So găng "sổ đỏ" của Thế giới di động, Digiworld và FPT Retail: Doanh nghiệp nào nhiều nhà đất nhất?
"Nhiều" ở đây là xét về mặt giá trị tại cùng một thời điểm được phản ánh trên BCTC quý gần nhất của ba doanh nghiệp. Theo đó, Thế giới di động dẫn đầu về quy mô tổng tài sản nhưng lại có giá trị quyền sử dụng đất thấp nhất.
Thế giới di động dẫn đầu về quy mô tổng tài sản
Hiện tại, công ty cổ phần thế giới di động (MWG) dẫn đầu về quy mô tổng tài sản và có khoảng cách khá xa so với Công ty cổ phần thế giới số (DGW) và Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT).
Điều này cũng phù hợp với sự mở rộng không ngừng về cả chiều sâu và chiều rộng của Thế giới di động trong những năm gần đây.
MWG hiện có tới 11 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực thương mại sản phẩm điện tử, thương mại thực phẩm, hàng tiêu dùng, logistic, nông nghiệp, dược phẩm. Ngoài các doanh nghiệp tại Việt Nam, có 1 công ty con của MWG đặt tại thủ đô Phnôm Pênh - Camphuchia.
Trong 3 doanh nghiệp, Thế giới di động MWG cũng là doanh nghiệp sở hữu nhiều cửa hàng nhất. Tính đến hết năm 2021, số lượng cửa hàng bán lẻ thiết bị công nghệ và điện tử tiêu dùng, bán lẻ thực phẩm tươi sống và tiêu dùng nhanh, và chuỗi nhà thuốc mà MWG sở hữu là 5.306 cửa hàng. Trung bình mỗi năm, MWG tăng thêm 800 cửa hàng trong giai đoạn từ 2017-2021.
Một điểm đáng chú ý là so với thời điểm đầu năm thì đến cuối quý 3, tổng tài sản của MWG và FRT đều giảm nhẹ, lần lượt giảm 3% và 8%. Duy chỉ DGW có quy mô tổng tài sản tăng nhẹ 1% so với đầu năm.
Cơ cấu tài sản phù hợp đặc thù kinh doanh của các doanh nghiệp
Với MWG và FRT đặc thù kinh doanh là bán lẻ nên tỷ lệ các khoản phải thu khách hàng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản. Ngược lại, DGW chủ yếu bán buôn nên tỷ trọng các khoản phải thu khách hàng chiếm tới 32,5% tổng giá trị tài sản.
Cả MWG và FRT đều là khách hàng của DGW và kết thúc quý III/2022, tổng số phải thu của DGW với 2 khách hàng này lên tới 828 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị các khoản phải thu khách hàng và tăng 16% so với thời điểm đầu năm.
Về cơ cấu hàng tồn kho, không có sự chênh lệch quá lớn giữa ba doanh nghiệp. Nếu hàng tồn kho của FRT chiếm 55% tổng tài sản thì tỷ lệ này ở MWG và DGW lần lượt là 47% và 41%.
Doanh nghiệp nào nhiều nhà đất văn phòng nhất?
Nhà đất, văn phòng là những tài sản cố định của doanh nghiệp được tách riêng phần giá trị quyền sử dụng đất và giá trị nhà cửa, vật kiến trúc.
Trong đó, quyền sử dụng đất được ghi nhận là tài sản cố định vô hình khi công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ). Quyền sử dụng đất có thời gian sử dụng vô hạn thì không tính khấu hao.
Quyền sử dụng đất được phản ánh trên BCTC của 3 doanh nghiệp gần như toàn bộ đều không tính khấu hao, hay nói cách khác có thời hạn sử dụng vô hạn.
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 45/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 147/2016/TT-BTC) căn cứ vào mục đích sử dụng của tài sản cố định, nhà cửa, vật kiến trúc là một trong số những tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp.
Nhà cửa, vật kiến trúc là tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành sau quá trình thi công xây dựng như: Trụ sở làm việc, nhà kho, hàng rào, tháp nước, sân bãi, các công trình trang trí cho nhà cửa, đường xá, cầu cống, đường sắt, đường băng sân bay, cầu tầu, cầu cảng, ụ triền đà (ụ để phục vụ việc hạ thủy tàu).
Khác với quyền sử dụng đất, nhà cửa - vật kiến trúc được tính khấu hao. Với 3 doanh nghiệp MWG, DGW và FRT đều được khấu hao theo đường thẳng.
Báo cáo tài chính cho thấy, giá trị còn lại của nhà cửa, vật kiến trúc MWG tại ngày 30/09/2022 lên tới 7.989 tỷ đồng nhưng giá trị quyền sử dụng đất chỉ có 26 tỷ đồng , nhỏ nhất trong số 3 doanh nghiệp so sánh.
Ngược lại, nhà cửa, vật kiến trúc còn lại của FRT chỉ gần 11 tỷ đồng nhưng giá trị quyền sử dụng đất lên tới 151 tỷ đồng.
DGW có giá trị quyền sử dụng đất là 59 tỷ đồng và giá trị công trình nhà cửa, vật kiến trúc là 11 tỷ đồng.
Không chỉ áp đảo về nhà cửa, vật kiến trúc, MWG còn bỏ xa DGW và FRT về giá trị Phương tiện vận tải và Thiết bị văn phòng
Kết quả của sự đầu tư mạnh vào TSCĐ này là tỷ trọng chi phí khấu hao/doanh thu của MWG lớn hơn nhiều so với DGW và FRT. Theo tính toán, trong 9 tháng đầu năm, trong 100 đồng doanh thu thuần của MWG có tới gần 3 đồng chi phí khấu hao, trong khi cả FRT và DGW chỉ mất 0,02 và 0,03 đồng.
Tất nhiên, chi phí khấu hao là một loại chi phí không bằng tiền của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi nhuận nhưng đã được loại trừ khi tính toàn dòng tiền trong kỳ của doanh nghiệp.