Sở Trang Vương “đại trí giả ngu”, giữ thân trị quốc
Người tài hoa nhưng ẩn mình, một khi thi triển tài năng thì làm ra công trạng kinh ngạc. Bá chủ chư hầu Sở Trang Vương thời Xuân Thu...
Trong thành ngữ cổ có câu nổi tiếng: “Không bay thì thôi, đã bay là xuyên thấu trời cao; không hót thì thôi, đã hót là làm mọi người kinh sợ” (Bất phi tắc dĩ, nhất phi trùng thiên; bất minh tắc dĩ, nhất minh kinh nhân). Câu thành ngữ này là để nói về người tài hoa nhưng ẩn mình, bình thường không có chút tiếng tăm gì nhưng một khi đã thi triển tài năng thì có thể làm ra công trạng khiến mọi người kinh ngạc. Bá chủ chư hầu Sở Trang Vương thời Xuân Thu là một ví dụ sinh động cho điều này.
(Tranh minh họa: Public Domain)
Vào thời kỳ Xuân Thu, Sở Trang Vương là một trong những vị quân chủ có thành tựu nhất, được xếp là một trong ngũ bá. Nhưng lúc mới đăng cơ, Sở Trang Vương cũng là một người ham mê thanh sắc. Ông không quan tâm gì đến việc chính sự, nói năng tùy tiện phóng túng, ngày đi săn, tối uống rượu, nghe nhạc. Cứ như vậy suốt ba năm.
Biết các đại thần rất bất mãn với mình, Sở Trang Vương lại ban xuống một mệnh lệnh: Ai dám can gián sẽ xử tội chết. Các đại thần đều không biết làm thế nào.
Trong “Hàn Phi Tử. Dụ lão” ghi lại rằng một hôm đại phu của nước Sở là Ngũ Cử đã theo Sở Trang Vương đi săn. Ngũ Cử thấy Sở Trang Vương khen ngợi những người có thể giết được hổ báo và gọi họ là dũng cảm, còn những người biết chia sẻ con mồi là nhân từ. Ngũ Cử thấy Sở Trang Vương có nội tâm thanh minh rõ ràng nhưng không hiểu vì sao Vương hàng ngày không quan tâm gì đến việc triều chính.
Vậy là Ngũ Cử dùng cách ẩn dụ để nói với Sở Trang Vương: “Đại Vương, thần biết một câu đố chữ nhưng vẫn chưa biết câu trả lời, có thể xin thỉnh giáo đại vương được không?”
Sở Trang Vương thấy nói có câu đố, cảm thấy hay hay, liền cười nói: “Vậy thì ngươi hãy nói trẫm nghe thử xem!”
Ngũ Cử nói: “Ở trên bãi đất cao của nước Sở có một con chim lớn màu lông sặc sỡ, vô cùng xinh đẹp. Nhưng trong suốt ba năm, con chim đó không bay cũng không hót, không biết là vì nguyên nhân gì? Đại vương ngài có biết đó là con chim gì không?”
Sở Trang Vương vừa nghe xong thì hiểu rõ ý Ngũ Cử đang ám chỉ mình, liền cười đáp: “Đó không phải là con chim thường. Loại chim này nếu như đã bay là lên tận trời, nếu như đã hót là làm mọi người kinh sợ” . Cả Sở Trang Vương và Ngũ Cử cùng cười, đôi bên quân thần đều hiểu ý của nhau.
Một thời gian sau, một đại thần khác là Tô Tòng thấy Sở Trang Vương vẫn không động tĩnh gì, liền lại đến khuyên ngăn. Sở Trang Vương hỏi: “Chẳng lẽ nhà ngươi không biết lệnh của ta sao?”
Tô Tòng nói: “Thần đã rõ. Miễn là Đại Vương nghe được ý kiến của thần, thì thần dù có phạm cấm lệnh, chịu xử tử tội cũng cam lòng” .
Sở Trang Vương cao hứng cười nói: “Các ngươi đều thực lòng muốn việc tốt cho nước nhà, sao ta lại không biết?”
Về sau, Sở Trang Vương quyết tâm cải sửa triều đình, cách chức những kẻ nịnh hót, đề bạt những người dám dũng cảm khuyên can như Ngũ Cử, Tô Tòng để giúp mình xử lý quốc gia đại sự. Sở Trang Vương lại mệnh lệnh cho quân ra sức chế tạo vũ khí, thao luyện binh mã, cuối cùng thu phục được nhiều bộ lạc khác khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh.
Người sau cho rằng Sở Trang Vương đăng cơ khi tuổi còn nhỏ, quyền lực đều nằm trong tay các đại thần nên không thể không giấu tài. Chính vì thế, mỗi ngày ông đều chỉ uống rượu mua vui, không để ý tới việc triều chính. Nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, thực tế ra ông vẫn một mực quan sát một cách âm thầm lặng lẽ.
Về sau, khi thời cơ đã chín muồi, trải qua khổ nạn, Sở Trang Vương diệt gian thần, trọng dụng và bổ nhiệm những người có tài để trị vì đất nước. Ông cũng phát triển điều có lợi cho đất nước, lại bình ổn được các nước nhỏ xung quanh, trở thành một trong năm bá chủ hùng mạnh nhất thời Xuân Thu. Những thành tựu mà Sở Trang Vương làm được đúng như lời mà ông nói: “Không bay thì thôi, một khi đã bay là lên đến trời; không hót thì thôi, một khi đã hót là làm mọi người kinh sợ”.
Trong cuộc sống có rất nhiều người đại trí đại tài nhưng thể hiện ra lại giống như ngu ngơ, kỳ thực họ là những người “đại trí giả ngu” . Họ lẳng lặng không làm gì là vì chờ đợi thời cơ chín muồi, giữ kín đáo tài trí của bản thân không cho người ta biết rõ về mình, ở vào thời điểm thích hợp sẽ làm ra những thành tựu khiến người khác phải kinh ngạc.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Chuyện xưa ngẫm lại: “Đại trí nhược ngu” là một loại cảnh giới
Mời xem video :