Sở xin dừng bán vé vào công viên Thống Nhất vì ‘không đủ tiền trả lương cho người bán vé’

Chia sẻ Facebook
07/12/2022 10:06:21

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, bên cạnh việc bị phản ánh bán vé không hợp lý, thì tiền lương phải trả cho 22 nhân viên bán vé rơi vào khoảng 1,3 tỷ đồng mỗi năm, trong khi thu vào chỉ gần 700 triệu.

Theo nguồn tin ngày 6/12 từ báo Tuổi Trẻ, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND TP. Hà Nội về phương án hạ thấp hàng rào Công viên Thống Nhất, tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu.

Sở này cũng đề xuất dừng bán vé vào công viên Thống Nhất từ ngày 1/1/2023.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay vé bán vào Công viên Thống Nhất dành cho trẻ em là 2.000 đồng/lượt, người lớn là 4.000 đồng/lượt. Số tiền thu được mỗi năm khoảng 700 triệu đồng, chỉ đủ giải quyết hơn 50% kinh phí trả lương cho nhân viên bán vé.

Những người vào công viên tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà được ‘miễn phí vé’. Còn học sinh và người đi làm mặc quần áo chỉnh tề thì đều bị thu tiền vé 4.000 đồng/lượt. (Ảnh: Người Lao Động)

Cụ thể, năm 2019 số tiền bán vé thu được là gần 700 triệu đồng, năm 2020 trên 500 triệu đồng, năm 2021 hơn 300 triệu đồng (do ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán – Covid-19) và 10 tháng đầu năm 2022 là 630 triệu đồng.

Trong khi công ty Công viên Thống Nhất bố trí 22 nhân viên bán vé theo 3 ca, tại 7 cổng. Số tiền trả lương cho 22 nhân viên này gần 110 triệu đồng mỗi tháng (gần 5 triệu đồng/người), tức khoảng 1,3 tỷ đồng mỗi năm.


Bên cạnh đó, việc bán vé trên cũng bị phản ánh là không hợp lý khi ‘thu phí quần dài, miễn phí quần đùi ’. Những người vào công viên tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà đi qua cổng không phải mua vé. Còn học sinh và người đi làm mặc quần áo chỉnh tề thì đều bị thu tiền vé 4.000 đồng/lượt.


Do vậy, theo Sở Xây dựng “việc dừng bán vé vào cửa Công viên Thống Nhất là phù hợp”.

Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng nêu phương án kết nối Công viên Thống Nhất với không gian đi bộ trên tuyến phố Trần Nhân Tông, đề nghị hạ thấp toàn bộ hàng rào của công viên phía đường Trần Nhân Tông, tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu.

Tổng chiều dài hàng rào cần hạ thấp khoảng 560m trên tổng khoảng 2.100m chiều dài bao quanh công viên.

Theo báo Lao Động, công viên Thống Nhất có diện tích lớn nhất Hà Nội (khoảng 50 ha, diện tích mặt nước hơn 20 ha), nằm giữa 4 phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu; có 7 lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông.

Mục đích sử dụng đất của Công viên Thống Nhất là để phục vụ hoạt động công cộng, không kinh doanh, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao quản lý.


Xuân Hạ (t/h)

Từ Khóa :

Chia sẻ Facebook