Số nạn nhân của lỗ hổng cũ trên Microsoft Office vẫn tăng mạnh

Chia sẻ Facebook
20/08/2022 11:19:52

Nạn nhân của lỗ hổng cũ trên Microsoft Office chủ yếu là các tổ chức R&D, năng lượng, công nghiệp, công nghệ tài chính, công nghệ y tế, viễn thông, công nghệ thông tin.


Theo báo cáo của hãng bảo mật Kaspersky, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, số lượng các vụ tấn công khai thác lỗ hổng trong bộ phần mềm Microsoft Office tăng mạnh, chiếm 82% tổng số vụ khai thác trên tất cả nền tảng và phần mềm (bao gồm Adobe Flash, Android, Java…).

CVE-2021-40444 là một lỗ hổng cũ nằm trong thành phần MSHTML của trình duyệt Internet Explorer, được công bố tháng 9/2021. Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), lỗ hổng có điểm CVSS là 8,8 - tương đương mức cao. Nếu khai thác lỗ hổng thành công, kẻ tấn công có thể thực thi mã độc từ xa trên máy tính của nạn nhân.

Kaspersky nhận định, các phiên bản Microsoft Office cũ là "thư mời" hacker tấn công. Cụ thể, CVE-2018-0802 và CVE-2017-11882 dẫn đầu về số lượng nạn nhân trong cùng kỳ, lên tới gần 487.000. Chúng sẽ phát tán tài liệu nhiễm độc để làm ảnh hưởng đến bộ nhớ của Equation Editor và chạy mã độc trên máy tính nạn nhân.

Nạn nhân của lỗ hổng CVE-2017-0199 cũng tăng 59% lên hơn 60.000. Thông qua lỗ hổng, kẻ tấn công có thể kiểm soát máy tính, xem, chỉnh sửa hoặc xóa dữ liệu mà nạn nhân không hay biết.

Kaspersky dự đoán, số lượng khai thác các lỗ hổng sẽ còn tăng lên. Tội phạm sẽ soạn các văn bản độc hại và lừa nạn nhân mở chúng thông qua kỹ thuật social engineering. Sau đó, ứng dụng Office sẽ tải về và thực thi tập lệnh độc hại.

Do đó, để giữ an toàn, các chuyên gia bảo mật của Kaspersky khuyến cáo, người dùng cần phải cài đặt bản vá của nhà sản xuất và sử dụng các giải pháp bảo mật để phát hiện nếu bị khai thác, đồng thời nâng cao nhận thức của nhân viên về các nguy cơ mạng mới.


Các lỗ hổng nói trên đều nằm trong danh sách cảnh báo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Chúng được các nhóm tấn công có chủ đích (APT) lợi dụng để khai thác.

NCSC đưa ra các khuyến nghị nhằm bảo đảm an toàn thông tin cho các đơn vị, bao gồm kiểm tra, rà soát, xác minh hệ thống thông tin có khả năng bị ảnh hưởng. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường công cụ bảo vệ, công cụ giám sát, phần mềm phòng chống mã độc cho toàn bộ máy tính của người dùng như Microsoft Defender Antivirus và Microsoft Defender for Endpoint. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần duy trì việc giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng.

Chia sẻ Facebook