Sở hữu chéo ngân hàng: Phải chấm dứt chứ không chỉ hạn chế

Chia sẻ Facebook
10/06/2023 15:08:06

Các ý kiến góp ý đều cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đáng lo ngại, cần phải chấm dứt thay vì hạn chế.

Chiều 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một trong số 9 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.


Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai ) nhấn mạnh lĩnh vực tín dụng đóng vai trò rất quan trọng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực, nên việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết, nhất là vào thời điểm hiện nay.


Ông An nêu rõ, trong các phiên giải trình, chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thường xuyên nhắc tới việc phòng ngừa rủi ro, dự thảo luật cũng có nhiều quy định để phòng ngừa các rủi ro cho hệ thống ngân hàng.


“Đây là nội dung rất quan trọng, được quy định cụ thể ở Luật Các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ban hành nhiều thông tư về nội dung này, các thiết kế trong dự thảo cũng góp phần đề phòng rủi ro cho các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cụ thể”, ông An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Ảnh: Quochoi.vn).

Tuy nhiên, vị đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung đề phòng rủi ro cho hệ thống. Từ sự kiện của ngân hàng SCB hay trên thế giới vừa qua, đại biểu cho rằng cần thiết kế thêm các quy định đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, để khi xảy ra sự cố thì hệ thống có thể chống đỡ hiệu quả.

Đáng chú ý, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng.

“Vấn đề đặt ra không phải là hạn chế, mà cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng. Đây là vấn đề rất khó khăn, những quy định trong điều 55, điều 127 trong dự thảo chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo”, vị đại biểu chỉ ra và cho rằng, các giải pháp trong dự thảo luật còn thụ động, chưa hiệu quả.

Nhấn mạnh việc chấm dứt sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng, để giải quyết hiệu quả hơn nữa vấn đề này.

Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỉ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung nghiên cứu hai vấn đề. Một là, bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hai là phải cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Trước đó, khi tham gia góp ý thảo luận tại tổ về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 5/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, Luật Các tổ chức tín dụng giống như một bộ luật để tất cả hành xử của các tổ chức tín dụng đều phải dựa vào luật này.

Theo đó, những đóng góp của ngành ngân hàng thời gian vừa qua là rất lớn, tuy nhiên, thực tế đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng.


"Nghị quyết của Trung ương lần này nói là chấm dứt sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ .

Chia sẻ Facebook