Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 5: Nữ trang hoàng thái hậu Từ Dũ bị nấu chảy
Toàn bộ lô nữ trang của hoàng thái hậu Từ Dũ bị tòa xử nấu chảy thành "vàng ký". Mỗi viên báu đính kèm trên đó được hóa giá bằng... một chai bia...
Cụ Vương Hồng Sển đã tức tối khóc òa, cho rằng thà đừng có mặt trên đời để biết chuyện xé lòng.
Thầy này, Sển này, chỉ khóc cho tuổi già bất lực, không muốn sống để thấy việc trái cựa như vậy. Nhà nước thì việc lớn lo không xiết, giao mọi việc cho người, kiểu mấy ông tòa tối cao này, chỉ thấy không xa hơn chót mũi, chỉ biết ra lệnh "hóa nghiệm" rồi chia 50% cho chỗ này, 50% cho chỗ nọ, như vậy tưởng là xong việc, là hết sức công bằng, là phủi tay về ăn cơm và trửng giỡn với vợ con, là làm tròn phận sự...
Cụ VƯƠNG HỒNG SỂN
18 vật báu
Những năm 1980, Xương Thọ lăng của hoàng thái hậu Từ Dũ bị đào trộm. Thủ phạm bị bắt khi đào Tư Minh lăng của hoàng thái hậu Thánh Cung, chánh thất của Nguyễn Cảnh Tông - Đồng Khánh và là mẹ đích của Nguyễn Hoằng Tông - Khải Định.
Hồi đó, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận một bệnh nhân cấp cứu do bị bỏng nặng với tình trạng rất lạ. Lời "khai" của nạn nhân và "người thân" với bác sĩ cũng không trùng khớp, ấp úng rất đáng nghi ngờ. Công an được báo tin vào cuộc, sự vụ mới lộ diện.
Trước đó, khi vào được bên trong kim tĩnh, phá quan tài hoàng thái hậu Thánh Cung, kẻ gian đã bật quẹt làm lửa bùng lên, phụt cháy cả khu hầm. Đồng bọn đã kéo người này ra đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ không tin những dấu vết trên thân thể nạn nhân do một vụ cháy nhà nên đã báo công an. Nhờ đó, công an điều tra ra cả đường dây đào mộ "chuyên nghiệp" mà Xương Thọ lăng của hoàng thái hậu Từ Dũ là vụ nổi cộm trong đó.
Trên báo Lao Động ngày 29-4-1990, tác giả Nguyễn Đắc Xuân có bài điều tra "Vấn đề lăng mộ vua chúa Nguyễn ở Huế bị đào: Đâu rồi những báu vật?". Bài báo cho biết nhóm đào 6 tên, lấy được 18-19 món nữ trang; sau khi bị phát giác, tang vật được giao cho Ngân hàng Bình Trị Thiên "cất giữ".
Sau nhiều lần đến ngân hàng quyết xem cho bằng được lô báu vật, ông Xuân chỉ được cung cấp danh sách tang vật mà bọn tội phạm đào được trong lăng hoàng thái hậu Từ Dũ.
Bao gồm: "Một vòng xuyến kim loại màu vàng; một vòng xuyến kim loại bằng vàng ở giữa có khắc 4 chữ Hán; một vòng đeo tay kim loại màu vàng có đính 11 hạt trắng lóng lánh (có lẽ là kim cương); sáu chiếc nhẫn bằng vàng trên có đính một hạt trắng lóng lánh; ba hộp kim loại màu vàng; một miếng kim loại màu vàng trên có nhiều hạt li ti màu trắng, sau có bản lề; một vòng đeo tay kim loại màu vàng; chín mươi ba hạt kim loại màu vàng gồm ba loại hình tròn hạt cườm; một đoạn kim loại màu vàng được uốn cong, có hai nhánh nhỏ; bảy chiếc cúc cài áo kim loại màu vàng; 23 hạt bằng đá đủ màu đeo hình khuy nút; bảy mặt đá màu xanh, hình chữ nhật, trên mặt đá có hình chim phượng; ba mặt đá màu xanh hình vũm trên khắc hình con phượng; vòng đeo tay bằng đá, trong có hai vòng màu xanh, một vòng trắng. Tất cả là 18 hiện vật".
Nữ trang nấu chảy, viên báu hóa giá... 1 lon bia
Sự vụ do Công an TP Huế thụ lý và hiện vật được thu giữ ngày 18-5-1983, đưa vào ngân hàng niêm phong có sự xác nhận của đại diện của công an, viện kiểm sát và quản lý di tích...
Vụ án được Tòa án Bình Trị Thiên lúc ấy xử sơ thẩm, quyết định sung công số tài sản. Sau đó, Tòa tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, ngày 26-12-1988 đã ra quyết định: "Cải án sơ thẩm về vụ Hoàng Văn Huỳnh giữ tất cả di vật vàng bạc châu báu đăng ký gửi tại Ngân hàng Bình Trị Thiên theo phiếu gửi 785 gồm 19 khoản, có danh sách kèm theo. Nay đem vào sung công quỹ nhà nước".
Để thực hiện quyết định của Tòa tối cao, đại diện một số ban ngành của tỉnh Bình Trị Thiên lúc ấy đã tổ chức hội đồng hóa nghiệm để sung công số tài sản nói trên.
Số tài sản trên được định lượng, vàng: 13 lượng, 9 chỉ, 5 phân; bạc: 0,01kg; ngọc: 1.890 cara. Toàn bộ được đưa sang công ty vàng bạc, bán được gần 23,5 triệu đồng (đương thời giá vàng khoảng 2,3 triệu đồng/lượng). Số vòng ngọc bị rỗ, có cái bán được 4 ngàn đồng, có cái chỉ 2 ngàn, tương đương giá 1 lon bia trong khách sạn đương thời. Hóa nghiệm ở đây tức là nấu chảy.
Ông Lê Văn Ưu, cán bộ Ngân hàng Bình Trị Thiên, người quản lý số vàng bạc phạm pháp lúc ấy, còn giải thích với tác giả Nguyễn Đắc Xuân hôm 21-3-1990:
"Không phải tất cả những báu vật trên đều bị ngân hàng hóa nghiệm. Một số đã bị bọn tội phạm đem đi hóa nghiệm làm ra khâu trước, ngân hàng chỉ thu lại bằng vàng chứ không phải bằng báu vật. Hơn nữa muốn nhập vô ngân sách nhà nước trước nhất phải hóa nghiệm ra vàng rồi mới nhập được".
Như vậy, toàn bộ lô báu vật bằng vàng táng theo hoàng thái hậu Từ Dũ đào được, một số bị bọn đào trộm đưa đi nấu chảy, và một số nguyên vẹn khác bị các cơ quan nhà nước lúc ấy cho nấu chảy từ cuối năm 1988...
Khi đọc bài điều tra của Nguyễn Đắc Xuân trên báo, cụ Vương Hồng Sển, đã bật khóc trong đau đớn, viết trong hồi ký: "Đọc đến đây lòng tôi bị cảm kích quá độ, tôi khóc ngay hay là nước mắt cứ tuôn trào. Tôi nay thuật lại đây, lòng vẫn bời bời đứt đoạn...".
Sự việc "hóa nghiệm", được cụ Vương Hồng Sển "định nghĩa": "Là nấu chảy nữ trang vô giá thành vàng nguyên chất để tiện thu nạp vào kho Nhà nước, y như định lệ Nhà nước chỉ thu nhận vàng nguyên chất, có số định cara bất chấp vàng ấy là nữ trang trong Đại nội do thợ khéo đời thế kỷ 19 để lại, và những vật ấy do bọn trộm đào lấy trong lăng bà hoàng thái hậu Từ Dũ".
"Phong trào khai thác vàng" từ lăng mộ
Thảm trạng đào bới lăng mộ để đánh cắp của cải tùy táng ở Huế bắt đầu từ sau năm 1976, mà dấu mốc quan trọng nhất là việc thi công công trình thủy lợi Nam Sông Hương.
Công trình thủy lợi "dẫn nước lên núi" này khởi đầu là chân đồi Vọng Cảnh chạy dài lên vùng đồi núi phía tây nam của Huế, đi ngang qua rất nhiều đồi núi phía tây nam, nơi hàng loạt sơn lăng của các thành viên hoàng gia lẫn giới thượng lưu quyền quý triều Nguyễn.
Khi người ta đào ngang vùng đồi phía bên phải của Xương lăng - Thiệu Trị phạm phải hàng loạt lăng mộ, lộ ra hàng loạt đồ tùy táng bằng vàng bạc, những người đào cứ thế giấu giếm chia nhau. Càng đào lên vùng núi phía nam của Huế, qua vùng đồi Dương Xuân hay chân núi Thiên Thai, lăng mộ càng dày đặc và của cải lộ ra ngày càng nhiều...
Thông tin về những "kho báu hầm mộ" cứ nửa úp nửa hở lan truyền. Thế là thành "phong trào" đào trộm lăng mộ, từ lăng nhà giàu, quyền thế quan lại cho đến lăng bà chúa ông hoàng, và cả lăng vua.
Trong số những lăng mộ bị đào bới, phá hoại trong giai đoạn này, có thể kể: lăng Vĩnh Mậu của bà Tống Thị Lãnh, mẹ chúa Nguyễn Phúc Chu bị đào hôm 22-1-1990. Ba hôm sau, ngày 25-1-1990, lăng bà Tống Thị Đôi, mẹ chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn) gần đó bị đào.
Đến ngày 4-3-1990, lăng Vĩnh Thái của bà Trương Thị Dung, vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát, bà nội Nguyễn Thế tổ - Gia Long ở vùng đồi Dương Xuân bị đào bới. Đúng 1 tháng sau, tối 5-3, lăng của Định Viễn quận vương, em trai Thánh tổ Minh Mạng, cũng bị "khai quật"...
Ngoài ra, hàng loạt lăng của các vua và thành viên hoàng gia cũng bị đào phá thời ấy, đó là: Bồi lăng - lăng vua Kiến Phúc trong khu vực Khiêm lăng - Tự Đức; An lăng - vua Dục Đức; lăng Kiên Thái vương trong khu vực Tư lăng - Đồng Khánh, lăng Trường Phong của chúa Nguyễn Phúc Chu, lăng công chúa Long Thành, lăng Từ Sơn công, lăng Hàm Thuận quận công...
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế vừa mở cửa đón khách tham quan sưu tập hiện vật cổ quý được hiến tặng. Ngoài chiếc mũ quan và áo kiểu Nhật Bình thời Nguyễn đạt kỷ lục đấu giá, một chiếc bàn sứ cũng tuyệt đẹp đặc biệt thu hút người xem...
>> Kỳ tới: Báu vật hồi hương
Nhiều chiếc áo rất quý của hoàng đế, hoàng thái hậu và các bậc quan lại thời Nguyễn, thật lạ lùng, được sưu tầm từ vùng đồng bào dân tộc ven dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị, và cả trên đất Lào...