Số liệu gây sốc: Mỗi phút, thế giới mất đi lượng rừng nhiệt đới tương đương 10 sân bóng đá

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 12:16:52

Một phân tích mới được công bố hôm thứ Năm cho thấy thế giới mất đi rừng nhiệt đới vào năm 2021 với tốc độ cứ một phút lại mất khoảng diện tích tương đương 10 sân bóng đá.

Nạn phá rừng nhiệt đới gây ra hơn 7% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu, tương đương với toàn bộ dân số Ấn Độ.

Năm ngoái, diện tích rừng nhiệt đới bị mất đi trên toàn cầu là 3,8 triệu ha (tương đương 14.286 dặm vuông), theo dữ liệu về tình trạng mất cây cối năm 2021 của Đại học Maryland do Tổ chức Giám sát Rừng toàn cầu của Viện Tài nguyên Thế giới công bố. Đó là mức giảm 11% so với năm 2020, sau khi tăng 12% vào năm 2019. Lửa là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự thay đổi nguy hiểm này mỗi năm.

Nạn phá rừng liên quan đến nông nghiệp tiếp tục gia tăng. Brazil, nơi có nhiều rừng nhiệt đới hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đã mất 1,5 triệu ha. Con số này chiếm 40% tổng diện tích toàn cầu và lớn gấp ba lần so với Cộng hòa Dân chủ Congo. Bên cạnh phần rừng mất đi do hỏa hoạn gây ra, tỷ lệ mất rừng không do cháy ở Brazil tăng 9% trong năm ngoái, lên mức cao nhất ở Amazon kể từ năm 2006.

Các nhà khoa học đã ghi nhận những lo ngại rằng Amazon đang tiến đến một điểm tới hạn, khi khí hậu thay đổi sẽ chuyển khu vực này sang các hệ sinh thái giống xavan. Hơn 140 quốc gia tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow năm ngoái đã đồng ý ngăn chặn tình trạng mất rừng vào năm 2030.

Indonesia, quốc gia có số lượng rừng nhiệt đới lớn thứ ba, đã kéo dài chuỗi giảm mất rừng đến năm thứ 5, với tỷ lệ mất rừng năm ngoái giảm 25%, thấp hơn so với năm 2020. Xu hướng này là sự báo hiệu tốt cho các cam kết về khí hậu của quốc gia này, được cập nhật trong năm 2021. Indonesia nói rằng lượng khí thải từ lâm nghiệp sẽ giảm đến năm 2030.

Bolivia có tỷ lệ mất rừng cao thứ ba vào năm ngoái, với khoảng một phần ba trong số 291.000 ha bị cháy. Đây là một hiện tượng đang trở nên tồi tệ hơn do thời tiết khô nóng do biến đổi khí hậu gây ra.

Các khu rừng phía Bắc cũng chứng kiến hàng loạt cây cối bị mất đi hàng năm do ngành lâm nghiệp và do cháy rừng. Không giống như các khu rừng nhiệt đới, rừng phía bắc có xu hướng phát triển trở lại.


Theo Minh Phương

Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ Facebook