Sôi động thị trường hải sản cao cấp Na Uy phục vụ thực khách Việt sành ăn
Ước tính chỉ riêng mặt hàng cá trứng Na Uy, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 4000-5000 tấn trong năm 2022.
Hải sản Na Uy ngày càng được thực khách Việt ưa chuộng vì chất lượng cao cấp, chủng loại phong phú và hương vị đặc trưng. Bên cạnh cá hồi Na Uy, cua hoàng đế Na Uy hay cá thu Na Uy đã được khẳng định về chất lượng số một thị trường, nhiều loại hải sản Na Uy khác gây sốt nhờ ngon và giá cả phải chăng.
Một công ty chuyên xuất nhập khẩu thủy hải sản cho biết, đơn vị này đã ký hợp đồng nhập 500 tấn cá trứng Na Uy về Việt Nam cho 8 tháng cuối năm 2022, hiện đạt gần 300 tấn. Đại diện công ty ước tính có khoảng 1800 tấn cá trứng về cảng Hải Phòng trong năm 2022. Nếu tính cả cảng Đà Nẵng và Sài Gòn thì số lượng cá trứng Na Uy nhập khẩu có thể lên đến 4000 - 5000 tấn.
Cá trứng Na Uy vào Việt Nam được vài năm nay và nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường. Mặt hàng cá trứng không phải độc quyền của Na Uy mà phải cạnh tranh với Nga, Canada. Tuy nhiên, cá trứng Na Uy có lợi thế lớn nhờ quy trình cấp đông, bảo quản, kiểm soát chất lượng kỹ càng. Năm nay Canada mất mùa cá trứng nên cá trứng Na Uy nhập về nhiều hơn so với các năm khác.
Tương tự cá trứng là cua nâu Na Uy. Sản phẩm cua nâu Na Uy bị cạnh tranh mạnh với cua nâu Ireland do giá cao hơn. Tuy nhiên, cua nâu Na Uy trở thành "trend" vì chất lượng đồng đều, tỷ lệ gạch cao, trung bình mỗi con từ 5 - 7 lạng gạch, nhìn rất bắt mắt thơm ngon.
Các đại lý hải sản bán rất chạy mặt hàng này ở phân khúc cua sống. Với mức giá dao động từ 700-750.000 đồng/kg, cua nâu Na Uy được tiêu thụ mạnh theo hình thức bán lẻ cho người dân, phục vụ bữa cơm gia đình. Hai cách chế biến cua nâu Na Uy được người Việt ưa chuộng là cua nâu hấp gừng sả và cua nâu sốt me.
Cua nâu Na Uy đông lạnh cũng rất "sốt" tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm đông lạnh. Mức giá cua nâu đông lạnh dao động tùy thời điểm, từ 490.000 - 550.000 đồng. Do quy trình đánh bắt chặt chẽ, cấp đông ngay trên biển, bảo quản ở nhiệt độ dưới -18 độ C, cua nâu Na Uy đông lạnh giữ được hương vị và độ tươi ngon tương đương cua sống.
Bên cạnh đó, cua nâu Na Uy được sơ chế ngay trên tàu trước khi cấp đông. Ngư dân sẽ tách bỏ yếm để phân loại cua, tách riêng cua nhiều trứng, nhiều gạch. Quy trình xử lý này khiến cho cua nâu Na Uy đảm bảo tỷ lệ gạch gần như tuyệt đối.
Ở phân khúc cao cấp hơn, cá hồi, cá thu, cá tuyết, cua hoàng đế Na Uy đều có mức tiêu thụ cao. Công ty Arctic Seafood Norway AS (ASN) - công ty có thương hiệu về xuất khẩu hải sản từ Na Uy - đã nghiên cứu thị trường Việt Nam và nhận định về sức mua ngày càng tăng tại các đô thị lớn đối với mặt hàng hải sản cao cấp. Tại Hà Nội, khách hàng phân khúc trung lưu rất chuộng cua hoàng đế đỏ - loại cua hoàng đế Na Uy đắt nhất - có giá từ 1,6 - 1,7 triệu/kg. Trung bình mỗi tuần, cua hoàng đế được tiêu thụ trên dưới 1 tấn, dưới hình thức bán lẻ.
Hiện tại, thị trường hải sản Na Uy phục vụ chủ yếu nhu cầu tiêu dùng gia đình và biếu tặng. Do chất lượng cao cấp, hải sản Na Uy thích hợp để làm quà biếu. Mỗi con cua Na Uy đều được dán tem có QR code, có thể truy xuất bằng mã vạch cho từng con nên không thể làm giả. Đồng thời, cua hoàng đế Na Uy có tỷ lệ thịt cao do khâu phân loại kỹ càng ngay trên biển.
Cùng với đó, giá mặt hàng hải sản Na Uy đông lạnh phù hợp với mức chi tiêu dành cho ăn uống của người Việt tại các đô thị. Quy trình xử lý hải sản đông lạnh của Na Uy hoàn hảo tới mức cá hồi đông lạnh hay tôm càng đỏ đông lạnh của Na Uy đạt tiêu chuẩn tươi ngon để dùng được cho món sashimi, giá thành lại rẻ hơn khoảng 1/3 so với mặt hàng sống. Đây là lý do sức mua hải sản đông lạnh Na Uy ngày càng tăng mạnh, đặc biệt vào dịp cuối năm.
"Người Việt" thích ăn món lạ, song cũng yêu cầu cao về chất lượng. Khẩu vị của người Việt được đánh giá là "khó tính". Bù lại, họ rất chịu chi cho những món ăn ngon. Thời gian tới, hải sản Na Uy có thể sẽ lên được bàn tiệc của người Việt, trong đó có tiệc cưới", đại diện ASN nhận định./.