Số kiến trên địa cầu nhiều gấp vài triệu lần số người

Chia sẻ Facebook
24/09/2022 23:06:09

"Sức nặng" của toàn thể loài kiến trên địa cầu còn lớn hơn tổng khối lượng các loài chim hoang dã và động vật có vú cộng lại.

Gần đây, các nhà khoa học đã đưa ra ước tính mới về số kiến tồn tại trên toàn bộ hành tinh xanh: Tổng số được đưa ra là 20 triệu tỷ (20.000.000.000.000.000)- có tới 15 số 0 sau số 20.

Để tiện bề so sánh, ước tính cả dải Ngân Hà chỉ có khoảng 100 tỷ hành tinh. Với mỗi người tồn tại trên Trái Đất, có tương ứng 2,5 triệu con kiến.

Con số khổng lồ đó thực sự quá khó tưởng tượng, kể cả đối với các nhà khoa học, theo nhà nghiên cứu Patrick Schultheiss của Đại học Würzburg tại Đức.

Nhưng làm sao họ tìm ra được con số đúng nghĩa "hằng hà sa số" này? Tất nhiên không phải bằng cách đếm hay bắt từng chú kiến điểm danh. Các nhà khoa học đã phân tích tới 489 nghiên cứu khảo sát "dân số" kiến trên toàn thế giới.

Số tài liệu này đến từ ít nhất 7 ngôn ngữ khác nhau và bao gồm nhiều dạng môi trường sinh thái phong phú, từ rừng rậm nhiệt đới đến sa mạc, đồng cỏ hay đô thị.

Tập dữ liệu toàn diện của nghiên cứu kéo dài 80 năm và có thể dùng dự đoán các cộng đồng hoặc môi trường trong tương lai sẽ như thế nào. Ví dụ, nhóm nghiên cứu ước tính số lượng kiến sống trên mặt đất, dày đặc ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, chẳng hạn như rừng Nam Mỹ, là khoảng 3 triệu tỷ.

Đồng tác giả Mark Wong, nhà sinh thái học tại Đại học Tây Úc, cho biết: "Chúng tôi ước tính thêm rằng kiến trên thế giới tạo thành khoảng 12 triệu tấn cacbon khô. Thật ấn tượng, con số này vượt quá sinh khối của tất cả các loài chim và động vật có vú hoang dã trên thế giới cộng lại".

Nếu so với sinh khối của gần 8 tỷ người trên Trái Đất, tổng số kiến "nặng" bằng 20% khối lượng toàn bộ loài người.

Kiến đóng một số vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng hệ sinh thái của chúng ta, bao gồm làm thoáng khí cho đất, phân tán hạt giống, phân hủy vật chất hữu cơ và phục vụ như một nguồn thức ăn. Giống như con người, loài côn trùng này đã lan rộng đến hầu hết các lục địa trên Trái đất.

"Kiến là loài côn trùng thống trị", nhà nghiên cứu kiến nổi tiếng, E.O. Wilson nói với tờ Esquire's Tom Junod trong một cuộc phỏng vấn năm 2008. "Mỗi loài là duy nhất về giải phẫu, hành vi xã hội, lịch sử của chúng. Bất kể tôi đi đâu - ngoại trừ có thể là Nam Cực hay Bắc Cực - cho dù văn hóa loài người có khác biệt đến đâu, bất kể môi trường tự nhiên khác nhau thế nào, vẫn có kiến".

Nghiên cứu mới cho thấy kiến phân bố không đồng đều trên toàn cầu, khi chúng tập trung đông hơn trong rừng và các vùng khô cằn, ít hơn trong môi trường sống do con người tạo ra. Theo các tác giả viết trên The Conversation, số lượng của chúng thường đạt cao nhất ở các vùng nhiệt đới, nhấn mạnh "tầm quan trọng của các vùng nhiệt đới trong việc duy trì các quần thể kiến khỏe mạnh".

Mặc dù 20 triệu tỷ con kiến nghe có vẻ giống như một con số cao ngất ngưởng, nhưng ước tính này có khi còn là thấp, theo The Conversation. Hầu hết các nghiên cứu được phân tích chỉ quan sát kiến được lấy mẫu từ tầng mặt đất, bỏ qua kiến trên cây và dưới lòng đất.

Con số tổng thể ước tính gần như không thể tưởng tượng được. Ví dụ, nhiều loài kiến sống dưới lòng đất, nhưng không có nghiên cứu nào có thể cung cấp con số về số lượng. Có những loài kiến ở rất xa phía bắc và rất xa phía nam, như vùng cận Bắc Cực, nhưng không có đủ nghiên cứu về loài kiến ở những khu vực đó để đưa ra một ước tính toán học.

Theo nhóm, các "nhà khoa học cộng đồng" có thể lấp đầy những khoảng trống này. Ngay cả học sinh có thể đóng góp vào bộ dữ liệu một cách có tác động bằng cách chỉ cần thu thập lá rơi, đuổi hết kiến ra ngoài và đếm xem có bao nhiêu con.

Nhưng bất chấp điều đó, Wong nói với CNET rằng nghiên cứu này cung cấp một cơ sở quan trọng, giúp các nhà khoa học hiểu được số lượng kiến đang phản ứng như thế nào với sự thay đổi môi trường, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học còn nhấn mạnh rằng những thay đổi trong nông nghiệp hoặc cách khai thác rừng có thể ảnh hưởng đến số lượng kiến.

Số lượng côn trùng gần đây đã giảm mạnh trên toàn cầu. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy 40% tất cả các loài côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong khi một dự án khoa học cộng đồng được công bố vào tháng 5 cho thấy côn trùng bay của Vương quốc Anh đã giảm gần 60% kể từ năm 2004.

Biến đổi khí hậu, việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, xâm lấn các loài, sự phá hủy môi trường sống và sự phân mảnh quần thể đều có thể đóng một vai trò trong sự suy giảm này.

Trong nghiên cứu tương lai, nhóm nghiên cứu muốn xem quần thể kiến đã thay đổi như thế nào theo thời gian. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu số lượng kiến có đang giảm hay không, tờ Post đưa tin.

Chia sẻ Facebook