Số phận ngành kinh doanh xe xăng ở châu Âu vẫn chưa rõ ràng
Một số nước châu Âu có ngành công nghiệp ô tô phát triển đang vận động để tìm kiếm một số loại trừ trong lệnh cấm bán xe xăng mới trên toàn EU kể từ năm 2035.
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 3/3 đã quyết định hoãn bỏ phiếu phê chuẩn lệnh cấm bán các loại xe động cơ đốt trong mới trên toàn EU kể từ năm 2035. Điều này phản ánh sự bất bình ngày càng tăng trong khối 27 quốc gia đối với một trong những biện pháp trọng tâm nhằm đạt được tính trung lập về khí hậu vào giữa thế kỷ này.
Lệnh cấm được thiết kế như một quá trình chuyển đổi dần dần, và đề xuất rằng tất cả xe con và xe tải mới được bán trên thị trường EU từ năm 2035 trở đi phải giảm 100% lượng phát thải CO2, một điều khoản sẽ loại trừ hoàn toàn tất cả những loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel khỏi thị trường châu Âu.
EU đã chọn năm 2035 làm hạn chót cho quá trình chuyển đổi này vì tuổi thọ trung bình của các phương tiện là 15 năm và Thỏa thuận Xanh (Green Deal) nhằm mục đích làm cho toàn bộ nền kinh tế không phát thải CO2 vào năm 2050.
Hai cơ quan lập pháp quyền lực nhất của EU là Hội đồng Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu đã thông qua lệnh cấm, và giờ cần các Đại sứ EU bỏ phiếu lần cuối để nhất trí thông qua thành luật.
Nhưng khi thời hạn dự kiến tổ chức cuộc bỏ phiếu (vào ngày 7/3) đến gần, một số quốc gia thành viên EU đã tăng cường phản đối. Đức, Italy, Ba Lan và Bulgaria nằm trong số các nước trong những tuần gần đây đã bày tỏ lo ngại về biện pháp sâu rộng này. Cùng với nhau, 4 quốc gia trên sẽ có thể tạo ra “thiểu số ngăn chặn”, bằng cách bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống.
Đức, quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp ô tô, đang vận động để những chiếc ô tô chạy bằng nhiên liệu tổng hợp, còn được gọi là e-fuel, được loại trừ khỏi lệnh cấm năm 2035.
E-fuel là một công nghệ mới nổi có lượng phát thải carbon và khả năng thương mại gây tranh cãi. Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức Volker Wissing, người đến từ đảng FDP tự do, thân thiện với doanh nghiệp, cho biết đầu tuần này, ông đã đệ trình lên Ủy ban châu Âu (EC) một đề xuất mới nhằm giới thiệu miễn trừ cho e-fuel nhưng ông không nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào từ cơ quan điều hành của khối này.
“Trong bối cảnh đội xe khổng lồ mà chúng tôi có chỉ riêng ở Đức, FDP chỉ có thể có một sự thỏa hiệp về giới hạn đội xe nếu việc sử dụng e-fuel cũng có thể được chấp nhận”, ông Wissing cho biết.
Italy đã nhiều lần tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại lệnh cấm của EU. “Italy có quan điểm rất rõ ràng: Xe điện không thể là giải pháp duy nhất cho tương lai”, Bộ trưởng Năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết, đồng thời bổ sung rằng các phương tiện chạy bằng “nhiên liệu tái tạo” (renewable fuel) nên được coi là một lựa chọn “sạch không kém”.
Không rõ còn bao nhiêu quốc gia thành viên nữa sẽ sẵn sàng bỏ phiếu bác bỏ lệnh cấm xe xăng. Tuy nhiên, mùa hè năm ngoái, Bồ Đào Nha, Slovakia, Bulgaria và Romania đã kêu gọi trì hoãn lệnh cấm từ năm 2035 đến năm 2040, xin thêm thời gian để điều chỉnh cơ sở hạ tầng hiện có.
Do đó, Thụy Điển, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu. Một phát ngôn viên của Thụy Điển cho biết hôm 3/3 rằng các Đại sứ EU sẽ “trở lại vấn đề này trong thời gian thích hợp”, nhưng không cung cấp bất kỳ ngày cụ thể nào.
Tại Brussels, EC từ chối bình luận về việc trì hoãn bỏ phiếu và các tuyên bố của Bộ trưởng Đức, nhưng cho biết EC đang ở “chế độ lắng nghe” để hiểu những ý kiến do một số chính phủ thành viên đưa ra.
Ngành giao thông vận tải chiếm gần 1/4 lượng phát thải của EU và đã đi ngược lại xu hướng giảm lượng phát thải CO2 chung của khối này trong 3 thập kỷ qua, đe dọa cản trở các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải làm ấm hành tinh Trái đất của Liên minh châu Âu .
Minh Đức (Theo Euronews, Reuters)