So sức mạnh thanh toán của 5 trong số TOP 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Năm trong số TOP 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022, theo xếp hạng VNR500, loại trừ các doanh nghiệp chưa niêm yết và hai ngân hàng là Vpbank, Techcombank, còn lại: Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty cổ phần tập đoàn Vingroup (VIC), Công ty CP đầu tư thế giới di động (MWG), Công ty CP tập đoàn Masan (MSN), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM).
Năm cái tên trong TOP 10 của bảng xếp hạng VNR500 năm nay đều là các doanh nghiệp sản xuất, thương mại lớn đứng đầu các ngành hàng như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng,.. tại Việt Nam.
Tiêu chí xếp hạng VNR500 là xét theo quy mô doanh thu, còn trong phạm vi bài viết này, sẽ tính toán khả năng thanh toán nợ trong ngắn hạn của doanh nghiệp, một tiêu chí quan trọng khi đánh giá về sức mạnh tài chính.
Đầu tiên, nói đến khả năng thanh toán, không thể không nhắc đến Tiền. Tiền là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, hay trong ngành tài chính thường gọi là tính "lỏng".
Tiền là từ tổng quát để chỉ chung các khoản mục trên bảng cân đối kế toán, bao gồm: Tiền mặt, tiền gửi NH (không kỳ hạn, có kỳ hạn còn lại trên dưới 3 tháng).
Tại cả 2 mốc thời gian là cuối quý III và đầu năm nay, Hòa Phát vẫn dẫn đầu về lượng tiền trong tài khoản ngân hàng. Vào 30/09/2022, ông lớn ngành thép này có 38.911 tỷ đồng tiền các loại.
Vingroup và Vinamilk là 2 cái tên bám sát về độ "nhiều tiền", có lượng tiền tại cuối quý III lần lượt là 28.626 tỷ đồng và 22.401 tỷ đồng.
Vingroup cũng là doanh nghiệp duy nhất mà lượng tiền gửi tại cuối quý III tăng so với đầu năm. Các doanh nghiệp còn lại, số dư tiền mặt đều giảm. Trong đó, Masan sụt giảm mạnh nhất, mức giảm lên tới 71% so với đầu năm.
Khả năng thanh toán của doanh nghiệp là năng lực về tài chính mà doanh nghiệp có được để đáp ứng nhu cầu thanh toán các khoản nợ cho các cá nhân, tổ chức cho doanh nghiệp vay hoặc nợ.
Chỉ tiêu thường được sử dụng nhất để đánh giá khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Doanh nghiệp đó là Hệ số thanh toán hiện hành. Hệ số này bằng Tổng tài sản ngắn hạn chia cho Nợ ngắn hạn.
Ý nghĩa của chỉ số này dựa trên nguyên tắc tài chính cốt lõi, tài sản dài hạn phải được bảo đảm bằng nguồn vốn trung dài hạn, do khả năng thanh khoản của tài sản dài hạn (như tài sản cố định, các khoản đầu tư có thời gian thu hồi trên 1 năm,...) không thể nhanh như tài sản lưu động (hàng tồn kho, phải thu, tiền và tương đương tiền)
Về mặt lý thuyết, hệ số này nên lớn hơn hoặc bằng 1. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp đặc thù và trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô ổn định, hệ số này dao động trên 0.8 vẫn có thể chấp nhận được.
Tại 30/09, doanh nghiệp có hệ số thanh khoản hiện hành thấp nhất là Masan, ở mức 0,58 lần. Đáng nói, hệ số này của Masan đã giảm mạnh từ 1,26 lần hồi đầu năm.
Điều đó có nghĩa là tốc độ tăng nợ ngắn hạn của công ty đang nhanh hơn tốc độ tăng tài sản ngắn hạn. Trên báo cáo tài chính quý III của Masan, nợ ngắn hạn cuối quý III đã tăng tới 84%, trong khi tài sản ngắn hạn lại giảm 15% so với hồi đầu năm.
Trong số 5 doanh nghiệp, Vinamilk là doanh nghiệp có hệ số thanh khoản hiện hành ổn định và tốt nhất. Trung bình, cứ 1 đồng nợ ngắn hạn của doanh nghiệp được bảo đảm thanh toán bởi hơn 2 đồng tài sản ngắn hạn.
Hơn thế nữa, khả năng thanh toán tức thời, được tính bằng Tiền/Nợ ngắn hạn của Vinamilk ở mức 1,32 lần cho thấy sức mạnh thanh toán của doanh nghiệp. Nó cho thấy Vinamilk thừa khả năng chỉ trả toàn bộ nợ ngắn hạn mà chưa cần bán đi hàng tồn kho hay thu hồi công nợ.