Số phận bi thảm của những con tinh tinh sau các chương trình thí nghiệm y học

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 12:23:49

Chính phủ Mỹ và các phòng thí nghiệm đã nhân giống hàng trăm con tinh tinh để nghiên cứu y học, phục vụ cho sức khỏe con người. Nhưng bây giờ, câu hỏi đặt ra: Ai sẽ trả tiền cho việc chăm sóc chúng sau khi 'về hưu'?

Những con tinh tinh thường có kết cục bi thảm sau khi tham gia hoạt động thí nghiệm - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC


Theo National Geographic , t inh tinh đã không được sử dụng trong nghiên cứu y sinh học xâm lấn (những nghiên cứu gây ra thương tích, đau đớn hoặc đau khổ) trong các phòng thí nghiệm của Mỹ kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, với những con tinh tinh phục vụ cho các chương trình nghiên cứu trước đây, giờ đây đã "về hưu", việc chăm sóc phần đời còn lại của chúng như thế nào? Điều này vẫn đang tiếp tục là câu hỏi hóc búa.


Những con vật khốn khổ


Theo kênh Nationai Geographic của Mỹ, hiện có hơn 250 con tinh tinh vẫn được lưu giữ trong các phòng thí nghiệm bởi chúng không còn chốn nương thân.

Số phận của chúng đặt ra cảnh báo về các vấn đề đạo đức và nghĩa vụ đối với động vật được sử dụng trong các nghiên cứu nhằm mang lại lợi ích cho con người.


Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã tài trợ cho việc chăm sóc suốt đời những con tinh tinh nghiên cứu trước đây của mình. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm con đang ở lại các cơ sở nghiên cứu khác không được chính phủ liên bang hỗ trợ.


Dù là vậy, đã có những báo cáo vi phạm tại nơi được NIH tài trợ, cụ thể là Coulston Foundation, một cơ sở nghiên cứu tư nhân ở Alamogordo, bang New Mexico.


Coulston đã sử dụng hơn 600 con tinh tinh để nghiên cứu độc chất học và bệnh truyền nhiễm - nhiều hơn bất kỳ tổ chức nào khác trên thế giới.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã ghi nhận nhiều vi phạm phúc lợi tại Coulston, từ nhiệt độ trong lồng tới việc chăm sóc thú y không đầy đủ, cả việc vi phạm các thủ tục y tế như thử nghiệm phẫu thuật cột sống của chúng.

USDA đã đưa ra cáo buộc về quyền lợi động vật đối với cơ sở này vì đã gây ra cái chết của một số con tinh tinh.

Trong khi đó tại phòng thí nghiệm tư nhân LEMSIP ở thành phố New York, nơi những con tinh tinh sống một mình trong lồng, một nghiên cứu cho thấy cuộc sống trong khu giam giữ vô trùng chật chội khiến tinh tinh bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Chúng có thể phát triển các hành vi bạo lực tự làm hại bản thân như nhổ tóc, đung đưa qua lại, đi lại và ăn phân của chính mình.


Ai chịu trách nhiệm?

Ngày nay, 5 cơ sở nghiên cứu y sinh trên khắp nước Mỹ đang lưu giữ những con tinh tinh từng được sử dụng cho nghiên cứu đã được NIH tài trợ một phần.

NIH đã đầu tư hàng chục triệu USD để giúp Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia Yerkes của Đại học Emory, bang Georgia, và Trung tâm Nghiên cứu Iberia của Đại học Louisiana, phát triển các chương trình nghiên cứu và nhân giống tinh tinh của họ. Tuy nhiên, NIH lại tự cho rằng mình không chịu trách nhiệm về việc chăm sóc liên tục cho 130 con tinh tinh vì nguồn tài trợ liên bang đã ngừng trước năm tài chính 2020.

Ông Ed Butler, giám đốc điều hành của tổ chức Rise for Animals, phản đối việc thử nghiệm trên động vật: "Chính phủ đã tạo ra vấn đề này bằng cách nhân giống những con tinh tinh này và sau đó quyết định rằng họ không cần chúng nữa để nghiên cứu".

Ông nói kết thúc thử nghiệm là một quyết định đúng đắn, "nhưng họ cần phải thực hiện thêm và đưa tất cả những con vật này ra ngoài cơ sở nuôi động vật và trả tiền chăm sóc chúng".

Tinh tinh là loài động vật phức tạp, thông minh, có tính xã hội cao, sống 30-40 năm trong điều kiện bị nuôi nhốt, mặc dù một số loài được biết là đã đạt đến tuổi 70.

Tinh tinh chia sẻ gần như tất cả DNA của chúng với con người, khiến chúng trở thành họ hàng gần nhất của con người trong thế giới động vật.

Lần đầu tiên các nhà động vật học quan sát được cảnh những con tinh tinh bắt côn trùng làm thuốc bôi lên vết thương của chúng.

Chia sẻ Facebook