Sốc trên TikTok: Đừng thờ ơ với những thử thách độc hại, nạn nhân có thể là người thân của bạn!
Hãy đưa ra cảnh báo cần thiết nếu cảm thấy nội dung độc hại đang lan truyền, đừng góp phần đẩy điều xấu lên xu hướng.
Tương tự như các trang web truyền thông xã hội khác, TikTok cung cấp cho người dùng khả năng tải lên nội dung, bình luận dưới bài đăng, tổ chức phát trực tiếp, nhắn tin nhanh với những người dùng khác và sử dụng vô số phương tiện truyền thông.
Phần lớn nội dung của ứng dụng có cách tiếp cận thú vị với hướng dẫn trang điểm, meme, mẹo trong cuộc sống và các chủ đề khác mà người dùng có thể tiếp thu một cách tích cực. Ngoài ra, một số người dùng đăng video nhảy múa theo các âm thanh phổ biến, kể chuyện cũng như dùng thử các bộ lọc khác nhau.
Tuy nhiên, TikTok đã trở nên nguy hiểm khi người dùng sử dụng các biện pháp cực đoan nhằm đạt được nhiều lượt xem và ảnh hưởng trên mạng xã hội. Cứ vài tuần một lần, một xu hướng có hại lại lưu hành và lan truyền rộng rãi trên ứng dụng. Những xu hướng này có thể gây hại cả về thể chất và tinh thần.
Tệ hơn nữa, mặc dù theo quy định của TikTok thì trẻ em dưới 13 tuổi không được phép đăng ký sử dụng nền tảng mạng xã hội này, thế nhưng bất cứ ai thuộc nhóm tuổi này cũng đều dễ dàng tạo cho mình một tài khoản trên TikTok bằng cách cung cấp thông tin giả về ngày tháng năm sinh để qua mặt hệ thống đăng ký.
Đây chính là điều mà các bậc phụ huynh và nhà quản lý lo lắng bởi bên cạnh những clip nhảy nhót vui nhộn thì thanh thiếu niên cũng đang bị cuốn sâu vào các hoạt động trên mạng xã hội này với những trào lưu độc hại liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Nổi bật nhất có thể kể đến đó chính là Blackout Challenge (Thử thách ngạt thở).
"Thử thách ngạt thở" và những vụ kiện chấn động
Theo People, "Thử thách ngạt thở" đã xuất hiện khoảng từ năm 2008 trên các nền tảng mạng xã hội khác, nhưng nó bắt đầu xuất hiện trở lại trên TikTok vào năm 2021.
Blackout Challenge (Thử thách ngạt thở) là thử thách mà những người tham gia sẽ phải sử dụng một sợi dây bất kỳ để tự siết cổ mình (hoặc sử dụng bất kỳ hình thức nào để gây ngạt thở) cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức tạm thời. Những người tham gia sẽ quay video quá trình thực hiện thử thách rồi chia sẻ lên mạng xã hội TikTok.
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) trong Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong ngày nay, ít nhất 82 thanh niên đã tử vong sau khi tham gia "Thử thách ngạt thở". 87% số ca tử vong này là ở nam giới và hầu hết xảy ra ở những người từ 11 tuổi đến 16 tuổi, với độ tuổi trung bình là 13.
CDC nhận thấy rằng hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra khi một đứa trẻ tham gia "Thử thách ngạt thở" một mình, và hầu hết các bậc cha mẹ đều không biết về "Thử thách ngạt thở" trước khi con họ qua đời.
"Bởi vì hầu hết các bậc cha mẹ trong nghiên cứu chưa nghe nói về ‘Thử thách ngạt thở’, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về thử thách này trong các bậc cha mẹ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, để họ có thể nhận ra các dấu hiệu cảnh báo về thử thách. Điều này đặc biệt quan trọng vì bản thân trẻ em có thể không đánh giá được sự nguy hiểm của hoạt động này".
"Báo cáo này là bước đầu tiên quan trọng trong việc xác định ‘Thử thách ngạt thở’ là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Cần nghiên cứu thêm để xác định các yếu tố nguy cơ có thể góp phần khiến thanh thiếu niên tham gia ‘Thử thách ngạt thở’ và xác định giải pháp có thể giúp giảm loại hành vi này".
Arriani (9 tuổi) được phát hiện đã tử vong vào tháng 2/2021 sau khi tham gia "Thử thách ngạt thở" và cha mẹ cô đang đệ đơn kiện gã khổng lồ truyền thông xã hội TikTok với hy vọng giữ an toàn cho những đứa trẻ khác.
Lalani Erika Walton, 8 tuổi và Arriani Jaileen Arroyo, 9 tuổi, đã tử vong sau khi tham gia thử thách nguy hiểm này, khi đó những người tham gia cố gắng tự siết cổ mình đến bất tỉnh, Los Angeles Times đưa tin. Các vụ kiện này đã được đệ trình lên Tòa án. Đơn kiện cáo buộc rằng thuật toán của TikTok đã đề xuất các video về "Thử thách ngạt thở" cho các cô gái trẻ.
Theo đơn kiện của gia đình Walton, đến từ Texas, cho biết cô được tìm thấy trong phòng ngủ với một sợi dây quanh cổ. Theo tin tức được đưa ra, cảnh sát đã lấy điện thoại và máy tính bảng của Walton, sau đó nói với mẹ kế của cô rằng cô đã xem video về "Thử thách ngạt thở" lặp đi lặp lại rất nhiều lần trước khi qua đời.
Arroyo, đến từ Milwaukee, được tìm thấy trong tầng hầm với sợi dây xích của chú chó trong gia đình quấn quanh cổ. Theo đơn kiện, cô được đưa đến bệnh viện và thở máy, nhưng đã bị mất toàn bộ chức năng não và cuối cùng đã bị cắt hỗ trợ sự sống.
Họ không phải là những đứa trẻ đầu tiên tử vong khi được cho là đang cố gắng tham gia thử thách.
Nylah Anderson, 10 tuổi, cũng qua đời tương tự. Vào tháng 5 năm 2022, mẹ của cô, Tawainna Anderson, đã kiện TikTok về cái chết oan uổng của con gái . Đơn kiện của cô ấy tuyên bố rằng TikTok đang "lập trình cho trẻ em vì lợi nhuận doanh nghiệp và thúc đẩy sự nghiện ngập ", trong khi là "một ứng dụng săn mồi và thao túng" , đẩy "những thách thức cực kỳ nguy hiểm và không thể chấp nhận được."
Chưa hết, thử thách này được cho là có liên quan đến ít nhất bốn ca tử vong khác của trẻ em từ 10 đến 14 tuổi ở Úc, Ý, Colorado và Oklahoma.
"Đòn đau" dành cho TikTok
Vào năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng đưa ra lệnh cấm TikTok ở Mỹ nhưng không thành công trong nỗ lực của ông. Tuy nhiên, một số quốc gia đã thành công hơn về mặt này.
Mặc dù không bị cấm ở Nga, TikTok đã ngừng tải lên video mới cho người dùng Nga do luật tin tức giả mạo của nước này.
Ngoài ra, có những quốc gia khác mà ứng dụng phải đối mặt với lệnh cấm chính thức.
1. Ấn Độ
Chính quyền Ấn Độ đã kiểm soát rất nhiều các ứng dụng Trung Quốc vào năm 2020 và cấm TikTok, trong số hơn 50 ứng dụng khác, vào mùa hè năm đó.
Ấn Độ đã chọn cấm các ứng dụng của Trung Quốc với lý do lo ngại liên quan đến TikTok và an ninh quốc gia. TikTok đã rất phổ biến trong nước trước khi nó bị chặn, với hơn 200 triệu người dùng.
Thị trường lớn nhất của TikTok là Ấn Độ. Công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Ấn Độ. Việc bị chính phủ Ấn Độ cấm cửa có thể khiến TikTok thiệt hại lên đến 6 tỷ USD. Tuy nhiên, lệnh cấm đối với TikTok ở Ấn Độ là vĩnh viễn và công ty đã rút khỏi thị trường.
2. Pakistan
Ít nhất thì mối quan hệ của Pakistan với TikTok đã có nhiều sóng gió. Các nhà chức trách nước này đã cấm ứng dụng này không dưới bốn lần trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 11/2021.
Lệnh cấm đầu tiên vào tháng 10/2020 kéo dài trong 10 ngày và do nội dung bị cho là không phù hợp. Vào tháng 3/2021, ứng dụng lại bị cấm - lần này là cho đến tháng 4. Hai tháng sau, TikTok bị ảnh hưởng bởi một lệnh cấm khác ở Pakistan. Tuy nhiên, điều này chỉ kéo dài 3 ngày. Lệnh cấm thứ tư xảy ra vào tháng 7/2021 và kéo dài trong khoảng 4 tháng.
3. Bangladesh
Bangladesh là một nơi mà TikTok trước đây đã được người dân sử dụng vô cùng phổ biến. Quyền truy cập vào ứng dụng đã bị hạn chế vào tháng 11/2018. Đến giữa tháng 2/2019, TikTok tiếp tục bị cấm ở Bangladesh cũng như bị phạt 5,7 triệu USD ở Mỹ vì thu thập trái phép thông tin của người dùng là trẻ em.
Sau đó, người dùng ở Bangladesh có thể sử dụng lại nội dung vào năm 2020. Tuy nhiên, đó không phải là lần cuối cùng của TikTok mâu thuẫn với các nhà chức trách Bangladesh. Vào mùa hè năm 2021, một tòa án ở quốc gia này đã ra lệnh cấm ứng dụng - cùng với một số ứng dụng khác - phải bị cấm một lần nữa trong 3 tháng.
4. Indonesia
I ndonesia là một quốc gia khác đã thực hiện lệnh cấm TikTok trong quá khứ. Vào tháng 7 năm 2018, các nhà chức trách trong nước đã chọn hạn chế quyền truy cập của người dùng vào ứng dụng do nội dung trên nền tảng. Chính phủ nói rằng người dùng đã truy cập vào nội dung khiêu dâm và các hình thức nội dung không phù hợp khác.
Tuy nhiên, lệnh cấm của TikTok ở Indonesia chỉ kéo dài hơn 1 tuần, nó được phép bắt đầu hoạt động lại sau khi đã xóa nội dung được đề cập.
Tạm kết
Như vậy, trước khi người dùng mạng Việt phản đối hàng loạt nội dung sốc trên TikTok thì MXH này đã gây ra những tác động tiêu cực với người trẻ của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc không thể kiểm soát nội dung độc hại cũng như lứa tuổi tiếp cận thông tin trên MXH này là vô cùng nguy hiểm. Sẽ không biết được có những điều tồi tệ nào sẽ xảy ra với người thân hay thậm chí là con trẻ trong gia đình bạn, nếu họ/ chúng học theo những điều tệ hại trên TikTok.
MXH nào cũng sẽ có những mặt sáng và cả những góc khuất, song, với tốc độ phổ biến và cập nhật những trào lưu một cách quá nhanh như TikTok hiện nay, thì đây đang đặt ra bài toán hóc búa cho những người dùng trong việc bảo vệ bản thân lẫn người thân của mình - cũng như cho hệ thống quản lý trong việc hạn chế, chắt lọc, kiểm duyệt nội dung trên chính kênh của họ.
Nguồn: Tổng hợp