Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản muốn giảm sản xuất ở nước ngoài cao kỷ lục
Khoảng 1 trong 10 doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch giảm quy mô sản xuất ở nước ngoài trong vòng 5 năm tới, trong bối cảnh họ ngày càng lo ngại vào rủi ro chuỗi cung ứng và chuẩn bị ứng phó cơn suy thoái tiềm ẩn của nền kinh tế toàn cầu.
Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản muốn giảm sản xuất ở nước ngoài cao kỷ lục
Khoảng 1 trong 10 doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch giảm quy mô sản xuất ở nước ngoài trong vòng 5 năm tới, trong bối cảnh họ ngày càng lo ngại vào rủi ro chuỗi cung ứng và chuẩn bị ứng phó cơn suy thoái tiềm ẩn của nền kinh tế toàn cầu.
Gần 11% trong số các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát hàng năm của Văn phòng nội các Nhật Bản dự kiến giảm tỷ trọng sản xuất bên ngoài Nhật Bản trong 5 năm tới. Đây là mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát hàng năm này bắt đầu tiến hành vào 1987. Tỷ lệ này cao hơn 7 điểm phần trăm so với một thập niên trước đó. Dữ liệu của chính phủ cho thấy, tỷ lệ vốn đầu tư ra nước ngoài hiện của các nhà sản xuất Nhật Bản hiện ở mức 25%, giảm từ mức đỉnh 29% trong giai đoạn 2013-2015. Tỷ lệ công ty Nhật Bản có kế hoạch mở rộng sản xuất ở nước ngoài cũng giảm mạnh trong 10 năm qua, giảm 23 điểm phần trăm, xuống còn 37% hiện nay.
Các nhà sản xuất thiết bị điện có nhiều khả năng cắt giảm sản xuất ở nước ngoài cao nhất với 21% cho biết họ có ý định như vậy trong 5 năm tới, tiếp theo là dệt may (15%), thủy tinh và gốm sứ (14%).
Cho đến gần đây, hoạt động gia công ở nước ngoài đạt được nhiều thành công khi các nhà sản xuất Nhật Bản tìm cách giảm chi phí hoặc chuyển hoạt động sản xuất đến gần khách hàng hơn. Nhưng khi đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine làm gia tăng rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đang ưu tiên xây dựng các mạng lưới linh hoạt hơn.
Căng thẳng Mỹ-Trung cũng là một trong những rủi ro mà doanh nghiệp Nhật Bản đang giám sát chặt chẽ khi đưa ra các quyết định về sản xuất ở nước ngoài.
Nhà sản xuất máy móc công nghiệp Yaskawa Electric có kế hoạch thành lập một nhà máy mới tại Nhật Bản vào đầu năm 2027 để sản xuất các bộ phận tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị gia dụng. Quyết định này nhằm giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
Nhà sản xuất máy điều hòa không khí Daikin Industries sẽ sắp xếp lại mạng lưới cung ứng trong năm tài chính hiện tại để đảm bảo vẫn có thể sản xuất ngay cả khi mất khả năng tiếp cận các linh kiện sản xuất ở Trung Quốc. Công ty có kế hoạch sản xuất tại Nhật Bản hoặc tìm nguồn cung ứng từ nhiều địa điểm ở các khu vực như Đông Nam Á.
Những doanh nghiệp khác đang tìm cách ứng phó sự bất ổn rộng lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu. Trong tháng 3, chỉ số niềm tin của các công ty sản xuất lớn của Nhật Bản giảm tháng thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Mitsubishi Chemical Group, nhà cung cấp nhựa nhiệt dẻo trong suốt metyl metacryit hàng đầu thế giới, sẽ sớm chấm dứt sản xuất nguyên liệu acrylic tại các cơ sở ở Anh. Nhựa làm bằng metyl metacryit được sử dụng trong các sản phẩm như ô tô.
Giá năng lượng châu Âu liên tục ở mức cao kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và tăng trưởng kinh tế chậm lại đã làm suy yếu nhu cầu metyl metacryit. Mitsubishi Chemical sẽ sử dụng các trung tâm sản xuất ở Saudi Arabia và các nơi khác để xuất khẩu hóa chất sang châu Âu.
Các biện pháp ứng phó gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ Covid-19 ở Trung Quốc và Đông Nam Á khiến hoạt động của nhà sản xuất Nhật Bản bị đình trệ trong năm 2021 và 2022. Các hạn chế thương mại liên quan đến công nghệ bán dẫn của Mỹ và Nhật Bản cũng gây ra rủi ro khác đối với sản lượng của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài.
Tuy nhiên, xây dựng năng lực sản xuất tại Nhật Bản sẽ là một bước đi mạo hiểm do thị trường lao động trong nước đang bị thu hẹp khi dân số ngày càng giảm. Nhật Bản ước tính thiếu hụt 3,41 triệu lao động vào năm 2030, theo Viện nghiên cứu Recruit Works, có trụ sở ở Tokyo. Vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản có thể phải tăng đầu tư vào tự động hóa và các đổi mới nâng cao năng suất khác nếu muốn sản xuất trong nước.
Khánh Lan (Theo Nikkei Asia)
TBKTSG