Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kêu gọi người dân phản ánh những địa chỉ có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết
Người dân TP. Hồ Chí Minh có thể phản ánh địa chỉ trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết qua ứng dụng "Y tế trực tuyến".
Ngày 8/7, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã cập nhật và bổ sung ứng dụng "Y tế trực tuyến" để người dân có thể dễ dàng phản ánh đến Thanh tra Sở Y tế và các phòng chức năng những địa chỉ trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết (chụp ảnh, quay video clip, nhắn tin có địa chỉ cụ thể những nơi có nhiều muỗi, nhiều ổ lăng quăng). Khi nhận được những phản ánh này, Sở Y tế sẽ xác nhận và chuyển ngay thông tin phản ánh của người dân đến chính quyền địa phương để xử lý theo quy định, ngay cả xử phạt hành chính theo quy định.
Theo công bố của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và TP. Hồ Chí Minh năm nay thuộc type huyết thanh Dengue-1 như năm 2021, nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh Dengue-2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh đã vắng mặt một thời gian trước đó thì số ca mắc mới sẽ có khuynh hướng tăng cao, tương ứng sẽ có số ca nặng tăng, số tử vong tăng.
Nếu như hàng năm, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 5 – 10 trường hợp tử vong. Riêng năm nay, tính đến hết ngày 5/7, tổng số ca mắc sốt xuất huyết của toàn thành phố là 23.516 ca, trong đó đã có 11 ca tử vong, tăng 9 ca so với trung bình giai đoạn 2016-2020.
Nhận định về diễn tiến dịch sốt xuất huyết năm nay, số ca mắc tăng sớm và tăng nhanh ngay từ giữa tháng 4/2022, đến cuối tháng 6/2022 số ca bệnh đã cao hơn số ca bệnh trong tuần đỉnh dịch các năm 2018, 2019. Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022, những tháng cao điểm của mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết của thành phố sẽ tiếp tục gia tăng, theo đó là số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng, nếu không quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết ngay từ bây giờ.
Cho đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chính vẫn là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua việc diệt muỗi, diệt lăng quăng. Một số ít quốc gia trên thế giới có sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả phòng bệnh chưa cao. Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết duy nhất áp dụng tại Việt Nam vẫn là "diệt lăng quăng, diệt muỗi", trong đó diệt lăng quăng được xem là biện pháp đơn giản, hiệu quả và căn cơ.
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, được mệnh danh là "muỗi quý tộc" vì lăng quăng của muỗi này chỉ phát triển được trong nước sạch như nước máy hay nước mưa; còn ao tù, cống rãnh có thể là nơi phát sinh nhiều loài muỗi khác, nhưng không phải muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Phun hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết chỉ là biện pháp đáp ứng cấp bách nhằm làm giảm nhanh số lượng muỗi trưởng thành nhưng khi hết thời gian hóa chất tồn tại trong không gian, thì lứa muỗi mới lại tiếp tục phát triển và tiếp tục truyền bệnh. Do đó, phun hóa chất diệt muỗi chỉ phát huy được hiệu quả khi việc diệt lăng quăng được thực hiện đồng bộ một cách triệt để.
Lăng quăng của muỗi sốt xuất huyết chỉ phát triển được trong nước sạch như nước máy, nước mưa. Những đồ vật chứa nước phục vụ cho sinh hoạt của mỗi người, mỗi nhà như lu, hồ, phuy, thùng… trữ nước sinh hoạt nhưng không được đậy kín, hoặc là bình hoa, đế lót chậu cảnh, chén nước cúng trên bàn thờ…, và những đồ vật đã qua sử dụng bị bỏ quên ở trong nhà, ngoài sân như vỏ xe, chai lọ, thùng xốp, ly nhựa... chỉ cần mưa xuống sẽ trở thành nơi sinh sản của muỗi sốt xuất huyết.
Vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát dữ dội, rất cần hành động của mỗi người dân ngay trong chính ngôi nhà - nơi mình sinh sống, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong chính nơi mình làm việc mỗi ngày. Đây cũng là thông điệp chính của Kế hoạch số 2095 của UBND thành phố về tổng vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi. Cụ thể như sau:
- Đối với hộ gia đình: dành ít nhất 15 phút mỗi tuần để vệ sinh nhà cửa, không để bất cứ vật chứa nước nào trong và xung quanh nhà tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sống; đồng thời sắp xếp giữ nhà cửa gọn gàng, thoáng mát, không tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn.
- Đối với cơ quan, trường học, nơi làm việc…: Người quản lý chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại đơn vị mình, gồm chọn ngày cố đinh trong tuần để tổng vệ sinh, truy tìm và loại bỏ nơi muỗi sinh sản trong phạm vi quản lý; yêu cầu mỗi thành viên của đơn vị, tổ chức chấp hành việc bỏ rác đúng nơi quy định, không tích trữ nước, không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.
- Đối với những địa điểm không có người quản lý trực tiếp như đất trống chờ xây dựng xen cài trong các khu dân cư, khu quy hoạch treo; mô hình này khá phổ biến ở các quận vùng ven hoặc huyện ngoại thành: Uỷ ban nhân dân xã phường lập danh sách các khu vực công cộng không có người quản lý trực tiếp trên địa bàn; huy động đoàn thanh niên, các tình nguyện viên và người dân sống xung quanh tham gia tổng vệ sinh, thu gom và tiêu hủy rác thải, vật chứa nước ở những địa điểm này; truyền thông, vận động người dân xung quanh không bỏ rác bừa bãi, tích cực bảo vệ thành quả tổng vệ sinh tại nơi công cộng.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các Trung tâm Y tế quận huyện tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở những vùng nguy cơ xảy ra dịch sốt xuất huyết. Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn thực hiện những biện pháp diệt lăng quăng phù hợp cho từng loại vật chứa phổ biến tại thành phố, mọi người đều có thể tải các hướng dẫn cụ thể này từ trang web của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.
Sở Y tế cũng đã phối hợp Sở Thông tin Truyền thông gửi tin nhắn vận động mọi người dân, những người đứng đầu cơ quan, trường học, đơn vị… cùng hành động phòng chống dịch sốt xuất huyết với quyết tâm cao nhất.