Sơn La cần hơn 21,000 tỷ để đưa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia
UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Đề án Định hướng phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho vùng.
Sơn La cần hơn 21,000 tỷ để đưa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia
Khu vực Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tỉnh Sơn La nằm trên địa bàn 3 huyện Mường La, Quỳnh Nhai và Thuận Châu. Trong đó, khu vực có phía Bắc giáp huyện Sìn Hồ, huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp thành phố Sơn La; phía Đông giáp huyện Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái và huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu; phía Tây giáp huyện Tuần Giáo - tỉnh Điện Biên.
Theo đó, khu vực Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La Là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La. Là vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa, trải nghiệm gắn với lòng hồ, tham quan nhà máy thủy điện Sơn La.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2024, khu vực được đưa vào danh mục là khu du lịch tiềm năng phát triển thành du lịch quốc gia. Đến năm 2025, định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La theo hướng thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030 hoàn thành 50% các điều kiện công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2040, tổ chức công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia.
Về con số cụ thể, đề án dự kiến vùng sẽ đón khoảng 785,000 lượt khách vào năm 2025 và tăng lên hươn 1.33 triệu lượt khách vào năm 2030.
Nhằm thu hút được lượng khách du lịch nêu trên, đề án nêu ra 2 sản phẩm du lịch chính. Một là các sản phẩm du lịch đặc thù, bao gồm Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, đáng chú ý nhất là mô hình nghỉ dưỡng “Biển trong lòng núi”; Du lịch Golf và thể thao; Du lịch sự kiện, lễ hội. Hai là các sản phẩm du lịch bổ trợ, gồm Du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng và Du lịch văn hóa.
Về không gian, lãnh thổ, Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La dự kiến sẽ được chia thành 3 phân khu du lịch và 3 trung tâm dịch vụ du lịch.
Phân khu 1 sẽ là Phân khu du lịch biển hồ Quỳnh Nhai, tập trung xây dựng các tổ hợp khu nghỉ dưỡng theo mô hình phức hợp (complex resort), mô hình bất động sản nghỉ dưỡng với tiêu chuẩn cao cấp hướng đến phân khúc khách cao cấp.
Phân khu 2 sẽ là Phân khu du lịch nghỉ dưỡng Mường La, tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thể thao. Loại hình lưu trú ưu tiên phát triển: Khu nghỉ dưỡng phức hợp, khách sạn, resort,…
Phân khu 3 sẽ là Phân khu du lịch gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, tập trung đầu tư hệ thống nghỉ dưỡng thiên nhiên, phát triển các căn nhà sinh thái được thiết kế bằng các nguyên vật liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, gần gũi hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu động thực vật,...
Trong khi đó, trung tâm dịch vụ du lịch thứ 1 sẽ là Trung tâm dịch vụ du lịch Mường Giàng. Đây là trung tâm đầu mối, tiếp đón khách du lịch, trung tâm thể thao, trung tâm thương mại dịch vụ, khu hội nghị, hội thảo; cửa ngõ tiếp đón, trung tâm trưng bày, triển lãm; trung tâm thông tin, đại lý du lịch, phát triển đô thị Mường Giàng.
Trung tâm dịch vụ du lịch thứ 2 là Trung tâm dịch vụ du lịch Ít Ong. Đây sẽ là điểm lưu trú, trung tâm đón tiếp du khách, cung cấp các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí,….và hướng dẫn du khách đi tham quan các điểm du lịch.
Trung tâm dịch vụ du lịch thứ 3 là Trung tâm dịch vụ du lịch Ngọc Chiến. Đây là trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm đón tiếp, khu hội nghị hội thảo; Là không gian du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng cao cấp gắn với lòng hồ thủy điện Nậm Chiến và nguồn lợi suối khoáng nóng tự nhiên, tài nguyên du lịch cộng đồng và cảnh quan thiên nhiên rừng núi Mường La.
Với 22 dự án kể trên, tổng vốn đầu tư đề án dự kiến cần huy động là 21,498 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh dự kiến chi 133 tỷ đồng, còn lại sẽ được xã hội hóa.
Về lộ trình thực hiện đề án, đề án đã được phê duyệt và công bố trong năm 2022 theo đúng kế hoạch. Giai đoạn 2023 - 2024, đề án sẽ được trình Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch nhằm bổ sung Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia.
Giai đoạn 2024 - 2025, đề án sẽ được lập Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Giai đoạn 2024 - 2030 sẽ là giai đoạn kêu gọi thu hút đầu tư theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
Đến giai đoạn 2026 - 2030, dựa trên quy hoạch đã được duyệt, các chủ đầu tư sẽ triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật và đầu tư dự án cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư đảm bảo đạt các tiêu chí trở thành khu du lịch quốc gia.
Sau năm 2030, các đơn vị có thẩm quyền sẽ tiến hành lập hồ sơ công nhận Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là Khu du lịch quốc gia.