Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ sắp vượt mốc 1 triệu, Thái Lan tiêm mũi tăng cường cho học sinh

Chia sẻ Facebook
18/04/2022 14:04:46

Đến sáng 18/4, thế giới có trên 504,63 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,22 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,31 triệu ca mắc và hơn 1,015 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 5.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .


Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ dự báo, nước này sẽ ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 vượt ngưỡng 1 triệu ca trong vài tuần tới. Đại học Johns Hopkins công số số liệu cho thấy, hiện Mỹ có 988.609 ca tử vong, trong khi CDC dự báo, Mỹ sẽ có thêm 11.000 ca tử vong trong 4 tuần tới. Các dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins cho thấy, Mỹ vẫn chưa đạt đến mức đỉnh trong các đợt dịch trước nhưng hiện ghi nhận trung bình 40.000 ca mới/ngày. Số ca nhập viện tiếp tục giảm. Trung bình 7 ngày con số này ở mức dưới 15.000 ca.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp máy xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 qua hơi thở. FDA cho biết, máy xét nghiệm này có thể phát hiện các hợp chất hóa học trong hơi thở liên quan tới virus SARS-CoV-2 trong vòng chưa đầy ba phút.


Máy phân tích hơi thở này không phát hiện virus, thay vào đó được thiết kế để xác định các dạng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có chứa virus SARS-CoV-2. Thiết bị mới này sử dụng công nghệ quang phổ Raman, kỹ thuật quang phổ dựa trên sự tán xạ không đàn hồi của ánh sáng đơn sắc, thường được phát từ một nguồn laser; cho phép xác định các mẫu phân tử nhất định với độ chính xác cao. Xét nghiệm bằng đường thở có thể được thực hiện ở ngay tại phòng khám của các bác sỹ, các bệnh viện và các trạm xét nghiệm lưu động, giúp nhân viên y tế tiến hành thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn.


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 17/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,04 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.700trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Ấn Độ đặt nghi vấn về phương pháp mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại quốc gia châu Á này, cho rằng không thể sử dụng một mô hình toán học như vậy để tính số ca tử vong đối với một quốc gia rộng lớn về địa lý và quy mô dân số. Bộ Y tế Ấn Độ ra tuyên bố trên sau khi tờ the New York Times số ra ngày 16/4 cho biết, Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại với WHO về phương pháp mà tổ chức này sử dụng để tính số ca tử vong. Theo Bộ trên, phân tích của WHO sử dụng số liệu về ca tử vong trực tiếp có được từ các quốc gia Tier I (các nước giàu nhất) để làm mô hình toán học cho các nước Tier II (các nước có thu nhập thấp hơn, bao gồm Ấn Độ).


Ấn Độ vẫn sẵn sàng hợp tác với WHO vì các dữ liệu như thế này vẫn hữu ích về mặt hoạch định chính sách, nhưng Ấn Độ tin rằng việc làm rõ phương pháp luận và đưa ra bằng chứng về mức độ chính xác của phương pháp cũng rất quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cảm thấy tin tưởng khi sử dụng dữ liệu này.

Đến nay, Ấn Độ vẫn là tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới với trên triệu ca mắc(Ảnh: AP)


Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 662.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,25 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.


Từ tháng 5 tới, Bộ Y tế Thái Lan sẽ mở chiến dịch tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của Pfizer cho học sinh từ 12 - 17 tuổi đã tiêm mũi thứ 2 trước đó 4 - 6 tháng. Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DCD) Opart Karnkawinpong cho biết, kế hoạch này là nhằm tăng cường khả năng miễn dịch cho học sinh trước khi khai giảng năm học mới.

Chương trình tiêm chủng đại trà này là hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Thái Lan và sẽ được triển khai đồng thời tại các trường học trên toàn quốc. Học sinh theo học các chương trình không chính quy hoặc học tại nhà trong độ tuổi nói trên cũng như học sinh có bệnh nền hoặc các tình trạng thần kinh nghiêm trọng sẽ được tiêm mũi tăng cường tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khác.

Ông Opart cho biết, mỗi học sinh sẽ được tiêm mũi vaccine mRNA của Pfizer với liều lượng 15 microgram. Đối với những học sinh có vấn đề về sức khỏe, nhân viên y tế sẽ có mặt để giám sát việc tiêm chủng và đưa ra lời khuyên cho phụ huynh. Việc tiêm phòng sẽ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của phụ huynh và học sinh. Ông Opart nhấn mạnh rằng, việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết để tăng cường khả năng miễn dịch của thanh thiếu niên, mặc dù nhiều người trong số những người bị nhiễm bệnh có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho Bộ Y tế và các cơ quan nhà nước khác chuẩn bị đối phó với khả năng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 khi người dân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Songkran vào ngày 18/4. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, Thủ tướng Prayut đã giao cho các cơ quan y tế đảm bảo phản ứng kịp thời đối với bất kỳ ổ dịch COVID-19 mới nào.


Giới chức y tế Trung Quốc thông báo ghi nhận hơn 3.500 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng trong ngày 17/4, tập trung chủ yếu ở thành phố Thượng Hải. Trung tâm tài chính Thượng Hải hiện là tâm dịch của đợt bùng phát mới tại Trung Quốc. Dù hầu hết người dân tại thành phố đang thực hiện lệnh phong tỏa nhưng số ca mắc mới tại đây vẫn chiếm phần lớn tổng số ca mắc mới được ghi nhận ở Trung Quốc đại lục.

Trong ngày 16/4, một số địa phương ở Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa mới để ngăn chặn dịch COVID-19. Trong khi đó, thành phố Tây An ở Tây Bắc Trung Quốc cũng thông báo tạm thời áp dụng lệnh phong tỏa từng phần.


Với việc tất cả các quy tắc giãn cách xã hội ngoại trừ đeo khẩu trang sẽ kết thúc trong tuần này, người dân Hàn Quốc đang háo hức trở lại cuộc sống bình thường trước khi dịch COVID-19 bùng phát mà không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng, việc đeo khẩu trang vẫn mang lại những lợi ích lớn ngay cả khi đại dịch qua đi.

Người dân Hàn Quốc vẫn xem trọng lợi ích của việc đeo khẩu trang. (Ảnh: AP)

Bắt đầu từ ngày 18/4, tất cả các quy định về phòng chống lây nhiễm COVID-19, ngoại trừ đeo khẩu trang, sẽ được dỡ bỏ, bao gồm lệnh giới nghiêm về giờ hoạt động của các nhà hàng, quán cà phê và cơ sở kinh doanh nhỏ khác cũng như giới hạn về quy mô những buổi tụ họp riêng tư. Điều này sẽ khiến việc đeo khẩu trang, hiện được yêu cầu đeo trong nhà và một phần ở ngoài trời, trở thành biện pháp hạn chế cuối cùng còn sót lại đối với đời sống xã hội sau gần 2 năm Hàn Quốc áp đặt các quy tắc giãn cách xã hội. Nhiều người Hàn Quốc đã bày tỏ sự nôn nóng hy vọng cuộc sống bình thường không khẩu trang sẽ sớm trở lại, trong khi những người khác lại nhấn mạnh những lợi ích của việc đeo khẩu trang, cho biết họ sẽ tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả khi đại dịch đã qua đi.

Trên mạng xã hội, nhiều người cho biết sẽ luôn giữ thói quen đeo khẩu trang, duy trì cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 hoặc vẫn nhìn thấy lợi ích lớn của việc đeo khẩu trang khi giúp tránh hít phải khói thuốc lá hay bụi mịn. Một người nói rằng, gia đình họ sẽ tiếp tục đeo khẩu trang dù có quy định bắt buộc hay không. Những người khác cũng viện dẫn việc hình thành thói quen đeo khẩu trang hoặc không phải trang điểm là những lý do khiến họ muốn duy trì việc khẩu trang.

Việc tiêm vaccine phòng COVID19 cho trẻ nhỏ là cần thiết vì nếu bị nhiễm bệnh mà chưa được tiêm phòng, sẽ có thể có những hậu quả khó lường. Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết, Anh đang chứng kiến "sự gia tăng đáng kể và đột ngột" các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ được cho là có liên quan tới COVID-19.


WHO đã nhận được thông báo về 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em dưới 10 tuổi trên khắp miền Trung Scotland vào ngày 5/4 vừa qua. Đến ngày 8/4, con số này đã tăng đột biến, lên 74 trường hợp ghi nhận trên toàn Vương quốc Anh. Xét nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi này nhiễm các loại virus viêm gan nhưng lại phát hiện các em nhiễm một trong hai, hoặc đồng thời cả hai loại virus SARS-CoV-2 và adenovirus. Nhiều trường hợp tương tự đã được ghi nhận tại Ireland và Tây Ban Nha. Các triệu chứng bao gồm vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. Hiện WHO đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng này.

Chia sẻ Facebook