SoftBank đối mặt khoản lỗ hàng tỷ USD vì đầu tư không hiệu quả
Dù nhà đầu tư đang quay trở lại với cổ phiếu công nghệ. Những "phần thắng" cũng không nằm trong tay SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son.
Cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản đã giảm gần 1 nửa kể từ mức đỉnh của năm ngoái, do các khoản đầu tư đã niêm yết của công ty bị bán tháo mạnh. Dù những khoản đầu tư đó gần đây đã hồi phục, thì việc SoftBank nắm giữ cổ phần trong các công ty tư nhân - những công ty có định giá thấp, hiện đang được dự đoán sẽ kéo lợi nhuận đi xuống sau.
Việc giới chuyên gia hạ dự báo định giá đối với hàng trăm khoản đầu tư chưa niêm yết sẽ trở thành lực cản lớn với SoftBank - công ty vốn từ lâu đã dựa vào các đợt IPO và sau đó cầm cố cổ phần để đi vay hỗ trợ các doanh nghiệp khác. Cách đầu tư này phát huy hiệu quả trong những ngày thị trường bùng nổ, theo đó SoftBank đã ghi nhận lợi nhuận lớn chưa từng có vào năm 2021. Tuy nhiên, khi định giá của các công ty tư nhân như ByteDance sụt giảm thì cách làm này có thể gặp rủi ro.
Trong thời gian gần đây, xu hướng sụt giảm đã trở nên phổ biến hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ SoftBank mà còn các quỹ phòng hộ đổ tiền vào những dự án mạo hiểm ở những năm gần đây. Ví dụ, Tiger Global Management chỉ ghi nhận tỷ suất sinh lời tăng 0,4% trong tháng 7, dù thì trường tăng điểm.
Cổ phiếu ByteDance - công ty mẹ TikTok, đã giảm hơn 25% kể từ năm ngoái. Trong khi đó, định giá của công ty cung cấp dịch vụ mua trước trả sau Klarna Bank đến từ Thuỵ Điển đã giảm 85% trong một vòng gọi vốn gần đây so với hồi tháng 6/2021.
Còn hãng chia sẻ xe SoCar của Hàn Quốc đang chuẩn bị lên kế hoạch IPO, nhưng họ lại dự báo sẽ đạt mức định giá thấp hơn mong đợi. Điều này sẽ khiến khả năng đi vay cầm cố của Son sụt giảm và gặp khó trong việc tìm kiếm ngôi sao công nghệ kế tiếp.
SoftBank không tiết lộ cách họ đánh giá các công ty này như thế nào. Dù vậy, nhìn chung, tập đoàn Nhật Bản cũng xem xét một số yếu tố để định giá các khoản đầu tư của Quỹ Vision, bao gồm giá trị của các giao dịch gần đây, định giá của các công ty tương tự và ước tính về dòng tiền trong tương lai.
Son đã nhiều lần cho biết SoftBank có đủ tiền mặt để ứng phó với biến động thị trường và một số khoản đầu tư tư nhân - như hãng phân tích web Contentsquare của Pháp, vẫn có thành tích tốt. Tuy nhiên, SoftBank đang có kế hoạch cắt giảm các khoản đầu tư vào Quỹ Vision tới 75% trong cả năm. Theo FT, tập đoàn này cũng huy động được tới 22 tỷ USD tiền mặt thông qua đợt bán các hợp đồng kỳ hạn với cổ phiếu Alibaba.
Theo ước tính trung bình của 3 nhà phân tích, SoftBank có thể báo lỗ 413,9 tỷ yen (3,1 tỷ USD) trong quý II. Nhà phân tích cấp cao của MST Financial - David Gibson, cho biết các khoản đầu tư tư nhân của họ dự kiến sẽ lỗ 8 tỷ USD, cũng không kém cạnh so với các khoản đầu tư đã niêm yết.
Ngoài xu hướng bán tháo cổ phiếu công nghệ, nhiều công ty trong danh mục của SoftBank còn bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc siết chặt quy định và chi phí linh kiện tăng cao. Điều này có thể sẽ thúc đẩy SoftBank đầu tư vào những thị trường mới hơn và hỗ trợ các công ty non trẻ ở các vòng gọi vốn ban đầu, điều này có thể giúp họ bớt phụ thuộc vào các đợt niêm yết, theo Bloomberg Intelligence.
Nhà phân tích Marvin Lo của BI cho biết, dự báo mới về kết quả kinh doanh của SoftBank cũng có thể thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm giảm chi tiêu vào start up. Lo nói: "SoftBank có thể cần phải bơm thêm tiền để giúp các startup tồn tại hoặc chuyển đổi họ thành những doanh nghiệp thành công có thể thực hiện IPO trong tương lai." Song, điều này có thể ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng của SoftBank.
Giá trị tài sản ròng là một trong những thước đo quan trọng mà Son sử dụng để đánh giá tình hình hoạt động của công ty. Theo thông báo gần đây nhất, thước đo theo dõi giá cổ phiếu so với giá trị tài sản của SoftBank đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 vào tháng 3. Một chỉ báo quan trọng khác là tỷ lệ cho vay trên giá trị (LTV) có thể đã sụt giảm do giá trị tài sản sụt giảm và việc mua cổ phiếu quỹ chậm lại.
Ngoài ra, Son còn phải đối mặt với những khó khăn về mặt nhân sự. Rajeev Misra - đồng minh quan trọng giúp SoftBank trở thành công ty đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, đang rút khỏi vị trí hiện tại để kinh doanh riêng. Quyết định của ông được đưa ra chưa đầy 1 năm sau khi một giám đốc cấp cao khác - Marcelo Claure, rời đi vì mâu thuẫn liên quan đến lương thưởng.
Tham khảo Bloomberg