Sôi động thị trường mua bán sáp nhập tại Việt Nam
Tính từ đầu năm, hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam ghi nhận giá trị hơn 5 tỷ USD, cao hơn so với trước đại dịch COVID-19.
Thay vì tình trạng "cá lớn nuốt cá bé", doanh nghiệp Việt Nam thường trong vai "bị thâu tóm" thì hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại các doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng đầu tư, tạo sức bật mới, góp phần phục hồi kinh tế.
Tập đoàn thực phẩm Cawells Thụy Điển vừa chính thức bán 51% cổ phần cho Nutifood Việt Nam. Với thương vụ này, phía doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nắm giữ quyền quyết định trong những chiến lược sắp tới của tập đoàn Thuỵ Điển, mà còn bổ sung thêm vào hệ sinh thái của mình Nhà máy sản xuất và Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng tại quốc gia Bắc Âu này.
"Các nước châu Âu có công nghệ, thương hiệu rất đẹp nhưng họ không có thị trường, trong khi đó Việt Nam có thị trường 100 triệu dân và Việt Nam có lợi thế để trở thành cái HUB thu hút 5 tỷ dân còn lại của châu Á", ông Trần Bảo Minh - Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood cho hay.
Trong hơn 5 tỷ USD mua bán sáp nhập đã thực hiện tại Việt Nam từ đầu năm đến nay nổi lên 2 xu hướng: Một là mua bán sáp nhập để gia tăng giá trị thương hiệu - điều này diễn ra phổ biến trong ngành tiêu dùng, thực phẩm; Hai là bổ sung nguồn lực tăng trưởng, mở rộng kinh doanh hoặc chuyển đổi tăng trưởng xanh... trong mảng công nghệ, phân phối bán lẻ, năng lượng tái tạo.
TS Trần Du Lịch - Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết: "Mua doanh nghiệp nước ngoài ở nước ngoài, ở những ngành có liên quan thông qua M&A để mở rộng tầm quốc tế thương hiệu của mình đó là cách làm sẽ đóng góp rất lớn trong vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt và thương hiệu Việt".
Tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục trên thế giới, sự mất giá của nhiều đồng tiền so với USD đã khiến các nhà đầu tư có phần thận trọng hơn, kéo thị trường mua sáp nhập toàn cầu giảm 18% về thương vụ và 27% về giá trị và so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kết quả mua bán sáp nhập vẫn diễn ra tích cực, các doanh nghiệp đang có nhiều điều kiện và lựa chọn hơn trong việc mở rộng các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam .
So với mức kỷ lục năm ngoái, hoạt động M&A toàn cầu nửa đầu 2022 có sự giảm nhiệt về bằng mức trước dịch COVID-19 với khoảng 25.000 thương vụ.