Số lượng trạm gốc 5G của Trung Quốc lắp đặt trong 3 tháng còn nhiều hơn Mỹ lắp đặt trong 2 năm

Chia sẻ Facebook
21/07/2023 18:42:40

VietTimes – Trong 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 6, Trung Quốc đã lắp đặt được hơn 600.000 trạm gốc 5G, trong khi từ năm 2019 đến 2021 Mỹ chỉ lắp được 100.000 trạm.

Công nhân Trung Quốc đang lắp đặt thiết bị lên một trạm gốc 5G ở Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc.
Công nhân Trung Quốc đang lắp đặt thiết bị lên một trạm gốc 5G ở Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc.


Dữ liệu mới nhất của chính phủ Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã vượt mục tiêu về lắp đặt trạm gốc 5G trước thời hạn 6 tháng, khi xây dựng được 3 triệu trạm tính đến cuối tháng 6.


Các số liệu cũng cho thấy Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ trong cuộc đua mạng di động thế hệ thứ 5, với hơn 600.000 trạm gốc mới được bổ sung chỉ trong ba tháng.


Để so sánh, Mỹ đã lắp đặt khoảng 100.000 trạm gốc 5G từ năm 2019 đến năm 2021

Hồi tháng 3 năm nay, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) của Trung Quốc đã công bố kế hoạch lắp đặt 2,9 triệu trạm gốc 5G vào cuối năm nay.


“Tính đến cuối tháng 6, số lượng trạm gốc 5G ở Trung Quốc đã lên tới 2,937 triệu, bao phủ tất cả các khu vực đô thị của các thành phố cấp quận và cấp huyện, phạm vi phủ sóng đang không ngừng mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu" - Kỹ sư trưởng kiêm người phát ngôn của MIIT - Zhao Zhiguo cho biết.

Ông Zhao và một quan chức cấp cao khác của MIIT nói rằng sự phổ biến nhanh chóng của cơ sở hạ tầng truyền thông tiên tiến đã thúc đẩy quá trình nâng cấp công nghệ của các ngành công nghiệp Trung Quốc và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.

Số lượng trạm gốc 5G xác định vùng phủ sóng và dung lượng của mạng. Điều này rất quan trọng để kích hoạt các ứng dụng và dịch vụ mới vốn yêu cầu kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp, chẳng hạn như xe tự lái, phẫu thuật từ xa và nhà máy thông minh.

Ông Zhao cho biết 3 triệu trạm 5G được kết nối với 676 triệu điện thoại di động và hơn 2,12 tỉ người dùng thiết bị IoT di động hoặc thiết bị được kết nối với internet thông qua mạng 5G – bao gồm thiết bị gia dụng thông minh, thiết bị đeo được và cảm biến công nghiệp.

Ông Zhao nói rằng việc mở rộng mạng lưới nhanh chóng, một phần là do nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. Ông nói: “Chúng tôi đã và đang tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin mới và thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập sâu rộng giữa nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế thực.

Giảm chi phí và cải tiến công nghệ cũng thúc đẩy việc mở rộng quy mô mạng nhanh chóng.

Giá trung bình của một mô-đun 5G cho ứng dụng công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm xuống dưới 400 nhân dân tệ (55,41 USD), trong khi mức tiêu thụ năng lượng của mỗi trạm gốc đã giảm hơn 20% so với giai đoạn triển khai ban đầu, theo MIIT. Trung Quốc lần đầu tiên bắt đầu triển khai các trạm 5G vào khoảng năm 2019.

Tuy nhiên, đã có những lo ngại rằng khoản đầu tư lớn của đất nước vào cơ sở hạ tầng viễn thông có thể bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trong những tháng gần đây.

Bà Tao Qing, giám đốc văn phòng điều phối và giám sát hoạt động của MIIT, nói rằng 5G thiên về sản xuất thông minh hơn là truyền phát các video ngắn.

Bà Tao cho biết một số lượng lớn các xưởng kỹ thuật số và nhà máy thông minh hỗ trợ 5G đã được xây dựng trên khắp đất nước, giúp năng suất tăng hơn một phần ba.

Bà Tao Qing nói: “Chu kỳ phát triển sản phẩm của các nhà máy đã được rút ngắn trung bình 20,7% và hiệu quả sản xuất đã tăng trung bình 34,8%".

Bà cho biết thêm tỷ lệ sản phẩm bị lỗi trung bình đã giảm hơn 27% và lượng khí thải carbon trung bình giảm hơn 1/5.

Ông Zhao chỉ ra việc tăng doanh thu cho các doanh nghiệp. “Trong nửa đầu năm, doanh thu của các mảng kinh doanh mới nổi như trung tâm dữ liệu internet, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và IoT tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dịch vụ viễn thông thêm 3,7 điểm phần trăm.”

Ông cho biết việc áp dụng và tích hợp công nghệ 5G đã lan rộng đến hơn 40 lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm công nghiệp, y tế, giáo dục và giao thông.

Tại hơn 100 thành phố và hơn 1.000 khu công nghiệp, 5G đang giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp Trung Quốc cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ trên thị trường toàn cầu, ông Zhao nói thêm.

Công nghệ này cũng đang hỗ trợ sự phát triển của các thành phố thông minh với khả năng giám sát và kiểm soát lưu lượng giao thông, mức tiêu thụ năng lượng và điều kiện môi trường theo thời gian thực, giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chia sẻ Facebook