Sở GTVT TP.HCM thông tin về 300 chuyến xe rời bỏ bến xe Miền Đông mới: Một nửa qua "xe dù, bến cóc"

Chia sẻ Facebook
29/10/2022 10:06:25

Sau 2 tuần hoạt động hết công suất, cơ quan chức năng ghi nhận có gần 300 chuyến xe rời bỏ bến xe Miền Đông mới mỗi ngày. Trong đó một nửa đã qua bến xe khác, số còn lại hoạt động theo kiểu “xe dù, bến cóc”.

Chiều ngày 28/10, thông tin với báo chí về tình hình hoạt động của bến xe Miền Đông mới sau 2 tuần di dời thêm 79 tuyến xe từ bến cũ, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thời gian đầu việc di dời có khó khăn do một số doanh nghiệp vận tải hưởng ứng nhưng quá trình thực hiện chưa tốt, chưa đúng quy định.

Cụ thể khi so sánh giữa việc di dời ra bến xe Miền Đông mới với thời điểm còn hoạt động tại bến cũ thì giảm gần 300 chuyến xe.

"Như ngày hôm qua 27/10 giảm 286 xe. Các chuyến xe này đi đâu, làm gì? Vừa qua tôi có nhận được thông tin này nhưng thực tế không phải mất tích", ông Hưng nói.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, qua thống kê có 160 chuyến/ngày không vào bến mới mà chuyển sang một số bến xe khác như An Sương, Miền Tây, Ngã Tư Ga... Những tuyến xe này đã làm đúng quy định vì đã nằm trong danh mục đăng ký tuyến.

Nếu như chưa có trong danh mục đăng ký tuyến, hãng xe mới đăng ký, Sở sẽ tạm dừng, chưa xem xét vì việc này có thể ảnh hưởng đến tổ chức giao thông làm giảm hiệu quả khai thác ở bến xe Miền Đông mới.

Sau khi ghi nhận tình hình, Sở GTVT cũng đã yêu cầu Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới) chỉ đạo, sắp xếp, điều tiết hài hòa hoạt động giữa các bến xe nhằm giảm khó khăn cho hành khách, không ảnh hưởng tới tổ chức giao thông cũng như không ảnh hưởng tới hoạt động của bến xe Miền Đông mới.

Gần 300 chuyến xe đã rời bỏ bến xe Miền Đông mới khiến bến xe này hoạt động chưa hiệu quả sau 2 tuần di dời thêm 79 tuyến xe từ bến cũ

Còn đối với 140 chuyến xe khách còn lại, ông Hưng cho rằng có thể phương tiện này chạy sai quy định hoặc có thể đã chuyển sang loại hình kinh doanh hợp đồng.

"Một số nhà xe không chấp hành di dời, thực hiện sai quy định khi không vào bến mà đến tập kết tại một số địa điểm đón bắt khách. Các điểm đó, Sở cùng các lực lượng chức năng đã nhận diện ra. Trong đó, khu vực gần bến xe Miền Đông cũ như số nhà 397 Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh), cây xăng dọc quốc lộ 13, điểm gần cầu Sài Gòn, địa điểm ngã tư Bình Phước, một số khu vực quận 12… Tôi khẳng định rằng xe không vào bến đi vào các điểm này là sai quy định kinh doanh vận tải", ông Hưng nói.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, việc di dời xe khách liên tỉnh ra bến xe Miền Đông mới thì”'xe dù, bến cóc” càng tăng, càng phát triển hơn.

Trước sự việc trên, Sở đã chỉ đạo Thanh tra giao thông bố trí 3 đội Thanh tra túc trực trên các cung đường ra và vào bến xe cũ và mới như đường Điện Biên Phủ, khu vực Quốc lộ 13, Khu vực Suối Tiên để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Nếu phát hiện, Sở sẽ xem xét không cấp giấy phép kinh doanh vận tải và đề nghị thanh tra xử phạt nguội qua camera.

Một "bến cóc" hoạt động tại phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết sẽ trình UBND TP đề án cấm xe khách vào trung tâm TP vào quý 4/2022; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý điểm đón trả khách sai quy định, đặc biệt chú ý vào các điểm đón trả khách ở cây xăng. Nếu địa phương nào làm không tốt, Sở sẽ đánh giá rằng địa phương đó không đảm bảo an toàn giao thông.

Chia sẻ Facebook