SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son đang gặp khó khăn
Cố chấp với tư tưởng 'liều ăn nhiều', tỷ phú Masayoshi Son liệu có đang vô hình chung đẩy SoftBank vào 'ngõ cụt'?
Đầu năm ngoái, Masayoshi Son đã có một cuộc gọi video ngắn với nhân viên của mình. Vào thời điểm đó, các công ty khởi nghiệp đang tăng giá trị vốn hóa, song quỹ đầu tư SoftBank lại quyết định không chịu xuống tiền. Theo các cựu nhân viên, trong buổi họp này, Son đã yêu cầu các giám đốc điều hành phải thuyết phục được nhiều startup hơn nữa nhận vốn đầu tư từ họ.
Ông Son, Giám đốc điều hành SoftBank, đã thiết lập bảng danh sách theo dõi các cuộc gọi đến, đồng thời nới lỏng một số quy tắc nội bộ để thúc đẩy hoạt động đầu tư mạo hiểm. Điều này vô hình chung khiến nhân viên của Son thấy mình giống như những “nhân viên sales’’.
Dù đã cam kết kiềm chế hơn trong nỗ lực rót vốn sau nhiều năm chứng kiến các thương vụ đổ bể, Son vẫn đầu tư 38 tỷ USD vào 183 công ty hồi năm ngoái, theo hồ sơ của SoftBank. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay đối với bất kỳ nhà đầu tư mạo hiểm nào.
Một lần nữa, Son lại mua đỉnh. Điều này, cùng với xu hướng tăng trưởng ảm đạm của giới công nghệ, khiến các khoản lỗ của Softbank ngày càng phình to. Rất nhiều trong số gần 300 công ty tư nhân mà Softbank đầu tư đã giảm giá trị cho thấy sự sụt giảm chung của thị trường.
Đây là thói quen của ông Son, khi thị trường biến động. Ông mạo hiểm “bắt tay’’ nhiều thương vụ bằng các khoản đầu tư lớn, sau đó ngậm ngùi chứng kiến chúng lao dốc không phanh.
“Khi Son tin vào một điều gì đó, ông ấy sẽ đặt cược mọi thứ mình có. Tôi không nghĩ rằng Son sẽ thay đổi quan điểm này’’, Gary Rieschel, lãnh đạo dẫn dắt các khoản đầu tư khởi nghiệp của ông Son trong những năm 1990 và 2000 kiêm thành viên hội đồng quản trị SoftBank cho biết.
Dẫu vậy, theo FactSet, ông Son, người sáng lập ra SoftBank với 29% cổ phần trong tay, vẫn có một vài thành công vang dội trong những năm qua. Chúng đủ để mang lại cho vị tỷ phú này khối tiền mặt khổng lồ cùng niềm tin đặt vào những thương vụ mạo hiểm sắp tới.
TRỒI SỤT
Đầu tháng này, SoftBank dự kiến sẽ lỗ thêm hàng tỷ USD trong 2 quỹ khởi nghiệp khổng lồ sau khi mất hơn 27 tỷ USD trong quý I. Các quỹ này đã đầu tư hơn 135 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp kể từ năm 2017, theo WSJ.
Các công ty khởi nghiệp thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn công nghệ, nổi tiếng với những vụ đặt cược vào Sprint Corp hay Alibaba. Sự giám sát chặt chẽ của giới chức đối với ngành công nghiệp tỷ đô này sau đó khiến cổ phiếu trồi sụt liên tục.
Sau khi cố gắng gượng dậy từ những thất bại, ông Son tiếp tục đối mặt với những khó khăn mới khi các lãnh đạo công ty lần lượt bỏ đi. Rajeev Misra, lãnh đạo phụ trách giám sát các quỹ khởi nghiệp, đã đệ đơn từ chức hồi tháng trước trong bối cảnh SoftBank dần bán bớt cổ phần của mình tại Alibaba và một nhà mạng di động Nhật Bản.
SoftBank từng phát triển dựa vào 2 quỹ khởi nghiệp của mình là Vision Funds 1 và 2 song kể từ báo cáo thu nhập cuối cùng của SoftBank, quỹ đã mất khoảng 9 tỷ USD.
Theo các cựu nhân viên và giới phân tích, Vision Fund 2, quỹ được cho là có kỷ luật hơn so với Vision Fund 1 đã cam kết đầu tư 56 tỷ USD. Sự nhuốm đỏ của thị trường khiến Son lo ngại rằng Vision Fund 2 cũng sẽ trồi sụt như cổ phiếu công nghệ và bốc hơi tới 60% giá trị. Qũy này hiện đang sử dụng đòn bẩy tín dụng và hầu hết vẫn là các khoản đầu tư tư nhân.
“Tôi lo lắng về quỹ Vision Fund 2 hơn là quỹ Vision Fund 1’’, Mio Kato, một nhà phân tích kiêm người sáng lập Lightstream Research nói, đồng thời khẳng định đây là kết quả của việc chỉ “đánh cược vào giấc mơ, bất chấp sự thật”.
Dẫu vậy, Son vẫn lạc quan rằng cơn bão sẽ qua đi. Khi đó, SoftBank sẽ vực dậy mạnh mẽ cùng sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ. Hiện tại, SoftBank đang cắt giảm đáng kể các khoản đầu tư vào startup.
“Chúng tôi muốn tích lũy nhiều tiền mặt,” ông Sơn cho biết trong lần báo cáo thu nhập hồi tháng Năm. “Chúng tôi sẽ cẩn thận hơn trong những lần đầu tư sắp tới’’.
Ông Son thành lập SoftBank từ đầu những năm 1980 và gây dựng công ty thông qua một loạt các khoản đầu tư đa dạng. Vị tỷ phú này rót tiền vào một loạt các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn bùng nổ dot-com cuối những năm 1990, đồng thời cho biết việc đặt cược vào Yahoo thời đó đã khiến ông trở thành người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, đợt phá sản dot-com đã khiến cổ phiếu Softbank mất 99% giá trị.
Masayoshi Son sau đó tiếp tục gây dựng cơ đồ và đặt niềm tin vào đường truyền internet tốc độ cao của Nhật Bản. Ông cũng tập trung vào chiếc điện thoại di động, đặt cược đòn bẩy cao để mua lại Vodafone Group PLC vào năm 2006. Tuy nhiên, khủng hoảng năm 2008 lại khiến cổ phiếu của SoftBank lao dốc với những lo ngại về rủi ro vỡ nợ.
Màn đặt cược vào Alibaba đã cứu Softbank một lần nữa. Vào năm 2017, Son thành lập Quỹ Vision Fund 1 trị giá 100 tỷ USD, quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, thu hút dòng vốn từ Ả Rập Xê Út và Abu Dhabi. Lĩnh vực công nghệ sau đó đã chứng kiến màn rót vốn chưa từng có, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp.
Tất nhiên, đầu tư thất bại là điều khó tránh. Những màn đổ vỡ điển hình có thể kể đến như thương vụ Greensill Capital, công ty khởi nghiệp xây dựng Katerra và một công ty làm pizza bằng robot. Cả 3 đều đã phá sản.
Thất bại lớn nhất có lẽ là WeWork, công ty khởi nghiệp về không gian văn phòng, nơi Son đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vì cho rằng đây là một công ty công nghệ đột phá.
“Tôi đã mắc sai lầm”, ông nói với các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh hàng quý của mình vào tháng 11 năm 2019, đồng thời coi đây là “một bài học rất khắc nghiệt”.
CỐ CHẤP VỚI TƯ TƯỞNG "LIỀU ĂN NHIỀU"
Tốc độ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp chậm lại vào năm 2020 khi ông Son hướng tầm nhìn sang những lĩnh vực trong đế chế SoftBank, trong đó có cả một thành phố mới tại Indonesia mà ông đồng ý hỗ trợ xây dựng. Son cũng chú ý đến phố Wall và đặt cược rất lớn vào các cổ phiếu công nghệ lớn, đa phần đều sử dụng quyền chọn. Tuy nhiên, một vài khoản đầu tư không được thuận lợi, và SoftBank đã báo lỗ khoảng 5,4 tỷ USD.
Đến cuối năm 2020, cổ phiếu tăng trưởng bùng nổ và SoftBank thu về món hời lớn. Hai khoản đầu tư thông minh vào DoorDash và công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang đã tạo ra hơn 35 tỷ USD lợi nhuận, vào đúng thời kỳ đỉnh cao nhất.
Điều này tạo động lực cho Son rót vốn nhiều hơn từ quỹ Vision Fund 2. Sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ cùng ngành cũng khiến vị tỷ phú này sốt ruột và muốn tiêu càng nhiều tiền càng tốt. Softbank theo đó đi nhanh hơn, phân bổ tiền đầu tư nhiều hơn, với một tư tưởng “liều thì ăn nhiều’’.
Thay vì chỉ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, SoftBank rót tiền rộng rãi, từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, logistics, phần mềm kinh doanh đến trò chơi điện tử. Về cơ bản, quỹ được coi như một màn đặt cược vào các công ty khởi nghiệp.
Theo các cựu nhân viên, sự hào hứng đến hấp tấp của Son khiến công ty trở nên không thận trọng. Quy trình thẩm định và định giá doanh nghiệp không được chăm chút nhiều như trước. Ngoài ra, chỉ cần ít nhất 2 nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu ủng hộ thương vụ, việc đầu tư sẽ được khuyến khích ngay lập tức.
Theo WSJ, quỹ Vision Fund 2 đầu tư điên cuồng vào năm 2021, trung bình cách ngày lại rót vốn vào 1 công ty. Sự thất vọng sau đó đã tăng lên giữa các giám đốc điều hành bởi họ cảm thấy quá “ngộp thở”.
Các đối tác đầu tư hàng đầu bắt đầu rời đi, bao gồm Deep Nishar, Jeff Housenbold và Ervin Tu. Cánh tay đắc lực của ông Son, Marcelo Claure, cũng đệ đơn từ chức sau một cuộc tranh chấp lương bổng.
Ngay sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED rục rịch tăng lãi suất, định giá đối với các công ty công nghệ bắt đầu co rút dần. Khoản đầu tư 700 triệu USD của SoftBank vào Berkshire Grey, công ty chế tạo robot niêm yết cổ phiếu từ đầu năm 2021, đã giảm xuống chỉ còn dưới 150 triệu USD, theo báo cáo thu nhập cuối cùng của SoftBank. Khoản đầu tư 300 triệu USD vào công ty khởi nghiệp sức khỏe tâm thần trực tuyến Cerebral cũng gặp trục trặc sau bê bối trong việc cấp đơn thuốc.
Nếu cộng dồn mức định giá thâm hụt của những khoản đầu tư thất bại, sau đó so sánh với những gì SoftBank đã chi ra nhiều năm trước đó, Masayoshi Son có lẽ sẽ rất thất vọng. Tuy nhiên, nếu xét đến những khoản đầu tư mới, ông cho rằng cơ hội tại Nhật là vẫn còn và SoftBank đang có một số thương vụ với quy mô nhỏ.
"Tôi tin là thị trường chỉ đang rối ren thôi", ông Son nói, đồng thời đề cập tới tác động của đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine cùng đà tăng lạm phát kỷ lục.
Theo: WSJ
Huệ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế