… tuy nhiên, đâu đó xung quanh những khu vực được cấp phép cho các doanh nghiệp tư nhân khai thác quặng vàng vẫn xuất hiện tình trạng người dân tận thu "vàng sa khoáng".

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được cho là do người dân địa phương không có nguồn sinh kế để phát triển bền vững, trong khi đó việc khai thác của các doanh nghiệp lại gây ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp.


Mất nhiều giờ đi bộ dọc theo những vách núi hiểm trở, phóng viên VTV trong vai người đi tìm vàng cũng tiếp cận được khu vực Lũng Vài - nơi cách đây vài tháng từng là một đại công trường khai thác vàng. Dù UBND huyện Bảo Lâm đã yêu cầu đóng cửa, dừng khai thác tại khu vực này thế nhưng vẫn có không ít người tìm đến đây đãi sái vàng kiếm cơm hàng ngày.

"Lúc cao điểm ở đây có đến 50 - 60 người ấy, gần như cả làng đi làm", anh Sự - người dân đi đãi sái vàng cho hay.

Huyện Bảo Lâm có 2 mỏ vàng Khùng Khoàng và Thẩm Riềm, có trữ lượng lớn nhất và tuổi vàng cao nhất của cả tỉnh Cao Bằng, thế nên với thâm niên đào đãi vàng từ năm 10 tuổi, thời gian trước đây không khó để anh Sự tìm thấy những viên đá có kẹp quặng vàng lấp lánh.

Tuy nhiên, lượng người kéo đến mót sái vàng tìm cơ hội đổi đời ngày càng nhiều, vì vậy với anh Sự ngày kiếm được một vài trăm nghìn nuôi đứa con 5 tháng tuổi ở nhà cũng không hề dễ dàng.

Một viên đá có kẹp quặng vàng lấp lánh.

Dù chỉ là bãi sái, thải ra từ quá trình khai thác của mỏ vàng Khùng Khoàng nhưng cứ cách khoảng vài chục mét lại gặp người dân đi đào đãi. Không may mắn như Sự, cả ngày nay anh Quân chưa kiếm được gì.

Anh Quân từng xin đi làm công nhân nhưng cả 2 doanh nghiệp khai thác vàng trên địa bàn không rõ vì lý do gì đều từ chối nhận người dân địa phương, còn mảnh ruộng nhà anh cũng không thể trồng cấy được gì.

Anh Quân nói: "Trước nó vừa vào làm, được nhiều vàng, xong bảo làm cái đập cho dân nó không làm, sái thải tràn hết vào ruộng của dân, dân kiện không cho làm. Sống trên mỏ vàng nhưng vẫn chết đói, chỉ mang tiếng thế thôi".

Người dân đi đãi vàng.

Thực tế doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông được cấp phép trên diện tích hơn 20 ha để khai thác mỏ vàng Khùng Khoàng, cũng đã đắp 2 con đập ở cuối khe Lũng Vài. Thế nhưng con đập bằng sái thải đã sạt lở, còn một con đập bằng tre phía sau đó cũng đã hư hỏng.

Dòng chất thải không có gì ngăn cản cứ thế chảy thẳng vào mảnh ruộng của vợ chồng anh Thanh, khiến cho diện tích canh tác giờ chỉ rộng bằng vài mảnh chiếu. Lúa không sống được, vợ chồng anh lại đi đãi vàng.

Anh Thanh cho hay: "Từ gốc cây đằng kia đến đây là ruộng hết, giờ bùn thải lấp hết rồi, không có việc gì làm thì làm vàng nhưng mà cũng không có vàng đâu, có ít thôi".

Sống trên núi vàng nhưng vẫn nghèo khiến cho tình trạng khai thác vàng trái phép ở đây diễn ra khá phổ biến. Có những thời điểm người dân tràn cả vào khu vực được cấp phép cho doanh nghiệp để tận thu quặng vàng.

Huyện Bảo Lâm là địa phương giàu tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Cao Bằng, phần lớn các xã trên địa bàn huyện đều có khoáng sản. Thế nhưng đây lại là một huyện nghèo nhất tỉnh Cao Bằng và nằm trong danh sách 56 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước. Cả 13/13 xã, thị trấn của huyện đều thuộc khu vực III đặc biệt khó khăn, nhiều nơi vẫn thuộc diện 3 không: Không đường, không điện và không có nước sạch.

Chia sẻ Facebook