Soi tác động của lạm phát với gã khổng lồ Apple: Đã có khách hàng giàu có... "đỡ đòn"

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 14:05:33

Lần gần nhất Apple phải đối mặt với tình trạng lạm phát như hiện nay là từ nhiều thập niên trước, khi doanh nghiệp chào sàn chưa đầy 1 năm với sản phẩm bán chạy nhất là máy tính Apple II.

Vào tháng 5, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đạt 8,6%, mức cao nhất kể từ năm 1981. Các thị trường chính của Apple cũng đều gặp tình trạng tương tự, thậm chí là tồi tệ hơn.

Hiện tại, Apple đang phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng từ logistic toàn cầu cũng như mức lương của người lao động phi mã. Song hành với đó là khả năng người dùng ngừng nâng cấp sản phẩm do những khó khăn bao trùm. Cuối cùng, giống như các doanh nghiệp khác, Apple cũng đang phải đối mặt với những hạn chế nguồn cung liên quan tới các biện pháp chống dịch của Trung Quốc, dẫn tới 8 tỷ USD doanh thu bị tác động.

Nhiều công ty có thể chuyển chi phí lên khách hàng bằng cách tăng giá, đặc biệt là khi nhu cầu cao. Apple không tăng giá iPhone ở Mỹ nhưng thường xuyên điều chỉnh giá trên toàn cầu để chống lại biến động tiền tệ. Một số năm, Táo khuyết thay đổi cơ cấu định giá sản phẩm của mình với các thiết bị mới vào mùa thu.

Nói về lạm phát, từ tháng 4, CEO Tim Cook của Apple đã khác chắc chắn về tình trạng này. Ở Apple, lạm phát được thể hiện rõ nhất trên bảng cân đối kế toán của công ty: Biên lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của Apple trong quý 1/2022 là 43,7%, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích nhưng giảm nhẹ so với quý quý 4/2021, thời điểm công ty có biên lợi nhuận gộp cao nhất kể từ năm 2012. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của Apple trong quý 2/2022 được dự báo sẽ chỉ ở mức 42-43%. Tuy nhiên, lợi nhuận của Apple tiếp tục gia tăng bất kể đại dịch và vẫn đang ở mức cao.

Chi phí hoạt động của Apple trong quý 1/2022 là 12,58 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2022, dự báo chi phí hoạt động sẽ tăng lên 12,8 tỷ USD.

Ngoài những đứt gãy logistics, một yếu tố khác góp phần khiến chi phí gia tăng chính là tình trạng thiếu chip trên quy mô toàn cầu trong bối cảnh Trung Quốc đóng cửa các nhà máy để chống dịch. Chính việc thiếu hụt các loại chip kém tiên tiến khiến quá trình hoàn thiện sản phẩm đình trệ.

Apple cũng đối mặt với việc gia tăng chi phí lao động. Công ty đã tăng lương cho nhân viên để đáp ứng các điều kiện thị trường sau khi một loạt các đối thủ, bao gồm Google, Amazon và Microsoft đồng loạt nâng lương và thưởng hồi đầu năm để giữ chân và thu hút các nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ hàng đầu.

Chi phí tăng không phải viễn cảnh tồi tệ nhất đối với Apple. Rủi ro lớn hơn là nếu lạm phát và các điều kiện kinh tế vĩ mô khác trở nên bất lợi hơn nữa cho nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm của Apple.

Theo thông lệ, trong thời kỳ suy thoái kinh tế hoặc sức mua giảm, người tiêu dùng thường ngừng mua một loạt loại hàng hóa, bao gồm đồ điện tử. Trong trường hợp của Apple, điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng hoãn nâng cấp những thiết bị gắn logo táo khuyết của họ.

Cụ thể, chu kỳ nâng cấp điện thoại của người dùng Apple có thể là 2 hoặc 3 năm. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế không thuận lợi, họ có thể bỏ qua lần nâng cấp điện thoại trong năm nay và chờ cho đến khi điều kiện kinh tế tốt hơn.

"Đôi khi bạn chỉ cần thận trọng và trì hoãn mua sắm. Chờ đợi là một chiến lược tài chính rất hợp lý", Jim Wilcox, một nhà kinh tế của Đại học California Berkeley, giải thích về quyết định này.

Các nhà đầu tư của Apple phần lớn cảm thấy khá thoải mái khi các khách hàng của Apple đều là những "tín đồ", dẫn tới việc họ thường xuyên nâng cấp thiết bị. Tuy nhiên, suy thoái liên quan đến lạm phát có thể khiến niềm tin đó bị nghi ngờ.

"Apple có cả hệ sinh thái mạnh với những khách hàng trung thành. Tuy nhiên, hầu hết doanh thu của họ được tạo ra từ việc bán sản phẩm và điều đó phần lớn do khách hàng trung thành thúc đẩy. Nếu kinh tế rơi vào suy thoái, khách hàng có thể trì hoãn việc mua hàng hoặc lên đời sản phẩm", chuyên gia phân tích Toni Sacconaghi của Bernstein cho biết.

Tuy nhiên, Táo khuyết chưa nhận thấy sự sụt giảm. Hồi tháng 4, họ cho biết nhu cầu vẫn ở mức cao và chưa nhận thấy dấu hiệu suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. Vấn đề lớn hơn là sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Dẫu vậy, thị trường điện thoại thông minh và máy tính xách tay đang có một số dấu hiệu chậm lại. Phân khúc điện thoại thông minh cao cấp, nơi Apple định vị các sản phẩm của mình, đang chống đỡ tốt hơn so với phân khúc giá rẻ mặt dù doanh số bán điện thoại bắt đầu giảm.

Micron Technology, đối tác cung cấp chip cho một số thiết bị của Apple, cảnh báo hồi tuần trước rằng doanh số dự kiến của cả điện thoại và máy tính cá nhân đều sẽ thấp hơn đáng kể so với ước tính trước đó vì một phần do tiêu dùng suy yếu và một phần lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu.

Theo ước tính gần đây của Counterpoint Research, các lô hàng thiết bị cao cấp với giá bán từ 400 USD trở lên đã giảm 8% trong quý 1. Toàn thị trường giảm 10%.

Doanh số bán hàng của Apple đã tăng trong 2 năm qua. Táo khuyết cũng duy trì một tỷ suất lợi nhuận ổn định khiến các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực phần cứng khải ghen tị. Khách hàng của Apple cũng là những người có thu nhập tốt hơn so với những người mua Android, vốn có xu hướng lựa chọn dựa trên giá cả.

Theo Counterpoint, trong thị trường của những chiếc điện thoại giá 1.000 USD trở lên, Apple chiếm 66% số thiết bị xuất xưởng trong quý đầu tiên. Khi lạm phát toàn cầu gia tăng, các nhà nghiên cứu của Counterpoint tin rằng những thiết bị tầm trung và tầm thấp có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Một cuộc khảo sát do Morgan Stanley tiến hành trong tháng 6 cho thấy 70% người tiêu dùng Mỹ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong 6 tháng tới vì lạm phát. Tuy nhiên, các hộ gia đình giàu có, đối tượng hay mua sản phẩm của Apple, lại có tình hình tài chính khả quan.

"Các hộ gia đình với thu nhập từ 150.000 USD/năm thường có khả năng phục hồi tốt hơn", Morgan Stanley cho biết.


Tham khảo: CNBC


Theo Linh Anh

Nhịp Sống Kinh tế

Chia sẻ Facebook