Sớm chấm dứt tình trạng thiếu xăng dầu
Cần tạo một đầu mối tập trung toàn bộ dữ liệu xăng dầu cho hoạt động vận tải để tối ưu hóa phân bổ nguồn xăng cho các kho ở những vùng khác nhau.
Thị trường xăng dầu trong nước có nhiều bất ổn thời gian qua, đặc biệt tại TP HCM, các tỉnh phía Nam và gần đây là TP Hà Nội. Tình trạng đứt gãy nguồn cung khiến hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở TP Hà Nội phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Bất cập trong cơ chế điều hành
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi) chiều 11-11, đại biểu (ĐB) Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng việc sửa đổi cần bảo đảm giá cả phải được điều chỉnh đáp ứng kịp thời những biến động giá cả trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động. Theo ĐB Thịnh, từ đầu tháng 10 đến nay, tình trạng khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng, nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường.
Theo ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), trong hoạt động điều hành giá, nhà nước cần bám sát các nguyên tắc cơ bản để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan. Đối với nội dung về bình ổn giá, đặc biệt là bình ổn giá xăng dầu, ĐB An cho rằng chỉ nên can thiệp vào thị trường ở vài thời điểm nhất định, cần có sự điều chỉnh phù hợp để ổn định thị trường, đồng thời cũng hài hòa lợi ích của doanh nghiệp. ĐB An cho rằng quỹ bình ổn giá không phải là một biện pháp để bình ổn giá, vì vậy dự thảo luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ.
Bên hành lang Quốc hội, ĐB Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc khan hiếm xăng dầu thời gian qua bộc lộ bất cập trong cơ chế điều hành, chưa phù hợp. Theo ông Cường, giá xăng dầu thời điểm vừa qua không tăng quá cao, nguồn cung không phải là vấn đề quá lớn nhưng trong nước lại khan hiếm xăng dầu. "Chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ thấp, thậm chí bằng 0 đồng, thì họ sẽ không mặn mà với việc bán hàng. Cần có giải pháp dài hạn liên quan mức chiết khấu, để không còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ" - ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh. Theo ĐB Cường, trong công thức giá cơ sở cần phải có sự phân chia rõ ràng về chiết khấu giữa doanh nghiệp đầu mối, đại lý và doanh nghiệp bán lẻ, bảo đảm hài hòa lợi ích trong toàn hệ thống phân phối xăng dầu.
Đa dạng nguồn cung
Tình trạng cây xăng không mở cửa trong bối cảnh nhu cầu ở đô thị cao, khiến người dân TP Hà Nội phải xếp hàng chờ đợi hàng chục phút mới đổ được xăng. Đáng nói, nhiều cây xăng còn giới hạn lượng bán, mỗi xe máy chỉ được đổ 30.000 - 50.000 đồng/lần, trong khi ôtô được đổ tối đa 500.000 đồng/lượt. Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, người dân Hà Nội thậm chí phải đợi đến nửa đêm để mua được xăng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 11-11, bà Nguyễn Thị Sinh, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng hoạt động tại khu vực phía Bắc, cho biết mức chiết khấu thời gian qua có cải thiện, có thời điểm lên 190 đồng/lít nhưng chưa đủ bù đắp chi phí, doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang phải bù đắp. Dù hoạt động kinh doanh ở địa bàn không phải TP Hà Nội nhưng việc nguồn cung xăng dầu cũng đang rất khó khăn với công ty của bà Sinh. Theo bà Sinh, nguồn hàng từ kho xăng dầu Đức Giang (TP Hà Nội) cấp cho doanh nghiệp bà giảm nhiều so với trước đây.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng (Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM), nếu xét về yếu tố chủ quan, sự thiếu hụt cục bộ xăng dầu là do năng lực lưu trữ và phân bổ trong nước hạn chế, theo thuật ngữ chuyên môn là không đủ một vòng.
Theo mạng lưới phân bổ xăng dầu (lấy dữ liệu từ PVOIL), miền Nam có 15 hệ thống kho lớn với sức chứa 657.060 m3, trong khi miền Bắc có 10 kho với sức chứa 230.075 m3. Với hệ thống sức chứa như vậy cộng với khả năng dự trữ xăng dầu đang ở mức trung bình thấp thì các đơn vị kinh doanh xăng dầu ở miền Nam sẽ là nơi hứng chịu tình trạng thiếu hụt xăng dầu đầu tiên, trong khi miền Bắc vẫn chưa xảy ra tình trạng thiếu hàng do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn nhiều. Sự thiếu đồng bộ trong khâu phân bổ cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt. Với những doanh nghiệp kinh doanh hệ thống xăng dầu lớn của Việt Nam, đều có những đội tàu vận tải xăng dầu đáp ứng được khả năng vận tải liên vùng, cụ thể như các đội tàu đậu tại cảng Cái Mép, Vũng Rô, Lạch Huyện… Tuy nhiên, sự không thống nhất trong quản lý phân bổ, đặc biệt là dữ liệu về vận tải lưu kho dẫn đến chậm đáp ứng nhu cầu giữa các kho tại những địa phương khác nhau.
Để giải quyết tình trạng trên, Chính phủ cần phải đa dạng nguồn cung xăng dầu từ các nhà sản xuất lớn khác như Nga, các nước Mỹ Latin... Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn cần nâng cấp, xây mới hệ thống lưu trữ xăng dầu trên cả nước để lượng dự trữ nội địa tại các doanh nghiệp, duy trì đủ một vòng để chờ nguồn cung.
Mặt khác, việc tạo ra một đầu mối tập trung toàn bộ dữ liệu xăng dầu là hết sức cần thiết cho hoạt động vận tải, từ đó dẫn đến tối ưu hóa phân bổ nguồn xăng cho các kho ở những vùng khác nhau, tránh tình trạng rỗng kho ở chỗ này nhưng chỗ kia còn hàng lại không có nhiều nhu cầu để phục vụ. Vì vậy, cần có cơ chế liên kết vùng đối với mặt hàng xăng dầu, đặc biệt là giữa miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, phải có cơ chế mạnh mang tính chất hình sự đối với các hành vi lũng đoạn thị trường, đẩy giá lên cao thông qua hình thức găm hàng của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Tính đúng, đủ chi phí, giảm tầng nấc
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, nhấn mạnh giá thế giới hiện nay không quá cao nhưng thị trường trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn. PGS-TS Ngô Trí Long cũng nêu rõ công tác điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại một cách thấu đáo, toàn diện, không thể để kéo dài tình trạng như hiện nay. Ông Ngô Trí Long nhấn mạnh các bộ, ngành có trách nhiệm trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu cần có sự phối hợp nhịp nhàng, quyết liệt và có sự đồng thuận cao hơn.
Để khắc phục các bất cập trên thị trường xăng dầu thời gian qua, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng cần xác định sát thực tế các chi phí, tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay. Theo ông Long, biện pháp này giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Về vấn đề điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã chốt việc tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam đối với nguồn nhập khẩu để tính giá cơ sở xăng dầu, áp dụng ngay kỳ điều hành giá ngày 11-11. Cụ thể, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) như sau: xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít, tăng 290 đồng; xăng RON95 là 1.280 đồng/lít, tăng 560 đồng; dầu diesel là 730 đồng/lít, tăng 160 đồng; dầu hỏa là 1.740 đồng/lít, tăng 660 đồng; dầu ma-dút là 1.290 đồng/kg, tăng 60 đồng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bên cạnh việc giải quyết vấn đề chi phí cho doanh nghiệp, cần phải xem xét lại hệ thống phân phối với nhiều tầng nấc như hiện nay. Đây cũng là vấn đề Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề cập. "Nhiều tầng nấc thì sẽ tăng chi phí, buộc phải cộng vào giá bán lẻ. Cần sắp xếp lại hệ thống, không cần quá nhiều thương nhân phân phối, mà từ doanh nghiệp đầu mối đến các đại lý, đến cửa hàng bán lẻ thì sẽ giảm được tầng nấc" - ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, hỗ trợ cung ứng cho các thương nhân đầu mối (kể cả các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng dài hạn với nhà máy) để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là tại các khu vực bị thiếu hàng cục bộ. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.
Giá xăng tăng mạnh
Theo quyết định của liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 11-11, giá xăng E5RON92 tăng 838 đồng/lít, có giá bán 22.711 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 1.111 đồng/lít, có mức giá mới là 23.867 đồng/lít. Các mặt hàng dầu được điều chỉnh tăng giá. Dầu hỏa có giá mới là 24.740 đồng/lít sau khi tăng 964 đồng/lít; dầu
ma-dút tăng 678 đồng/kg, có giá là 14.760 đồng/kg. Riêng dầu diesel giảm 87 đồng/lít, có giá 24.983 đồng/lít. Liên bộ đã điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu tại kỳ điều hành này.
M.Chiến
Các địa phương nỗ lực bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu có diễn biến phức tạp về nguồn cung, nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã chủ động triển khai các phương án để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu của người dân cũng như sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.
Theo Sở Công Thương TP Hải Phòng, với nhu cầu rất lớn của thành phố cảng biển, trung bình mỗi ngày tiêu thụ trên 1.500 m³ xăng dầu. Để bảo đảm nguồn cung, sở này thường xuyên có văn bản báo cáo UBND thành phố; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo đảm hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu xăng dầu. Sở cũng ban hành nhiều công văn đề nghị các quận, huyện cùng phối hợp kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Sở Công Thương TP Hải Phòng cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, xuất nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là hệ thống xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam tăng nguồn cung ứng xăng dầu cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố thông qua 9 hệ thống kho xăng dầu trên địa bàn. TP Hải Phòng đặt mục tiêu trong những ngày tới, Hải Phòng sẽ tăng cường nguồn cung xăng dầu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng.
Tại tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết dù nhu cầu ở tỉnh rất lớn nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì ổn định thị trường. Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chủ động kế hoạch kinh doanh để bảo đảm lượng cung ứng cho các đại lý phân phối, cửa hàng xăng dầu, không để bị động trước các diễn biến, không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung.
Tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ cũng đã xảy ra tại địa bàn tỉnh Sơn La. Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh này, một số cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng xăng dầu của Chi nhánh Xăng dầu Sơn La (trực thuộc Petrolimex) tại huyện Mộc Châu, Sốp Cộp, Mai Sơn, Thuận Châu... thiếu xăng dầu cục bộ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản hỏa tốc kiến nghị Bộ Công Thương, Petrolimex, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình, Chi nhánh Xăng dầu Sơn La hỗ trợ bổ sung nguồn cung xăng dầu cho hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh Sơn La. UBND tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu và khắc phục khó khăn để phục vụ người dân và doanh nghiệp. UBND tỉnh Sơn La đề nghị tăng thời gian bán hàng trong giai đoạn này để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung.
Minh Phong