So với thế hệ trước, giới trẻ hiện nay áp lực ngay từ khi còn nhỏ

Chia sẻ Facebook
08/06/2023 20:44:49

Lớn lên trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số, thế giới nhiều biến động, yêu cầu về nhân lực ngày càng cao... khiến bạn trẻ đối diện với nhiều áp lực hơn. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách để ứng phó với vấn đề này.


Mỗi thế hệ đều mang trên mình những áp lực và trải nghiệm riêng, CUỘC SỐNG GEN Z cũng không ngoại lệ. Trải qua từng thời kỳ, bối cảnh xã hội có những đổi thay nhất định, chính vì thế tư duy và thế giới quan đã tạo những áp lực không giống nhau. Thế hệ nào cũng cần được thấu hiểu và chia sẻ, đặc biệt là đối với thế hệ chịu những định kiến vô hình và áp lực từ nhiều phía như Gen Z hiện nay.


Khủng hoảng tâm lý ngay từ khi còn nhỏ

Một trong những điều mà giới học sinh ám ảnh nhất, đó là tâm lý hay so sánh với bạn bè cùng trang lứa của phụ huynh. So sánh và kỳ vọng không lành mạnh có thể tạo ra sự đánh giá thấp về bản thân và gây áp lực không cần thiết. Đây là một vấn đề phổ biến trong nhiều gia đình và xã hội khiến không ít học sinh mệt mỏi và căng thẳng.

Đ.T.H (15 tuổi, Hà Nam) là một nạn nhân của áp lực học tập. Cha mẹ em quan trọng điểm số hơn là quan tâm đến tâm lý, sức khoẻ của con. Đặc biệt, năm nay H. còn phải đối mặt với kỳ thi vượt cấp đầy căng thẳng, ngay từ đầu năm học H. đã bị bố mẹ nhồi nhét vào đầu những tư tưởng phải vào được trường top của thành phố.

Kỳ vọng thái quá từ cha mẹ “trói” con vào những áp lực vô hình. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

H. đang phải đối mặt với một lịch trình học tập khá căng thẳng và áp lực từ cha mẹ. Học từ 7h và kết thúc ca cuối lúc 21h, hầu như H. ít được nghỉ ngơi. Em cũng thường bị cha mẹ hỏi về điểm số, những bài kiểm tra, kỳ thi thử. Nếu điểm số thấp, em sẽ bị mắng nặng nề. Em bị mẹ thu điện thoại vì cho rằng đây là nguyên nhân làm ảnh hưởng việc học tập. Cha mẹ H. cũng sắm thêm một chiếc camera đặt ngay phòng học để theo dõi và kiểm soát con. Có những đêm em chỉ biết khóc thầm vì mệt, thậm chí tự làm đau bản thân để cảm thấy dễ chịu hơn.

Tương tự, L.N.M (18 tuổi, Hà Nội) học sinh cuối cấp cũng là người đang chịu áp lực học tập và thi cử. Bên cạnh việc gia đình đặt kỳ vọng cao trong kỳ thi đại học sắp tới, M. thường xuyên trở thành chỗ trút giận của cha mẹ. Nhiều khi, cha mẹ em gặp áp lực trong công việc, cuộc sống thay vì xử lý, họ lại lôi chuyện học hành của M. ra để trút giận. Mặc dù, M. không làm gì sai.

Đấy là chưa kể việc chọn nghề, chọn trường của một số học sinh cũng không được toàn quyền quyết định mà bị phụ huynh chi phối. Học sinh băn khoăn, không biết phải như thế nào. Họ cảm thấy khó khăn khi phân vân nên chọn theo sở thích của bản thân hay nghe theo “lệnh” của cha mẹ.

Mệt mỏi khi chịu nhiều áp lực học tập và thi cử. (Ảnh minh họa: Báo Sức khỏe & Đời sống)

Từ nhỏ, mẹ của N.H.G (20 tuổi, Bắc Ninh) luôn nói cô kém cỏi nên đừng mơ ước xa vời. Tư tưởng đó đã ăn sâu vào tiềm thức khiến G. tự ti về năng lực của bản thân cũng như không dám bước ra khỏi vùng an toàn. G. không thể hòa nhập và sợ hãi trong giao tiếp. Cô thường hay lo lắng thái quá về kết quả học tập, định hướng tương lai và các mối quan hệ xung quanh.

Nhìn thấy bạn bè xung quanh đều giỏi, nhiều lần G. cảm thấy bế tắc, chẳng còn có thích thú làm gì, đầu óc cũng không đủ minh mẫn. Biết là không muốn bản thân tệ hại như hiện tại nhưng chẳng có cách nào thoát ra được.


Nỗi lo sự nghiệp, gia đình...

Thực tế là sau khi ra trường và bắt đầu công việc, người trẻ thường phải đối mặt với vô số áp lực và căng thẳng khác. Hoàng Thị Thủy, làm công việc PR một nhãn hiệu điện thoại, cho biết bản thân đối diện với sự căng thẳng trong công việc hằng ngày, hằng giờ. Phải xử lý công việc thế nào cho hiệu quả, phải suy nghĩ để cho ra ý tưởng mới, phải giải quyết những mâu thuẫn với đồng nghiệp... Tất cả điều đó khiến cô không có thời gian chăm chút cho bản thân.

Sự nghiệp, gia đình khiến nhiều người không còn thời gian chăm chút cho bản thân. (Ảnh minh họa: Thanh Niên)


Cuộc sống ngày càng hiện đại và xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi Gen Z phải nỗ lực từng ngày. Sự cạnh tranh và yêu cầu về thành công và tự khẳng định đang khiến cho nhiều người trẻ phải cố gắng hết mình để theo kịp, nếu không cố gắng sẽ bị bỏ rơi và thụt lùi so với xã hội. Bởi lẽ đó, giới trẻ ngày nay luôn cố gắng làm việc, học tập, trau dồi để khẳng định vị thế của bản thân. Nhiều người trẻ tâm sự họ luôn phải cố gắng hết mình cho công việc để khẳng định năng lực bản thân, cũng như tìm kiếm cơ hội làm bước đệm cho cuộc sống. Nhưng chính điều đó làm cuộc sống của họ ngày càng nặng nề. YAN đã từng nêu lên quan điểm về vấn đề này nhiều lần.

Thật bất công cho giới trẻ bây giờ vì dù có trình độ giỏi hơn, vẫn gặp khó khăn trong việc mua nhà và đạt thành công tương tự như thế hệ cha chú. Đúng là thời đại hiện đại có nhiều yếu tố và thách thức mới mà các thế hệ trước đây chưa từng trải qua. Cùng một trình độ tốt như vậy, nếu ở thế hệ 7X, 8X thì việc thành công là lẽ tất nhiên. Nhưng thế hệ 9X đã ít cơ hội hơn; còn thế hệ Gen Z thì trật tự xã hội cơ bản đã cố định, muốn đạt mức thành công như thế hệ trước thì người trẻ bây giờ yêu cầu phải giỏi gấp chục lần các bậc cha chú tầm tuổi ấy.

Thực tế là cuộc sống vật chất và các khó khăn trong quá khứ không thể so sánh trực tiếp với hiện tại. Mỗi thời kỳ mang đến những bối cảnh và thách thức riêng, và cách thức thích nghi cũng có thể khác nhau. Thế hệ 6X, 7X, trước đây đã trải qua những khó khăn vật chất, nhưng đấy là khó khăn chung, ai cũng khổ, và người ta ắt phải thích nghi với hoàn cảnh như vậy.

Hiện tại các loại hình giải trí đa dạng, cuộc sống đầy áp lực. Chưa kể truyền thông bùng nổ xung quanh thế hệ trẻ ngày nay toàn là hình mẫu người thành công, nên áp lực chạy đua của họ cũng nhiều gấp nhiều lần thế hệ trước. Giới trẻ bây giờ họ rất giỏi, cả kiến thức chuyên môn lẫn ngoại ngữ đều rất mạnh, tư duy cũng linh hoạt và nhạy bén hơn.

Thế hệ trẻ hiện nay đang sống chung với những áp lực ngàn cân. (Ảnh minh họa: Trí Thức Trẻ)

So với 15-20 năm trước, giờ đây kinh tế và giá cả đã biến đổi nhiều. Trước kia, kể cả ở Hà Nội hay Sài Gòn, một gia đình có cả hai vợ chồng đều là công nhân, nếu làm công ăn lương ngày 8-10 tiếng, không ăn chơi, chỉ tập trung tiết kiệm, thì dần dà họ vẫn đủ tiền mua đất, xây nhà là bình thường. Còn thời nay làm gì có giấc mơ ấy? Ngày nay, một người làm ăn lương thiện, làm công ăn lương, thì bao lâu mới mua được đất, xây được nhà?

Mặt bằng chung của giới trẻ Gen Z là năng lực rất mạnh. Phải công nhận rằng tính linh hoạt, thích ứng và suy nghĩ đột phá của giới trẻ hiện nay là hơn hẳn thế hệ trước. Tuy nhiên, cơ hội để bứt phá cho họ đang ngày càng ít và nhiều rủi ro.

Đúng như anh Đặng Đức Anh tốt nghiệp thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nói, người trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đồng thời sống giữa muôn vàn thách thức.

Khi điều kiện sống cải thiện, giới trẻ thường có kỳ vọng cao hơn về nhiều khía cạnh. Họ mong muốn có sự thành công, sống phải được đối xử công bằng, được tôn trọng, được công nhận và quan trọng nhất được sống là chính mình. Cũng bởi vì kỳ vọng cao nên áp lực lớn; họ dễ mệt mỏi, thất vọng, bế tắc khi cuộc sống thực tế không được như ý mình.

Người trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng có muôn vàn thách thức. (Ảnh minh họa: Tạp Chí Tâm Lý Học)


Ths tâm lý học Đặng Đức Anh cho biết thêm: “Giới trẻ bây giờ tiếp xúc với các yếu tố căng thẳng bên ngoài nhiều hơn ngay từ khi còn nhỏ. Khác với ông bà và cha mẹ ngày trước, các bạn được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ công nghệ xuất hiện và bùng nổ. Từ lúc còn bé, các bạn đã có thể tiếp xúc với hàng ngàn điều trong cuộc sống như bạo lực xã hội, bạo lực học đường, thiên tai, tình hình bất ổn của thế giới. Tất cả chỉ thông qua một vài cái "lướt, quẹt”.


Loay hoay tìm cách “chữa lành”

Trên thực tế căng thẳng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người ta làm việc chăm chỉ và đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, khi căng thẳng trở nên quá lớn và không được quản lý tốt, nó có thể gây ra lo lắng, điều này có thể cản trở đến quá trình học tập và hiệu suất làm việc của Gen Z.


Mặc dù có nhiều cách để Gen Z giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Thế nhưng, cũng có không ít người bị chìm đắm trong cảm xúc trầm uất. Thậm chí, vượt qua stress bằng những cách rất tiêu cực. Khi tìm cách giải tỏa áp lực, các bạn Gen Z đã bao giờ dừng lại và tự đặt câu hỏi: Thành công có thực sự đến từ việc tạo ra những nỗi căng thẳng: Liệu cứ làm quá nhiều việc là sẽ đạt được kết quả như mong đợi?

Trên thực tế, việc tạo ra áp lực lớn chỉ dẫn đến những tổn thương cho chính bản thân các bạn trẻ. Thậm chí, có những người tìm cách giải thoát khỏi những áp lực bằng cách làm đau chính mình.

Loay hoay tìm cách giải thoát khỏi những áp lực. (Ảnh minh họa: Dân Trí)

ThS. Anh Đào cho biết, một số nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa ở giới trẻ có thể kể đến như việc tư duy và nhân cách của các bạn chưa phát triển ổn định, sự ảnh hưởng quá lớn của mạng xã hội đến cuộc sống của những người trẻ, hay chủ nghĩa tập thể với việc đề cao thứ bậc, vị trí, điểm số... vô tình đã khiến các bạn trẻ bị áp lực.

Satya Doyle Byock, nhà trị liệu tâm lý ở Portland, Oregon, giám đốc sáng lập của Viện Nghiên cứu Jungian Salome đã phác thảo những trở ngại mà thanh niên ngày nay phải đối mặt và cách đối phó với chúng. Người trẻ có thể cảm thấy áp lực khi phải chạy đua qua các giai đoạn của cuộc đời, họ khao khát cảm giác đạt được thành tích cùng với việc hoàn thành "KPI". Nhưng học cách lắng nghe chính bản thân mới là cách giải tỏa áp lực về lâu dài.

Cô cho biết, thay vì tìm kiếm các biện pháp khắc phục nhanh chóng, những người trẻ tuổi nên nghĩ tới các mục tiêu dài hạn như: bắt đầu với những liệu pháp điều trị tâm lý kéo dài, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hình thành thói quen tập thể dục và học cách sống tự lập.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ giúp bạn thấy thoải mái và tích cực hơn mỗi ngày. (Ảnh minh họa: Hofeto)

Khi bản thân không giải quyết được, các bạn trẻ nên chia sẻ với những người gần gũi nhất với mình, những người trong gia đình vì họ đều là người đã từng trải qua những vấn đề trong cuộc sống, họ sẽ cho các bạn những lời khuyên hữu ích. Ngoài ra, các bạn trẻ đang mắc hội chứng áp lực đồng trang lứa tìm đến các chuyên gia tâm lý để được lắng nghe và nhận hỗ trợ cần thiết.

Trò chuyện, chia sẻ công việc giúp các thành viên tiến lại gần nhau hơn. (Ảnh minh họa: Kênh Sức khỏe)

Cuộc sống luôn rất khó khăn nhưng chúng ta hãy trải qua nó cùng nhau. Không có gì đáng trách hay xấu hổ khi hôm nay chúng mình mệt mỏi hơn một chút, tiêu cực hơn một chút, xấu xí hơn một chút. Cuộc sống cũng có đầy đủ gia vị mà ai rồi cũng phải nếm trải. Mỗi khi như thế chúng mình hãy kiên nhẫn thêm một chút vì "luôn có một con đường để tốt lành trở lại".

Khó khăn và áp lực của thế hệ trẻ ngày nay với thế hệ trước là một vấn đề phức tạp và có nhiều yếu tố tác động. Thế hệ trẻ ngày nay phải đối mặt với một môi trường kỹ thuật số và truyền thông xã hội phát triển nhanh chóng. Điều này có thể tạo ra áp lực về việc giữ liên lạc xã hội, so sánh với người khác trên mạng, ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân và sự cạnh tranh trực tuyến.

Xã hội ngày nay thường đặt kỳ vọng cao đối với thế hệ trẻ. Sự cạnh tranh trong học tập, sự nghiệp và vấn đề cá nhân có thể tạo ra áp lực lớn. Kỳ vọng từ gia đình, trường học và xã hội cũng có thể tạo ra căng thẳng. Mỗi thế hệ đều đối mặt với những khó khăn và áp lực đặc thù của thời đại mình. Tuy vậy, người trẻ giờ đây cũng có những cơ hội phát triển và tiềm năng trong mỗi giai đoạn.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook