Sở hữu thứ cả châu Âu thèm khát, quốc gia này đã giàu càng thêm giàu nhờ một quyết định không giống ai
Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, thế giới nghi ngờ về quyết định mở rộng xuất khẩu khí đốt của Qatar. Giờ đây, khi cả châu Âu thèm khát nguồn cung khí đốt mới để tránh phụ thuộc vào Nga, Qatar chính là "ông bạn vàng" ai cũng muốn tiếp đón. Đi kèm với đó, tất nhiên, là rất nhiều tiền sẽ chảy vào ngân khố của quốc gia này.
Khi máy bay hạ cánh xuống Doha, hành khách có thể nhìn xuống sân vận động 80.000 chỗ ngồi mới mọc lên từ sa mạc – nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup vào tháng 12. Họ cũng có thể bắt gặp một cảnh tượng nổi bật khác: các tàu chở dầu xếp hàng dài trong Vịnh Ba Tư để hút khí tự nhiên siêu lạnh.
Bóng đá và loại nhiên liệu này có rất ít điểm chung, nhưng chúng đang kết hợp với nhau để mang lại cho Qatar tầm ảnh hưởng vượt bậc trên toàn cầu.
Giá dầu tăng cao do xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông như Ả Rập Xê út và Kuwait nhưng lợi thế về tài chính và địa chính trị giúp Qatar trở thành người thắng cuộc trong cuộc xung đột này.
Một số quan chức cao cấp của Liên minh châu Âu đã bay đến Doha trong những tuần gần đây, tất cả đều mang một thông điệp rõ ràng: chúng tôi cần khí đốt của bạn càng nhanh càng tốt. Đức đã yêu cầu các doanh nghiệp bắt đầu đàm phán các hợp đồng cung ứng. Tình trạng trở nên khẩn cấp hơn trong tuần này sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Theo tính toán của Bloomberg, xuất khẩu năng lượng của Qatar lần đầu đạt 100 tỷ USD trong năm nay, kể từ năm 2014. Điều này cho phép họ chi nhiều tiền hơn nữa cho thị trường chứng khoán toàn cầu và theo đuổi các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của mình, chủ yếu thông qua quỹ tài sản quốc gia trị giá 450 tỷ USD. Trong khi đó, chính phủ Qatar dự kiến thúc đẩy nền kinh tế thêm 20 tỷ USD từ việc tổ chức World Cup.
Sự thèm khát của châu Âu đối với khí tự nhiên hoá lỏng, hay LNG bắt đầu từ khi nước này khơi nguồn dự án trị giá 30 tỷ USD để thúc đẩy xuất khẩu vào năm 2027. Nhu cầu tăng thêm đồng nghĩa với việc cạnh tranh giữa những người mua với các hợp đồng dài hạn sẽ mang đến cho Qatar các điều khoản tốt hơn.
Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, nhiều nhà phân tích tỏ ra nghi ngại về kế hoạch mở rộng xuất khẩu của Qatar. Giờ đây, họ thậm chí đang "đánh tiếng" với các khách hàng về một kế hoạch thậm chí còn lớn hơn nữa.
"Đó là một cơ hội đáng kinh ngạc. Qatar sẽ là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt quan trọng nhất", Keren Young – thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông ở Washington cho biết.
Câu hỏi đặt ra thời điểm này là Qatar sẽ làm gì với số tiền kiếm được từ LNG. Hồ sơ theo dõi cho thấy họ không chỉ đổ tiền vào thị trường chứng khoán mà còn đẩy mạnh các nỗ lực đối ngoại.
Phần lớn số tiền sẽ được "rót" vào một quỹ đầu tư, vốn đã là nhà đầu tư lớn của các công ty từ Barclays Plc đến Volkswagen AG cũng như bất động sản tại New York, London cũng như mua cổ phiếu các hãng công nghệ.
Tầm quan trọng của Qatar với nguồn cung cấp khí đốt thế giới là điều không thể phủ nhận. Trữ lượng khí đốt của họ chủ yếu nằm ở North Field – một vùng biển khổng lồ mở rộng đến vùng biển Iran mà Shell Plc đã phát hiện ra vào năm 1971. Tuy nhiên, công ty này đã từ bỏ nó vì khí đốt có rất ít giá trị, đặc biệt nếu nó ở quá xa để có thể chuyển đến các thị trường lớn.
Vào những năm 1990, tình hình tài chính của Qatar rơi vào tình trạng căng thẳng do sản lượng và giá dầu của nước này giảm mạnh. Abdullah Bin Hamad Al Attiyah, bộ trưởng năng lượng thời điểm đó, tin rằng khí đốt chính là tương lai.
Tiêu thụ ngày càng tăng và các kỹ sư đã tìm cách giảm chi phí sản xuất LNG, nhờ đó nhiên liệu được nén và làm lạnh ở mức -161 độ C, cho phép vận chuyển khắp thế giới. Đến năm 2012, quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới nhờ nhu cầu ở Nhật Bản và Đài Loan. Trong khi đó, thị trường châu Âu khó tiếp cận hơn vì mối quan hệ với Nga.
"Vào năm 1997, 1998, tôi đã đến Đức, gặp các quan chức Đức và thảo luận về việc liệu Qatar có thể trở thành nhà cung cấp khí đốt hay không", Al Attiyah nói trong một cuộc phỏng vấn. "Họ trả lời: ‘Ồ, chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi cần LNG của các ông vì chúng tôi nhận khí đốt từ Nga thông qua đường ống với giá rẻ’".
Lập luận của ông Al Attiyah rằng mọi thị trường đều cần nhiều nhà cung cấp cuối cùng đã đúng khi Nga tiến quân vào Ukraine. EU đã áp đặc các hình phạt thương mại và kinh doanh mạnh mẽ trong nỗ lực cô lập Nga, nhưng đến nay họ vẫn phải loại trừ dầu và khí đốt.
Hiện tại, Qatar rõ ràng không sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của châu Âu – khu vực nhập 40% khí đốt từ Nga. Công ty nhà nước Qatar Energy đã bơm hết công suất và hơn 80% công suất của họ đến châu Á. Hầu hét trong đó được bán theo hợp đồng dài hạn mà Doha nói rằng sẽ không huỷ bỏ để cung cấp cho châu Âu.
Tuy nhiên, tiềm năng trong tương lai là rõ ràng. Morgan Stanley dự kiến sự xoay trục của châu Âu với mong muốn thoát phụ thuộc vào năng lượng của Nga có thể thúc đẩy mức tiêu thụ LNG toàn cầu tăng 60% vào năm 2030.
Goldman Sachs dự đoán giá khí đốt giao ngay ở châu Á và châu Âu sẽ tăng lên 25 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh, ít nhất trong năm 2023. Mức giá này cao hơn 6 lần so với giá hoà vốn cho các dự án mở rộng của Qatar.
EU đã bắt đầu một chiến lược đa hướng để tiếp nhận thêm nhiều LNG và khí đốt từ bên ngoài Nga. Đức đã cam kết xây dựng các bến cảng đầu tiên để nhập khẩu LNG. Các quốc gia như Estonia cũng đang xem xét các cơ sở dịch vụ mới.
"Cuộc chiến Nga – Ukraine và sự không chắc chắn về nguồn cung khí đốt cho châu Âu là bước ngoặt thay đổi cuộc chơi đối với Qatar", Elan Habib – Giám đốc Trung Đông tại công ty phân tích hàng hoá ICIS kết luận.