Sổ hộ khẩu giấy sắp bị 'khai tử', 4 bước tra cứu mã số hộ khẩu online nhanh nhất
Dưới đây là 4 bước để mọi người tra cứu mã số sổ hộ khẩu online một cách nhanh chóng nhất:
Mã số sổ hộ khẩu là gì?
Mã số sổ hộ khẩu là dãy số được cơ quan địa phương cấp cho mỗi hộ gia đình, được dùng để kê khai nhân khẩu trong gia đình của mình. Đây là một mã số khá quan trọng trong việc làm nhiều giấy tờ quan trọng, trong đó có BHXH.
Bước 1: Truy cập Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam
(https://baohiemxahoi.gov.vn/Pages/default.aspx), lựa chọn tra cứu trực tuyến.
Bước 2: Ở cột Tra cứu trực tuyến, chọn tra cứu mã số BHXH.
Bước 3: Nhập thông tin (những mục có dấu * bắt buộc phải điền, không được bỏ trống).
Sau khi nhập xong đầy đủ thông tin, chọn xác nhận "Tôi không phải là người máy" và chọn những hình ảnh tương ứng với yêu cầu. Khi làm xong hết tất cả yêu cầu, được xác nhận thì bấm tra cứu.
Bước 4: Nhận thông tin kết quả gồm: Mã số bảo hiểm xã hội, họ tên, giới tính, ngày sinh, mã hộ gia đình, địa chỉ và trạng thái.
Mã hộ gia đình ở đây có thể được sử dụng để khai báo khi cần thiết nếu đã bị thu hồi sổ hộ khẩu hoặc không mang theo sổ hộ khẩu để xem mã số sổ hộ khẩu.
Các cách chứng minh cư trú khác
Khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng, công dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cư trú (Công an) cấp Giấy xác nhận thông tin sử dụng để chứng minh thông tin khi cần dùng đến.
Điều 17, Thông tư 55/2021 của Bộ Công an chỉ ra hai cách để công dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú:
Cách 1: Gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Cách 2: Đến trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước (không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân) để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú.
Giấy xác nhận thông tin về cư trú có các nội dung như: Thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú. Giấy này có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú (nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú) xác nhận về việc khai báo cư trú và có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp đối với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.
Trường hợp thông tin về cư trú của công dân có sự thay đổi, điều chỉnh và được cập nhật trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì Giấy xác nhận thông tin về cư trú hết giá trị kể từ thời điểm thay đổi. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm xác nhận thông tin về cư trú dưới hình thức văn bản (có chữ ký và đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) hoặc văn bản điện tử (có chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) theo yêu cầu của công dân.
Mặt khác, thẻ CCCD gắn chip hiện nay cũng đã tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân, bao gồm cả thông tin về cư trú. Do đó, sắp tới khi việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ban, nhành, cơ quan, tổ chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện thì người dân hoàn toàn có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip để chứng minh các nội dung liên quan đến thông tin cư trú của mình.
Thời điểm nào thì Sổ hộ khẩu bản giấy hết giá trị sử dụng?
Theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú 2020 về điều khoản thi hành có đề cập:
"Điều 38. Điều khoản thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
2. Luật Cư trú số 81/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
4. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính."
Như vậy, kể từ ngày 01/07/2021, Sổ hộ khẩu đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Bắt đầu từ ngày 01/01/2023, tất cả mọi Sổ hộ khẩu đều hết giá trị sử dụng.
Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ thay thế Sổ hộ khẩu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú
Bước sang năm 2023, công tác quản lý nhà nước về cư trú sẽ sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an thống nhất quản lý để thay thế cho Sổ hộ khẩu bản giấy của trước đây. Cơ sở dữ liệu về cư trú liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể theo quy định tại Điều 36 Luật Cư trú 2020 như sau:
"Điều 36. Cơ sở dữ liệu về cư trú
1. Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú, là tài sản quốc gia do Bộ Công an thống nhất quản lý.
2. Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin.
3. Việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng dữ liệu về cư trú phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về cư trú đầy đủ, nhanh chóng, chính xác; bảo đảm an toàn dữ liệu theo đúng nguyên tắc, định dạng hệ cơ sở dữ liệu;
b) Bảo đảm an toàn các thiết bị lưu trữ thông tin, tài liệu về cư trú;
c) Bảo vệ an ninh mạng, an ninh thông tin về cư trú trên mạng máy tính; bảo đảm an toàn thông tin, tài liệu lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; phòng, chống các hành vi tấn công, xâm nhập, đánh cắp thông tin, phá hoại hoặc làm hư hỏng dữ liệu về cư trú;
d) Mọi sự truy nhập đến Cơ sở dữ liệu về cư trú để thay đổi thông tin về cư trú của công dân phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú hoặc cơ quan khác có thẩm quyền;
đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, trao đổi, sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Làm sao để chứng minh nơi cư trú khi không còn Sổ hộ khẩu bản giấy?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 62/2021/NĐ-CP về việc kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú như sau:
"Điều 13. Kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú1. Cơ sở dữ liệu về cư trú được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân. Căn cứ theo số định danh cá nhân của công dân, các thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú được chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm:
a) Nơi thường trú;
b) Nơi tạm trú;
c) Tình trạng khai báo tạm vắng;
d) Nơi ở hiện tại;
đ) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình;
e) Quan hệ với chủ hộ."
Như vậy, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú đi vào hoạt động và được kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng chung với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú.
Đồng thời, việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ được bảo đảm an toàn theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 62/2021/NĐ-CP như sau:
"Điều 14. Sử dụng, sao lưu, phục hồi dữ liệu về cư trú1. Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin về cư trú của công dân để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc giải quyết thủ tục hành chính."
Lưu ý: Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo; Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc.